4 thủ đoạn lừa đảo bạn cần biết để tránh bị mất tiền ngân hàng
Lợi dụng tình hình dịch COVID-19 và tâm lý hoang mang người dùng, tội phạm mạng đã đẩy mạnh các hoạt động lừa đảo nhằm lấy cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
4 thủ đoạn lừa đảo phổ biến trong mùa dịch COVID-19
- Email lừa đảo: Tội phạm mạng sẽ giả mạo các cơ quan nhà nước (Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh quốc gia, Bộ Y tế...) để gửi email có chủ đề liên quan đến COVID-19 như “Cập nhật thông tin về COVID-19”, “Bán bộ Kit test nhanh COVID-19” hoặc “Khai báo y tế liên quan đến COVID-19”… đồng thời đính kèm liên kết, tệp tin chứa virus/mã độc.
Khi người nhận vô tình nhấp vào liên kết hoặc mở tệp tin, virus/mã độc sẽ ngay lập tức được tải về tự động và cài đặt trên thiết bị, sau đó thu thập thông tin và chiếm đoạt tài sản.
- Tin nhắn lừa đảo: Tội phạm mạng sẽ gửi tin nhắn trúng thưởng có chứa liên kết dẫn đến các trang web giả mạo (có địa chỉ và giao diện gần giống với trang web chính thức của ngân hàng, tổ chức tài chính, trung gian thanh toán...) và yêu cầu người dùng đăng nhập tài khoản ngân hàng để nhận tiền.
Nếu làm theo, kẻ gian sẽ có được thông tin đăng nhập ngân hàng điện tử và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của bạn.
Tin nhắn lừa đảo dụ người dùng truy cập vào các trang web giả mạo. Ảnh: Internet
- Trang web lừa đảo: Tội phạm mạng sẽ tạo ra các trang web quyên góp từ thiện liên quan đến dịch COVID-19 để cài mã độc, lấy cắp thông tin đăng nhập và chiếm đoạt tài sản của bạn.
- Cuộc gọi lừa đảo: Lợi dụng việc giãn cách xã hội và làm việc tại nhà, kẻ gian đã đóng giả là nhân viên IT hỗ trợ người dùng làm việc từ xa, từ đó lừa người dùng cung cấp thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử.
Làm thế nào để tránh bị mất tiền ngân hàng trong mùa dịch COVID-19?
- Tuyệt đối bảo vệ thông tin cá nhân: Không chia sẻ các thông tin cá nhân, bao gồm tên đăng nhập, mật khẩu ngân hàng điện tử, OTP, số thẻ, ngày hết hạn thẻ, số CVV... cho bất kì ai, kể cả khi người đó tự xưng là nhân viên ngân hàng, công an.
- Thận trọng khi mở email, tin nhắn hoặc sử dụng Facebook: Không nhấp vào các liên kết và các tệp tin đáng ngờ được đính kèm trong email, kể cả khi nó được gửi từ những người quen thuộc. Hãy nhắn tin hoặc điện thoại trực tiếp cho người gửi email để xác nhận lại một lần nữa.
Cẩn trọng các trang web giả mạo giao diện ngân hàng. Ảnh: TIỂU MINH
- Kiểm tra kĩ thông tin trước khi chuyển tiền: Kiểm tra chính xác thông tin về đơn vị nhận tiền (tên đơn vị nhận tiền, tài khoản của đơn vị nhận tiền, ngân hàng nhận tiền). Khi hoàn tất việc chuyển tiền, bạn cần thông báo ngay lập tức cho người nhận bằng điện thoại, email hoặc fax.
- Cập nhật phần mềm bảo mật: Đây là cách đơn giản nhất để hạn chế các phần mềm độc hại, mã độc. Bên cạnh đó, người dùng cũng nên thường xuyên cập nhật ứng dụng, trình duyệt, hệ điều hành trên điện thoại, máy tính... để vá các lỗ hổng còn tồn tại trước đó.
- Sử dụng VPN (mạng riêng ảo): Việc sử dụng VPN sẽ giúp mã hóa toàn bộ thông tin giao dịch trực tuyến, đảm bảo kẻ gian không thể đánh cắp thông tin đăng nhập của bạn.
Chuyên gia bảo mật Kaspersky khuyên người dùng nên đổi ngay mật khẩu quản trị cho router Wi-Fi khi làm việc tại nhà.
Nguồn: [Link nguồn]