4 thiết bị công nghệ giúp con người bay lượn trên bầu trời như batman
Với sự phát triển của công nghệ, việc bay lượn như trong những bộ phim viễn tưởng đã không còn là chuyện xa vời với chúng ta.
Flyboard
Flyboard có lẽ là thiết bị “bay” đại trà và phổ biến nhất hiện nay. Nó được phát minh bởi Franky Zapata và hiện tại đã được phổ biến đến nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là những khu du lịch biển.
Flyboard hoạt động với nguyên lý hút nước vào rồi phun ra với một lực rất mạnh, tạo ra lực đẩy để đưa người lên không trung khoảng 6 – 10 mét. Người sử dụng chỉ cần đứng trên một bàn đạp và tận hưởng những khoảnh khắc chơi vơi giữa không trung. Tuy nhiên, đây là thiết bị chỉ có thể “bay” trên mặt nước mà thôi.
Rossy’s Jet Powered Wing
Đây là một thiết bị được tạo ra bởi Yves Rossy, một cựu phi công của Lực lượng Không quân Thụy Sĩ, đồng thời là nhà phát minh, sáng chế. Ông được biết đến rộng rãi với cái tên “Jetman” sau khi bay bằng thiết bị phản lực thu nhỏ do chính mình tạo ra.
Sử dụng động cơ phản lực cùng đôi cánh trên lưng, Rossy có thể lao đi như một chiếc phi cơ thu nhỏ. Thiết bị này sử dụng xăng nhẹ làm nhiên liệu, mỗi lần nạp nhiên liệu cho phép bay được từ 15 – 25 phút. Tổng khối lượng thiết bị này nặng khoảng hơn 50 kg, bao gồm đôi cánh, mũ bảo hiểm và cả dù bay.
JB-9 Jetpack
Khác với thiết bị tối tân của Rossy thì JB-9 lại là một thiết bị bay phản lực nhỏ gọn hơn nhiều. Nó cũng cho phép người sử dụng bay thẳng từ mặt đất lên thay vì phải thả rơi từ trên cao như thiết bị của Rossy.
JB-9 cũng sử dụng động cơ phản lực, được gắn gọn sau lưng và tạo ra lực đẩy đủ mạnh để nâng người lên cao. Mỗi lần nạp nhiên liệu, thiết bị này bay được hơn 10 phút và cho phép bay với tốc độ lên đến 100 km/h.
Martin Jetpack
Martin Jetpack có thiết kế tương tự như JB-9 Jetpack nhưng cồng kềnh hơn nhiều, do công ty Martin Aircraft tại New Zealand phát triển. Phương tiện được giới thiệu lần đầu ra công chúng vào ngày 29 tháng 7 năm 2008 trong sự kiện AirVenture do hiệp hội thử nghiệm máy bay tổ chức.
Thay vì sử dụng lực đẩy thông qua việc đốt cháy nhiên liệu, Martin Jetpack lại dùng hai ống quạt lớn để tạo lực nâng. Thiết bị sử dụng động cơ pít ton V-4 dùng xăng để tạo lực nâng gắn vào thân chính làm bằng sợi cácbon, hai bánh lái phía dưới hai ống quạt dùng để điều chỉnh hướng bay, hai cần điều khiển đặt trên hai tay vịn hướng ra phía trước. Phi công sẽ chỉ việc đứng cột mình vào phương tiện với các dây an toàn và cầm cần điều khiển.
Với một robot tự hành và một máy bay không người lái, con tàu mới của NASA sẽ mở ra nhiều hiểu biết mới mẻ về sao...
Nguồn: [Link nguồn]