11 câu hỏi về Internet mà bạn chưa chắc đã trả lời được
Bạn online hàng ngày, hàng giờ nhưng liệu bạn đã biết hết về mạng Internet toàn cầu, vốn kết nối bạn với thế giới.
Internet là gì?
Internet là mạng lưới kết nối rộng lớn của nhiều mạng máy tính toàn cầu vận hành bởi các công ty, chính phủ, trường đại học và các tổ chức khác để giao lưu với nhau. Kết quả là mạng lưới chằng chịt đường cáp, máy tính, trung tâm dữ liệu, thiết bị định tuyến, máy chủ, bộ lặp, vệ tinh và tháp Wi-Fi đưa dữ liệu số đi vòng quanh thế giới.
Đây chính là cơ sở hạ tầng cho phép bạn đặt hàng online, chia sẻ cuộc sống hàng ngày trên Facebook, xem phim trên Netflix, gửi email cho người quen và tìm kiếm trên mạng.
Mạng lưới kết nối Internet. (Nguồn: Internet)
Internet rộng lớn như thế nào?
Một đơn vị tính là khối lượng thông tin được trao đổi: khoảng 5 exabyte một ngày, tương đương 40.000 bộ phim tiêu chuẩn dài 2 tiếng đồng hồ trong 1 giây.
Hàng nghìn dặm dây cáp đan chéo nhau qua các quốc gia, và nằm dưới đáy biển kết nối các lục địa và quần đảo, đa phần là các khối dây dẫn mỏng như sợi tóc để chuyển dữ liệu với tốc độ ánh sáng. Các tuyến cáp có độ dài từ 80 dặm nối Dublin tới Anglesey (Xứ Wales), tới tuyến cáp AGG quen thuộc dài 12.000 dặm nối California tới Singapore, Hong Kong và các phần khác của châu Á. Năm 2008, hai tuyến cáp biển bị hỏng gần cảng Alexandria (Ai Cập) ảnh hưởng tới 10 triệu người dùng Internet ở châu Phi, Ấn Độ, Pakistan và Trung Đông.
Internet sử dụng bao nhiêu năng lượng?
Huawei ước tính ngành công nghiệp thông tin và truyền thông sử dụng tới 20% năng lượng điện và sản xuất ra 5% lượng carbon thải ra của cả thế giới vào năm 2025.
Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley (Mỹ) tính toán rằng các trung tâm dữ liệu của Mỹ cần 73 tỷ kWh điện vào năm 2020. Khối năng lượng này tương đương với sản lượng của 10 nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point B của Anh.
World Wide Web là gì?
Web là nơi xem và chia sẻ thông tin trên mạng Internet, dưới các dạng văn bản, âm thanh, hình ảnh, hoặc bất kỳ dạng nào khác được viết lên trang web và xem qua trình duyệt. Google xử lý hơn 40.000 tìm kiếm trong 1 giây, và chiếm hơn 60% thị phần trình duyệt toàn cầu với Chrome. Có khoảng 2 tỷ website đang tồn tại nhưng phần lớn trong số đó hiếm khi được ghé thăm, với khoảng 0,1% số lượng website (5 triệu) thu hút hơn một nửa tổng số truy cập.
Trong số các website đó có thể kể đến Google, YouTube, Facebook, Baidu, Instagram, Yahoo, Twitter, VK.com, Wikipedia, Amazon và những website khiêu dâm. Sự phát triển của ứng dụng mang lại ý nghĩa với nhiều người ở chỗ hiện diện trên Internet ngày này không nằm ở trình duyệt lướt web mà là nội dung được tập trung: tin tức, tin nhắn, dự báo thời tiết, video và tương tự.
Surface, deep và dark web là gì?
Một lần tìm kiếm trên web không phải hiển thị tất cả các nội dung của nó. Dẫu hàng triệu kết quả có thể hiển thị trước mắt người dùng, Google chỉ đưa ra một phần của mạng Internet. Thực tế, có khoảng 95% nội dung không được liệt kê và hiển thị trên trình duyệt tiêu chuẩn. Có 3 tầng lớp của web: surface (nổi), deep (chìm) và dark (tối). Các trình duyệt tiêu chuẩn chỉ xem được web nổi với nội dung rõ ràng. Đằng sau đó là web chìm gồm các trang không được liệt kê được lưu trữ sau mật khẩu - tương tự mạng văn phòng Intranet - hoặc các trang không được liên kết do Google xây dựng bộ máy tìm kiếm dựa trên các kết nối giữa trang web.
Tận sâu thẳm của web chìm là dark web, có địa chỉ được ẩn giấu và truy cập thông qua phần mềm đặc biệt như Tor. Tuy tồn tại những người sử dụng dark web với mục đích tốt như nhà báo, các nhà hoạt động hay trọng tài hòa giải, một số lượng đáng kể những web này được vận hành cho hoạt động phạm pháp, ví dụ như buôn bán ma túy, súng đạn, tiền giả, tới hacker, sát thủ và khiêu dâm trẻ em.
Những quốc gia có tỷ lệ sử dụng Internet cao nhất và thấp nhất thế giới. (Nguồn: Internet)
Có bao nhiêu người đang online?
Con số này còn tùy thuộc vào cách đánh giá của mỗi người. Với ITU, cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc, coi online là sử dụng Internet trong vòng 3 tháng gần nhất. Điều này có nghĩa là không phải ai sống ở nơi có cáp mạng hay gần cột phát sóng Wi-Fi cũng được tính là sử dụng Internet. Theo cách tính này, đến cuối năm 2017, có khoảng 3,58 tỷ người, tức 45% dân số thế giới, được coi là online. Đến cuối năm 2018, con số này sẽ tăng lên 3,8 tỷ người, tương đương 49,2% và đạt mốc một nửa dân số toàn cầu sẽ online vào tháng 5/2019.
Kết nối cố định khá tốn kém ở một số quốc gia đang phát triển, do vậy phần đông kết nối qua điện thoại di động. Chính điều này dẫn tới hiện tượng sự tồn tại của Internet bị ảnh hưởng bởi những con số tăng trưởng khi mà những thứ như điện thoại di động làm được chỉ bằng một phần rất nhỏ đạt được bởi máy tính bàn, laptop hay tablet. "Sự phân biệt rạch ròi thường bị bỏ qua khi nhắc tới khả năng truy cập và tính kinh tế", Giám đốc nghiên cứu Dhanaraj Thakur của tổ chức Web Foundation cho biết, "chúng ta có thể nói 50% thế giới đang sử dụng Internet, nhưng trong số đó đa phần qua điện thoại. Xem xét năng suất sử dụng, rõ ràng khác hoàn toàn với một máy tính để bàn hay laptop".
Sự phổ biến của Internet di động cũng dẫn tới nhiều vấn đề. Ví dụ, ở châu Phi, các công ty viễn thông khuyến khích khách hàng mua các gói dữ liệu 20MB tới 1G để truy cập vào những ứng dụng quan trọng như Facebook, Whatsapp, Gmail và Twitter, kể cả khi hết dung lượng. Hệ quả là nhiều người liên kết Internet với các nền tảng đó thay vì mạng kết nối mở rộng. Thậm chí có người còn không nhận ra là mình đang sử dụng Internet. "Với những người này, Facebook chính là Internet. Họ không khám phá ra ngoài lãnh thổ mạng xã hội này", đại diện Web Foundation chia sẻ.
Người sử dụng Internet là ai?
Ở vài quốc gia tất cả mọi người đều online với gần 100% như Iceland, Đan Mạch, Na Uy, Luxembourg và Bahrain, theo số liệu ITU. Tiếp theo là Anh (95%), Mỹ (89%), Tây Ban Nha (85%), Pháp (80%) hay Italia (64%).
Những người không được kết nối có đặc điểm chung là nghèo, lớn tuổi, ít học hơn và sống ở nông thôn. Trong khi ở Mỹ có khoảng 300 triệu người dùng Internet, con số này ở Trung Quốc là khoảng 800 triệu nhưng vẫn có tới 40% dân số nước này offline; hay Ấn Độ đạt 500 triệu người dùng mà vẫn ở mức 60% offline.
Họ đang làm gì trên Internet?
1 phút trên mạng Internet tương đương với: 150 triệu email, 29 triệu tin nhắn, 1,5 triệu bài hát Spotify, 4 triệu lượt tìm kiếm Google, 2 triệu phút đàm thoại Skype, 350.000 tweet, 243.000 bức ảnh đăng Facebook, 87.000 giờ xem Netflix, 65.000 bức ảnh Instagram, 25.000 bài đăng Tumblr, 18.000 cặp đôi tương thích trên Tinder và 400 giờ video đăng tải trên Youtube.
Cộng tổng tất cả các video được xem trực tuyến, trên YouTube hay Netflix, và từ webcam, bạn sẽ có lượng truy cập chiếm tới 77% lưu lượng toàn cầu.
Những nơi nào còn offline?
Có sự phân biệt rõ ràng giữa nơi có và nơi chưa có; và nghèo đói là một nhân tố quan trọng. Tại trung tâm đô thị của các quốc gia châu Phi, truy cập Internet đã trở nên phổ biến. Hơn một nửa dân số Nam Phi và Ma rốc tiếp cận được dịch vụ mạng, còn các quốc gia khác như Botswana, Cameroon và Gabon đang phát triển nhanh chóng. Nhờ chi phí băng rộng di động giảm 50% trong vòng 3 năm vừa qua dẫn tới sự tăng trưởng của di động tại những nước này.
Tuy vậy, không phải kết quả này đạt được tại mọi nơi. Ở Tanzania, Uganda và Sudan, chỉ 30% đến 40% dân số online. Truy cập Internet giảm xuống còn 7% tới 11% ở Guinea, Liberia và Sierra Leone. Hai nước thấp nhất trong danh sách là Eritrea và Somalia, còn nhiều nhất 2% có sử dụng Internet. Các cộng đồng nông thôn thường không có nhu cầu Internet do họ không có nhận thức mạng web đem lại lợi ích gì cho họ.
Nhóm đối tượng chắc chắn offline?
Có sự phân biệt rõ ràng: rất ít người lớn tuổi dùng Internet nhiều như giới trẻ. Ở Anh, 99% những người thuộc độ tuổi từ 16 tới 34 online, trong khi số người không sử dụng Internet đạt mức 4,5 triệu, phân nửa đều qua ngưỡng 75 tuổi.
Khoảng cách giới tính cũng xuất hiện khi ở 2/3 số quốc gia trên thế giới, nam giới chiếm lĩnh mạng Internet. Tuy khoảng cách này đã giảm ở nhiều khu vực từ 2013, riêng châu Phi phải chứng kiến tỷ lệ nữ giới sử dụng Internet thấp hơn nam giới tới 25%. Ở Pakistan, nam giới sử dụng Internet nhiều gấp đôi nữ giới, còn ở Ấn Độ, 70% người dùng Internet là nam giới. Vài quốc gia lại có hiện tượng ngược lại, ví dụ như Jamaica, với tỷ lệ nữ giới vượt bậc trong nhiều lĩnh vực.
Làm thế nào để cả thế giới cùng online?
Thử thách lớn là đem Internet với mức chi phí hợp lý tới những khu vực nghèo đói và xa xôi. Các công ty công nghệ Mỹ đang mở đường vào các thị trường đang phát triển. Alphabet đã bỏ qua kế hoạch cho các thiết bị chạy bằng năng lượng mặt trời, và giờ chuyển hướng qua khinh khí cầu tầm cao cung cấp dịch vụ Internet. Dự án SpaceX của Elon Musk và OneWeb có chương trình riêng để đưa Internet tới tất cả cư dân toàn cầu bằng các vệ tinh siêu nhỏ.
Sau khi chương trình Free Basics bị cấm tại Ấn Độ, Facebook đã hủy bỏ kế hoạch cho thiết bị không người lái phát tín hiệu Internet và đang hợp tác với công ty địa phương để cung cấp dịch vụ di động giá rẻ.
Trong khi đó, Microsoft đang sử dụng dải tần số phát sóng không được sử dụng cho băng rộng không dây. Một cách tiếp cận khác, mạng lưới cộng đồng, cũng được nghiên cứu. Lợi thế của loại hình này là sử dụng năng lượng mặt trời, được xây dựng bởi và dành cho dân cư địa phương. Vận hành bởi các liên doanh, giải pháp này rẻ hơn và đảm bảo nguồn lực và lợi nhuận ở lại cộng đồng.
SpeedTest đã kiểm tra tốc độ internet di động tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018.