3 trò lừa đảo cần cảnh giác trong năm 2023
Tội phạm mạng có rất nhiều cách để đánh cắp thông tin cá nhân, thẻ ngân hàng… của bạn. Dưới đây là một số trò lừa đảo bạn cần cảnh giác trong năm 2023.
1. Lừa đảo trúng thưởng
Theo Anti-Phishing Working Group (nhóm công tác chống lừa đảo), chỉ tính riêng trong quý 1 năm 2022 đã có hơn 10 triệu cuộc tấn công lừa đảo, đặc biệt từ tháng 7 đến tháng 10-2022, con số đó đã tăng lên 1,3 lần. Các nhà nghiên cứu cho biết nỗ lực lừa đảo dự kiến sẽ phát triển hơn nữa vào năm 2023.
Có rất nhiều phương pháp lừa đảo, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là gửi email, tin nhắn, mạo danh các trang web công ty… để thu thập thông tin cá nhân, tên người dùng, mật khẩu và các dữ liệu nhạy cảm khác.
Tội phạm mạng thường sử dụng các thông điệp được viết khéo léo để dụ người dùng cung cấp dữ liệu riêng tư.
Mới đây, Google đã lên tiếng cảnh báo về các email giả mạo công ty, người nhận được yêu cầu nhấp vào một liên kết để nhận giải thưởng, tuy nhiên, chúng sẽ chuyển hướng bạn đến một trang web lừa đảo để đánh cắp thông tin đăng nhập, dữ liệu cá nhân…
Chỉ riêng trong năm 2022, người dùng Mỹ đã mất số tiền khổng lồ 10,3 tỉ USD vì các vụ lừa đảo trên Internet. Vì vậy, hãy luôn kiểm tra kỹ phần địa chỉ để đảm bảo email được gửi bởi người mà bạn tin tưởng.
Để hạn chế trở thành nạn nhân của kiểu lừa đảo này, bạn không nên cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ ai, kể cả khi người đó tự xưng là cơ quan điều tra, ngân hàng…
2. Lừa đảo tiền điện tử
Theo Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC), chỉ tính riêng trong năm 2021 các vụ lừa đảo tiền điện tử đã gây thiệt hại khoảng 1 tỉ USD, gần gấp 60 lần số tiền được ghi nhận vào năm 2018.
Vì giao dịch tiền điện tử là ẩn danh và không thể đảo ngược, tức là bạn không thể lấy lại tiền của mình sau khi đã giao dịch, do đó các phương pháp lừa đảo liên quan đến tiền điện tử đang ngày trở nên phổ biến.
Lừa đảo tiền điện tử có thể bắt nguồn từ một tin nhắn văn bản, email hoặc cuộc gọi, thuyết phục bạn tải xuống một ứng dụng giả mạo hoặc đầu tư vào một dự án tiền điện tử. Những kẻ lừa đảo chủ yếu thu hút nạn nhân bằng những lời hứa hẹn về khoản lợi nhuận khổng lồ.
Để hạn chế bị lừa tiền điện tử, bạn không nên đầu tư chỉ dựa trên lời khuyên của một người mà bạn mới gặp trên mạng. Đồng thời không bao giờ tiết lộ khóa riêng tư hoặc mật khẩu cho bất kỳ ai.
3. Lừa đảo việc làm
Kể từ năm 2022, lĩnh vực công nghệ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng sa thải. Lạm phát cũng buộc mọi người phải tìm kiếm các cơ hội việc làm tốt hơn, điều này đã mang đến cho những kẻ lừa đảo cơ hội vàng.
Theo báo cáo của ZeroFox Intelligence, các vụ lừa đảo việc làm đã tăng 30% trong khoảng thời gian từ quý 3 đến quý 4 năm 2022.
Lừa đảo có thể được phát tán thông qua email hoặc các trang web uy tín như LinkedIn. Bên cạnh đó, tội phạm mạng cũng có thể tạo ra các trang web công ty giả mạo, đăng tin tuyển dụng với mức lương hấp dẫn để dụ người dùng cung cấp thông tin cá nhân, đóng lệ phí… sau đó biến mất không dấu vết.
Để tránh bị lừa khi đi xin việc, bạn không nên đóng lệ phí trước khi bắt đầu, đồng thời nên tìm đến các địa chỉ uy tín để tìm việc, không cung cấp quá nhiều thông tin cho bất kỳ ai.
Mới đây, các nhà nghiên cứu bảo mật của McAfee đã phát hiện ra 38 ứng dụng Android bị nhiễm phần mềm độc hại HiddenAds, ảnh hưởng đến hơn 35 triệu thiết bị.
Nguồn: [Link nguồn]