4 cách tăng tốc độ Wi-Fi
Nếu ngồi quá xa router, hẳn là bạn sẽ thường xuyên gặp phải tình trạng mất kết nối hoặc tín hiệu WiFi không ổn định khiến việc xem phim, tải tập tin luôn bị ngắt quãng. Làm thế nào để khắc phục tình trạng trên?
Tín hiệu WiFi sẽ giảm dần nếu chúng ta ngồi quá xa thiết bị phát sóng, bên cạnh đó còn rất nhiều yếu tố khác gây ra tình trạng trên như router được đặt gần các thiết bị điện tử, hoặc nhà bạn có diện tích lớn và nhiều phòng khiến tín hiệu bị cản lại bởi những bức tường gạch dày… Điều này cho thấy vị trí đặt router rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến cường độ tín hiệu WiFi.
WiFi là viết tắt của từ Wireless Fidelity, được gọi chung là mạng không dây sử dụng sóng vô tuyến. Loại sóng vô tuyến này tương tự như sóng điện thoại, truyền hình và radio. WiFi là kết nối không thể thiếu trên điện thoại, laptop, máy tính bảng và các thiết bị điện tử tiêu dùng hiện nay.
1. Đặt router ở vị trí trung tâm
Hãy cố gắng đặt router ở vị trí trung tâm ngôi nhà hoặc gần các thiết bị bạn cần sử dụng, đồng thời nên sử dụng cáp Ethernet thay vì WiFi để có được độ ổn định tốt nhất.
Ngoài ra, bạn cũng nên xem xét đến việc gắn router lên trần nhà hoặc góc tường. Nếu nhà có hai tầng, bạn hãy đặt router ở tầng giữa.
2. Tránh đặt router gần các bức tường gạch dày
Sóng vô tuyến (WiFi) sẽ bị hấp thụ và suy giảm bởi các bức tường gạch dày hoặc tường bê tông. Ngoài ra, còn một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến tín hiệu WiFi như hồ cá, các vật dụng bằng kim loại và gương… Do đó, việc đặt router phía sau tivi hoặc trong phòng tắm là hoàn toàn sai lầm.
3. Không nên đặt router trong nhà bếp
Lò vi sóng, radio, điện thoại không dây và router đều sử dụng sóng vô tuyến trên băng tần 2,4 GHz. Do đó, khi sử dụng lò vi sóng, tín hiệu WiFi chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, một số vật dụng bằng kim loại cũng có khả năng hấp thụ và làm suy giảm tín hiệu WiFi như tủ lạnh, bếp… Điều này đồng nghĩa với việc nhà bếp không phải là vị trí thích hợp để đặt router.
4. Tăng cường khả năng phát sóng trên router
Ăngten là một thành phần trên router và phát đi tín hiệu đến các thiết bị theo chiều ngang. Do đó, để có được hiệu quả tốt nhất, bạn nên thiết lập ăngten theo chiều dọc (hướng lên/xuống). Tuy nhiên, nếu nhà có nhiều tầng, người dùng nên xoay ăngten theo chiều ngang.
Ngoài ra, một số loại router còn cho phép tháo ăngten mặc định và thay bằng một loại khác, điều này sẽ giúp tín hiệu sóng được truyền tải xa hơn.
Bên cạnh đó, thay vì phải đầu tư vào các bộ router đắt tiền hay “nhiều râu”, người dùng chỉ cần mua thêm các thiết bị bổ sung rẻ tiền để tăng sóng WiFi nhưng vẫn hiệu quả. Chức năng chính của các sản phẩm này là bắt sóng WiFi gốc và tạo ra một điểm phát sóng mới mạnh hơn.
Trên thị trường hiện tại có rất nhiều mẫu mã và thương hiệu để người dùng lựa chọn, đơn cử như TP-Link, Tenda hay mới nổi lên dạo gần đây là Xiaomi. Với chất lượng tốt, giá cả phải chăng và thiết kế đẹp mắt, Xiaomi đã làm không ít hãng công nghệ khác phải dè chừng.
Về cơ bản, những thiết bị tăng sóng WiFi qua đường điện sẽ có hai phần, một cục nguồn được gắn gần router để thu tín hiệu mạng (kết nối bằng dây Ethernet), cục còn lại bạn có thể gắn vào ổ điện ở bất cứ đâu trong nhà (nơi cần tăng sóng). Việc cấu hình tương đối khá đơn giản nên bất cứ ai cũng có thể thực hiện dễ dàng.
Nếu yêu thích sự đơn giản và gọn nhẹ, bạn có thể tìm mua các sản phẩm tăng sóng WiFi của Xiaomi. Thiết bị sẽ tự dò tìm nguồn phát WiFi thông qua đường điện, người dùng chỉ cần cài đặt phần mềm Mi Home lên các thiết bị Android và iOS để quản lý.
Theo thử nghiệm, các thiết bị tăng sóng cho tầm phát khá tốt, phù hợp với những ngôi nhà cao tầng hoặc những vị trí cách xa nguồn phát WiFi nói chung.
Với những giải pháp này, tốc độ Wi-Fi tại nhà sẽ nhanh và ổn định hơn.