2 ứng dụng cần có trên điện thoại khi trời mưa bão
Ảnh hưởng của cơn bão số 9 trong ngày 25-11 đã khiến một số khu vực bị ngập nặng, xe chết máy la liệt, người dân gặp khó khăn khi di chuyển... Làm thế nào để giảm tối đa thiệt hại khi trời mưa bão?
Đa số thông tin về mưa bão thường được thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, kể cả việc gửi tin nhắn đến điện thoại để người dân có thể chủ động phòng tránh, giảm thiểu tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra.
Người dân di chuyển, đi làm rất khó khăn vào sáng 26-11. Ảnh: NGUYỄN TÂN
1. Theo dõi đường đi của cơn bão
Đầu tiên, bạn hãy mở trình duyệt trên điện thoại hoặc máy tính và truy cập địa chỉ http://www.meteoearth.com/, nhập khu vực cần theo dõi vào khung tìm kiếm hoặc tìm trực tiếp trên bản đồ. Lúc này, trên màn hình sẽ xuất hiện một số tùy chọn gồm Temperature (nhiệt độ), Precipitation (lượng mưa), Cloud Cover (mây che phủ), Wind (gió), Tropical Storm (bão nhiệt đới)…
Theo dõi đường đi của cơn bão, sức gió và lượng mưa. Ảnh: MINH HOÀNG
Để theo dõi lượng mưa và đường đi của cơn bão, người dùng chỉ cần đánh dấu vào hai mục Precipitation và Tropical Storm. Lúc này Meteo sẽ hiển thị các thông tin theo từng mốc thời gian tương ứng, đơn cử như lộ trình di chuyển, sức gió… Để xem thông tin trong những ngày sắp tới, bạn có thể bấm vào thanh trượt thời gian ở bên dưới.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cài đặt ứng dụng Windy cho smartphone trên Google Play hoặc App Store. Ứng dụng này sẽ giúp kiểm tra và dự báo đường đi của siêu bão, sức gió, nhiệt độ, lượng mưa… đồng thời hiển thị dưới dạng biểu đồ để người dùng có thể dễ dàng quan sát. Tuy nhiên, Windy hiện vấp phải nhiều sự chỉ trích của cộng đồng mạng vì chú thích quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là Sansha (Tam Sa, theo cách gọi của Trung Quốc).
Windy, ứng dụng thời tiết đang bị chỉ trích khá nhiều từ cộng đồng người dùng Việt Nam. Ảnh: MINH HOÀNG
Trả lời về vấn đề trên, nhà phát triển Windy cho biết rất lấy làm tiếc vì một số nơi trên thế giới xảy ra vấn đề tranh chấp đất đai. Công ty không thể thay đổi tên hiển thị vì sử dụng cơ sở dữ liệu bản đồ của OpenStreetMap (https://www.openstreetmap.org/), đồng thời khuyến cáo người dùng nên liên hệ trực tiếp với OpenStreetMap.
2. Cách né những con đường ngập nước
Ứng dụng UDI Maps được xây dựng và phát triển bởi Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM, cung cấp cho người dùng các thông tin về những khu vực đang bị “tụ nước” trong TP.
Đầu tiên, bạn hãy tải và cài đặt ứng dụng UDI Maps cho smartphone tại địa chỉ http://bit.ly/udi-maps-1 (Android) hoặc http://bit.ly/udi-maps-2 (iOS). Giao diện của ứng dụng tương đối đơn giản, để kiểm tra các điểm “tụ nước” hoặc những khu vực đang mưa trong TP, bạn hãy chạm vào biểu tượng menu ở góc trên bên trái và chọn Thông tin hiện trạng. Đối với các thiết bị iOS, người dùng chỉ cần nhấp vào mục Hiện trạng ở thanh menu bên dưới.
Nhận cảnh báo ngập nước ngay trên smartphone. Ảnh: MINH HOÀNG
Lúc này trên bản đồ sẽ xuất hiện các biểu tượng tương ứng với tình hình thời tiết tại từng khu vực, cảnh báo triều cường và các điểm đang ngập nước. Nếu muốn xem hình ảnh tại khu vực đó, người dùng chỉ cần bấm vào biểu tượng camera tương ứng.
Khi có khu vực bị “tụ nước”, UDI Maps sẽ tự động gửi cảnh báo đến người dùng để bạn có thể kịp thời thay đổi lộ trình di chuyển. Ngoài ra, khi phát hiện các cung đường đang bị ngập, bạn có thể gửi thông tin, hình ảnh cho nhà phát triển ứng dụng để họ cập nhật dữ liệu theo thời gian thực.
Người dùng có thể theo dõi mọi thứ thông qua camera, thông báo triều cường và tình trạng mưa tại khu vực sắp đi qua. Ảnh: MINH HOÀNG
Nhìn chung, việc chủ động phòng tránh sẽ giúp bạn có thể hạn chế tối đa những thiệt hại có thể xảy ra, đơn cử như chằng chéo nhà cửa, gia cố lại mọi thứ, đồng thời di dời các ổ điện lên khu vực cao hơn, tránh trường hợp nước ngập gây rò rỉ điện.
Thêm vào đó, việc sử dụng UDI Maps còn giúp bạn né được những con đường bị ngập nước, theo dõi mọi thứ qua camera… từ đó tìm ra lộ trình phù hợp.
Trên mạng xã hội, các Facebooker đã đăng tải nhiều hình ảnh ngập nước kèm lời than “trời“.