14.000 điện thoại bị nghe lén tại VN: Cách phát hiện, phòng tránh
Nghe lén điện thoại đang là một vấn nạn nguy hiểm. Và bạn có chắc thiết bị của mình an toàn?
Mới đây, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50 - Công an TP. Hà Nội) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phát hiện Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng (có trụ sở tại phường Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội), đã sử dụng một loại phần mềm gọi là Ptracker để theo dõi người dùng qua điện thoại. Qua phần mềm Ptracker, doanh nghiệp này có thể truy cập thông tin của rất nhiều người: ghi âm cuộc thoại, định vị, quay phim, chụp ảnh, xem tin nhắn, kiểm soát cuộc gọi,...
Càng "sốc" hơn khi con số người dùng Việt Nam bị ảnh hưởng ước tính vào khoảng 14.000 người. Do vậy, hiện nay bất kỳ ai cũng có thể đang là nạn nhân của vấn nạn này. Để kiểm tra xem thiết bị của mình, phổ biến là smartphone có đang bị cài phần mềm nghe lén hay không, bạn có thể tham khảo một số mẹo sau.
Một bài giới thiệu phần mềm nghe lén điện thoại.
1. Dò lại danh sách phần mềm đã cài đặt
Thông thường, những phần mềm gián điệp kiểu nghe lén điện thoại sẽ cố gắng tìm cách ẩn mình dưới ánh mắt của người dùng. Tuy nhiên, trước khi dùng các biện pháp kỹ thuật cao hơn, bạn có thể dùng mắt lướt qua danh sách những ứng dụng đã cài đặt trên thiết bị để kiểm tra xem có phần mềm nào lạ, đáng ngờ không. Đặc điểm nhận dạng của các ứng dụng này là tiếng Trung Quốc, có từ "tracker", "logger",...
2. Kiểm tra dung lượng 3G
Mẹo này có thể góp phần giúp bạn kịp thời phát hiện ra các chương trình chạy nền không mong muốn. Riêng với phần mềm nghe lén điện thoại, chắc hẳn những phần mềm này sẽ gửi liên tục hoặc định kỳ những đoạn hội thoại, tin nhắn, danh bạ,... về cho máy chủ của kẻ gian. Do đó sẽ gây tiêu hao dung lượng 3G.
Để thử cách này, rất đơn giản, bạn hãy vô hiệu hóa tất cả các dịch vụ mạng trên thiết bị như Facebook, Zalo, Skype, Email trong khoảng 24 giờ, nhưng vẫn bật 3G ở chế độ hoạt động. Sau đó, ghi nhớ dung lượng 3G ở thời điểm đầu và sau 24 giờ trên. Nếu phát hiện thấy dung lượng gói đã sử dụng tăng đột biến thì có khả năng máy đang bị cài phần mềm gián điệp.
3. Sử dụng phần mềm diệt virus
Hầu hết các phần mềm diệt virus hiện nay đều được tích hợp công nghệ phát hiện phần mềm gián diệp, mã độc trên máy. Do đó, bạn có thể cài đặt một phiên bản dùng thử trên di động của hãng Kaspersky hay Symantec. Lưu ý, phải thận trọng trước khi xóa các dữ liệu mà phần mềm diệt virus phát hiện được vì không có phần mềm nào là hoàn hảo tuyệt đối cả, có thể phần mềm sẽ phát hiện nhầm một số dữ liệu từ vô hại thành độc hại.
Nếu phát hiện thiết bị có dấu hiệu đáng ngờ của việc bị cài phần mềm gián điệp, tốt hơn hết là bạn nên sao lưu lại các dữ liệu quan trọng, rồi phục hồi máy về trạng thái gốc. Tuy nhiên, nếu có khả năng phát hiện chính xác phần mềm gián điệp là gì thì bạn có thể chỉ cần xóa chúng đi là được.
Phòng tránh như thế nào? Như câu nói "phòng bệnh hơn chữa bệnh", bạn hãy chủ động bảo vệ thiết bị của mình trước khi nó bị cài đặt các phần mềm gián điệp nguy hiểm, như: - Không cho người lạ, người thiếu tin tưởng mượn điện thoại trong thời gian dài vì họ có thể cài đặt phần mềm bất kỳ lên thiết bị. Đặc biệt, nếu cho những người này mượn điện thoại của bạn từ ngày này sang ngày khác thì họ có thể kiểm tra thêm tính ổn định của phần mềm sau khi cài đặt thành công, khiến việc bị theo dõi về sau càng trở nên dễ dàng hơn. - Không cài đặt các ứng dụng, game không rõ nguồn gốc. Thay vào đó, bạn chỉ nên cài ứng dụng, game từ các kho ứng dụng "chính chủ", như Google Play (dành cho Android), App Store (dành cho iOS). - Hạn chế bật bluetooth kết nối với các thiết bị lạ vì nhiều phần mềm hiện nay cho phép người khác điều khiển thiết bị của bạn từ xa thông qua bluetooth. |