3 cách kiểm tra điện thoại có nhiễm phần mềm độc hại
Trong bài viết này, Kỷ Nguyên Số sẽ hướng dẫn bạn đọc 3 cách kiểm tra điện thoại có bị nhiễm phần mềm độc hại hay không.
Mới đây, Google đã xóa một ứng dụng ghi màn hình phổ biến dành cho Android có tên iRecorder - Screen Recorder sau khi ứng dụng này bị phát hiện đánh cắp thông tin người dùng.
Ứng dụng này được giới thiệu lần đầu tiên trên Google Play vào năm 2021 và dường như vô hại. Tuy nhiên, trong bản cập nhật mới nhất, iRecorder - Screen Recorder đã được nhúng thêm phần mềm độc hại, cho phép ứng dụng truy cập âm thanh, tệp đa phương tiện và trang web từ điện thoại của người dùng.
Nóng, chạy chậm, hao pin... là những dấu hiệu cho thấy điện thoại bị nhiễm phần mềm độc hại. Ảnh: TIỂU MINH
Theo TechCrunch, phần mềm độc hại có tên AhRat, một trojan truy cập từ xa (mã nguồn mở) có thể truy cập vào điện thoại của người dùng và hoạt động tương tự như phần mềm gián điệp.
Khi cài đặt iRecorder, bạn sẽ được yêu cầu cấp quyền cho phép ứng dụng truy cập micro, ảnh, tệp đa phương tiện… điều này không có gì lạ đối với một ứng dụng ghi màn hình. Nhưng khi phần mềm độc hại được nhúng vào ứng dụng, dữ liệu của bạn có thể bị kẻ gian truy cập từ xa.
Theo nhà nghiên cứu Lukas Stefanko thuộc công ty bảo mật ESET, việc một nhà phát triển gửi một ứng dụng vô hại lên Google Play, và sau đó cập nhật thêm phần mềm độc hại là điều hiếm khi xảy ra.
Nếu đã tải và cài đặt ứng dụng iRecorder, bạn nên xóa nó ngay lập tức bằng cách vào Settings (cài đặt) - Apps (ứng dụng) - Uninstall (gỡ cài đặt). Lưu ý, tên và vị trí các tùy chọn có thể thay đổi tùy vào thiết bị bạn đang sử dụng.
Gỡ cài đặt các ứng dụng đáng ngờ trên điện thoại. Ảnh: TIỂU MINH
Nếu nghi ngờ điện thoại bị nhiễm phần mềm độc hại, dưới đây là 3 dấu hiệu bạn cần kiểm tra:
1. Điện thoại hoạt động chậm bất thường
Nếu điện thoại chạy chậm và liên tục bị đơ, nhiều khả năng thiết bị đã bị nhiễm phần mềm độc hại. Lúc này, bạn hãy vào Settings (cài đặt) - Apps (ứng dụng), lướt qua danh sách tất cả các ứng dụng, nếu phát hiện ứng dụng lạ, người dùng nên xóa chúng ngay lập tức.
2. Điện thoại quá nóng
Việc điện thoại của bạn nóng lên trong khi đang sạc là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu điện thoại nóng lên khi không sử dụng thì bạn cần phải để ý.
Nguyên nhân có thể là do phần mềm độc hại chạy ngầm, liên tục gửi dữ liệu về máy chủ từ xa, gây tiêu tốn dữ liệu và khiến thiết bị bị quá nhiệt.
3. Pin hao nhanh
Theo thời gian, tuổi thọ pin của điện thoại sẽ giảm dần. Tuy nhiên, nếu nhận thấy pin điện thoại hao nhanh bất thường thì đó có thể là vấn đề.
Khi phần mềm độc hại chạy nền, chúng sẽ ngốn pin đáng kể. Người dùng có thể kiểm tra mức độ tiêu thụ pin trong phần Settings (cài đặt) - Battery (pin), sau đó xóa hoặc hạn chế các ứng dụng ngốn nhiều pin.
Kiểm tra các ứng dụng ngốn pin trên điện thoại. Ảnh: TIỂU MINH
Nếu bạn không tìm thấy các ứng dụng lạ hoặc bất kỳ dấu hiệu nào của phần mềm độc hại, nhưng điện thoại vẫn hoạt động chậm chạp, nóng… bạn hãy sao lưu lại toàn bộ dữ liệu, sau đó khôi phục cài đặt gốc trên điện thoại.
Hy vọng những mẹo nhỏ mà Kỷ Nguyên Số vừa cung cấp sẽ hữu ích với bạn đọc.
Thị trường web đen đã chứng kiến hàng trăm nghìn tài khoản ChatGPT được rao bán từ năm 2022.
Nguồn: [Link nguồn]