2023: Từ Việt Nam, ngắm 9 lần bầu trời đổ "mưa ánh sáng"
Theo dự báo của trang Time and Date, vào năm 2023 người Việt Nam sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng 9 đợt "mưa ánh sáng" ngoạn mục, bao gồm Quadrantids của tháng 1.
Đó là những cơn mưa sao băng đẹp mắt đạt cực đại vào các tháng 1, 4, 5, 8, 10, 11 và 12 của năm 2023.
1. Quadrantids
Đây là cơn mưa sao băng "của quá khứ" duy nhất trong danh sách, rơi từ ngày 28-12-2022 đến 12-1 năm nay, sau khi đạt cực đại với 110 ngôi sao vào đêm ngày 3, rạng sáng ngày 4-1. Quadrantids rơi từ thiên thạch 2003 EH1. Tuy nhiên đừng quá nuối tiếc nếu bỏ lỡ nó. Mưa ánh sáng từ bầu trời sẽ đổ xuống Trái Đất thêm 8 lần nữa với góc nhìn thuận lợi cho người Việt Nam.
Quang cảnh một trận mưa sao băng trên bầu trời nước Mỹ - Ảnh: NASA
2. Lyrids
Từ chòm sao Thiên Cầm (Lyra) hình cây đàn, mưa sao băng Lyrids sẽ đổ xuống từ ngày 14 đến 30-4, trong đó đạt cực đại vào đêm 22, rạng sáng 23-4 với khoảng 18 ngôi sao băng mỗi giờ. Đây là trận mưa sao băng lâu đời nhất mà nhân loại từng biết, xuất hiện trong cổ sử Trung Quốc tận 2.500 năm trước.
Mưa sao băng này đến từ chiếc đuôi đá bụi của Thatcher, một ngôi sao chổi mất tới 415 để quay quanh Mặt Trời. Dự kiến tới năm 2276 loài người mới tận mắt nhìn thấy sao chổi Thatcher dù mỗi năm địa cầu đều đi qua chiếc đuôi của nó.
3. Eta Aquarids
Mưa sao băng này rơi từ 19-4 đến 28-5, đạt cực đại đêm ngày 6, rạng sáng ngày 7-5 với 50 ngôi sao băng mỗi giờ. Mưa sao băng này là một trong hai cơn mưa sao băng được tạo ra bởi sao chổi Halley trong năm, tuy nhiên nó sẽ như phát ra từ ngôi sao sáng nhất Eta Aquarii của chòm sao Bảo Bình (Aquarius).
4. Perseids
Ngôi sao được đặt theo tên người chiến binh thần thoại của Hy Lạp này xuất phát từ đuôi của sao chổi 109P/Swift-Tuttle dù như phát ra từ chòm sao Anh Tiên (Perseus). Nó rơi từ ngày 17-7 đến 24-8, đạt cực đại đêm 13, rạng sáng 14-8 với tận 100 sao băng mỗi giờ.
Mưa sao băng Perseids - Ảnh: NASA
5. Draconids
Cơn mưa ánh sáng trông như cú phun lửa từ "rồng trời" - chòm sao Thiên Long (Draco) này sẽ diễn ra khá ngắn ngủi, chỉ từ ngày 6 đến ngày 10-10. Nó đạt cực đại vào đêm ngày 9, rạng sáng 10-10 rồi biến mất. Nguồn gốc của nó là sao chổi 21P/Giacobini-Zinner.
6. Orionids
Với 20 sao băng mỗi giờ, cơn mưa ánh sáng này đạt cực đại đêm 21, rạng sáng 22-10 theo góc nhìn từ TP HCM, nhưng rơi suốt từ ngày 2-19 đến 7-11. Đây là cơn mưa sao băng thứ 2 trong năm có nguồn gốc từ đuôi đá bụi của sao chổi Halley, nhưng trông như phát ra từ chòm sao Lạp Hộ (Orion), mang hình dáng người thợ săn.
7. Leonids
Đây cũng là một cơn mưa sao băng nhỏ rơi từ ngày 6 đến 30 tháng 11, đạt cực đại đêm 18, rạng sáng 19-11 với 20 ngôi sao băng mỗi giờ. Cơn mưa ánh sáng tuôn trào từ chòm sao Sư Tử (Leo) này có nguồn gốc từ sao chổi 55P/Tempel-Tuttle.
8. Geminids
Cơn mưa ánh sáng đẹp nhất năm sẽ đổ tới 150 ngôi sao băng mỗi giờ vào đêm cực đại - tối 14, rạng sáng ngày 15-12 - và rơi suốt từ ngày 4 đến 20-12, có thể trông thấy ở cả 2 bán cầu.
Mưa sao băng đặc biệt này không rơi từ sao chổi mà từ chiếc đuôi đá bụi của tiểu hành tinh 3200 Phaethon, một đối tượng được giới thiên văn chăm sóc đặc biệt vì rất có thể là một trong những "hóa thạch" từ bình minh của hệ Mặt Trời.
Mưa sao băng sẽ như phát ra từ chòm sao Song Tử (Gemini).
Một cơn mưa ánh sáng ngoạn mục được NASA ghi lại khi mưa sao băng Geminids xuất hiện - Ảnh: NASA
9. Ursids
Ursids sẽ rơi từ ngày 17 đến 26-12 với đỉnh điểm vào đêm 22, rạng sáng 23-12. Dự kiến 10 sao băng sẽ xuất hiện mỗi giờ trong đêm cực đại này. Nguồn gốc của cơn mưa ánh sáng này là sao chổi 8P/Tuttle, tuy nhiên nó sẽ trông như phát ra từ chòm sao Tiểu Hùng (Ursa Minor).
Hai vụ bùng nổ tia gamma rực rỡ vừa được người Trái Đất ghi nhận đã cung cấp bằng chứng cho một loại vật thể vũ trụ "trong truyền thuyết", từng được cho là không...
Nguồn: [Link nguồn]