4 chiêu lừa đảo bạn đặc biệt phải cảnh giác dịp Tết
Dù ngân hàng và các phương tiện truyền thông luôn cảnh báo về những chiêu thức lừa đảo, song vẫn có rất nhiều người trở thành nạn nhân của kẻ gian, đặc biệt là vào những ngày cuối năm, trước thềm Tết nguyên đán.
Lừa đảo thông qua việc mạo danh các sàn thương mại điện tử (TMĐT)
Đầu tiên, kẻ gian sẽ mạo danh là nhân viên của sàn TMĐT, yêu cầu thu hồi sản phẩm mà bạn đã đặt trước đó và hoàn tiền gấp 3 lần, tuy nhiên, bạn cần phải bấm vào liên kết và cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng. Nếu người dùng làm theo, tiền trong tài khoản sẽ ngay lập tức “không cánh mà bay”.
Ngoài ra, một hình thức lừa đảo khác là thông báo bạn đã trúng thưởng khi mua sắm trực tuyến. Nội dung tin nhắn sẽ bao gồm một liên kết giả mạo, yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng/tài khoản Internet Banking (bao gồm cả tên đăng nhập, mật khẩu và OTP).
Lừa đảo rút trộm tiền qua ví điện tử
Ví điện tử hiện tại đã trở thành một phương thức thanh toán ưa thích của nhiều người tiêu dùng. Do đó, không có gì khó hiểu khi kẻ gian luôn nhắm vào nhóm người sử dụng ví điện tử.
Cụ thể, kẻ gian sẽ nhắn tin với bạn và đề nghị thu mua số lượng lớn voucher mà bạn không sử dụng, đồng thời yêu cầu được đăng nhập tài khoản ví điện tử để tự sử dụng voucher. Tuy nhiên, sau khi có được thông tin đăng nhập, kẻ gian sẽ rút sạch tiền trong các thẻ ngân hàng liên kết với ví điện tử.
Bên cạnh đó, kẻ gian còn sử dụng hình thức cho vay tiền online để mời gọi người dùng vay vốn và yêu cầu đăng ký trên website giả mạo ngân hàng. Họ sẽ sử dụng những thông tin mà bạn đã cung cấp (họ tên, CCCD, số điện thoại, số thẻ/tài khoản ngân hàng, mật khẩu, OTP…) để tạo tài khoản ví điện tử và liên kết với tài khoản ngân hàng.
Sau đó, kẻ gian sẽ chiếm đoạt tiền trong ví điện tử (tài khoản thanh toán) bằng cách mua sắm hoặc chuyển tiền qua ví điện tử khác.
Làm thế nào để tránh bị lừa vào dịp cuối năm?
- Người dùng cần cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi, email yêu cầu truy cập đường link lạ, đặc biệt là trò lừa mạo danh tin nhắn ngân hàng mà Kỷ Nguyên Số đã từng đề cập nhiều lần trước đó.
- Không đăng nhập, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân cho bất cứ ai, kể cả khi người đó tự xưng là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng, tổng đài viên đề nghị hỗ trợ nâng cấp SIM 4G…
- Đặt mật khẩu khó đoán, và thường xuyên thay đổi mật khẩu sau một khoảng thời gian nhất định. Mật khẩu mạnh sẽ có tối thiểu 8 ký tự, bao gồm chữ hoa, chữ thường, số và các ký tự đặc biệt. Để đảm bảo an toàn, người dùng không nên lưu mật khẩu trên trình duyệt, đồng thời không sử dụng một mật khẩu cho nhiều tài khoản.
- Đăng ký nhận thông báo khi tài khoản có biến động (số dư thay đổi).
- Sử dụng phương thức xác thực Smart OTP hoặc Soft OTP (tùy cách đặt tên của từng ngân hàng) khi giao dịch trực tuyến, thay vì SMS OTP như hiện nay.
- Khi thực hiện việc chuyển khoản, người dùng cần phải chú ý lại địa chỉ trang web, xem có đúng là trang web của ngân hàng hay không.
- Thường xuyên cập nhật thông tin về các chiêu trò lừa đảo trên những phương tiện thông tin đại chúng.
Hiện nay, các ngân hàng đang đẩy nhanh việc chuyển đổi từ thẻ ATM từ sang thẻ ATM gắn chip với các ưu điểm vượt trội....
Nguồn: [Link nguồn]