10 thương vụ triệu đô của làng công nghệ Việt nửa đầu năm COVID-19 thứ 2

Sự kiện: Công nghệ

Dù cho đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng tới nền kinh tế nhưng các thương vụ đầu tư, hợp tác trị giá triệu USD vẫn cứ diễn ra trong nửa đầu năm 2021.

Ít nhất 10 thương vụ đầu tư, hợp tác trị giá triệu USD đã được thực hiện trong nửa đầu năm 2021. (Ảnh minh họa)

Ít nhất 10 thương vụ đầu tư, hợp tác trị giá triệu USD đã được thực hiện trong nửa đầu năm 2021. (Ảnh minh họa)

1. Momo: 99 triệu USD

Đầu năm 2021, Momo đã hoàn thành vòng gọi vốn thứ tư từ quỹ đầu tư của Mỹ, Hàn Quốc và các cổ đông hiện hữu với giá trị 99 triệu USD. Nguồn vốn mới huy động được dùng xây dựng nền tảng siêu ứng dụng (super app) mới, nâng cấp hệ sinh thái và ra mắt quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo Momo nhằm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp tìm được thị trường.

Các nhà đầu tư nước ngoài tham gia với Momo là đầu tư tài chính, không tham gia vào hoạt động điều hành. Các đối tác cũng là các quỹ đầu tư lớn và xác định đồng hành với ví điện tử này trong dài hạn. Hiện, Momo có hơn 23 triệu khách hàng, tổng quy mô giao dịch đạt 14 tỉ USD.

2. ELSA: 15 triệu USD

Ngày 1/2, ứng dụng học tiếng Anh đã huy động thành công 15 triệu USD trong vòng gọi vốn series B, do Vietnam Investments Group và SIG đồng dẫn đầu. Các nhà đầu tư trước đó bao gồm Gradient Ventures (quỹ chuyên dành cho AI của Google), SOSV và Monk’s Hill Ventures cũng tham gia vào vòng này.

ELSA - English Language Speech Assistant ra mắt năm 2015 bởi cô gái Việt Văn Đinh Hồng Vũ (Văn Vũ) và tiến sĩ người Bồ Đào Nha Xavier Anguera, chuyên gia trí tuệ nhân tạo và nhận diện giọng nói. Cùng với với Anguera, Văn Vũ đã triển khai dịch vụ tại Việt Nam trước khi mở rộng sang Ấn Độ và Nhật Bản. Ứng dụng học tiếng Anh này đang có 13 triệu người dùng và doanh thu của công ty tăng gần 300% vào năm 2020.

3. Got It: 6 triệu USD

Hồi tháng 3/2021, Công ty Cổ phần VNG (VNG) đã chính thức công bố thương vụ đầu tư vào Got It - một startup công nghệ chuyên cung cấp quà tặng điện tử (voucher, mã giảm giá), với giá trị đầu tư chiến lược lên tới 6 triệu USD (tương đương 138 tỉ đồng).

Được thành lập từ năm 2015, tính đến thời điểm hiện tại, Got It đã phát hành hơn 20 triệu thẻ quà tặng, được sử dụng tại hơn 160 thương hiệu với 12.000 địa điểm trên khắp Việt Nam, trở thành thương hiệu quà tặng điện tử được tín nhiệm bởi gần 500 công ty.

Got It đã phát hành hơn 20 triệu thẻ quà tặng.

Got It đã phát hành hơn 20 triệu thẻ quà tặng.

4. Kim Tín & FPT: 5 triệu USD

Ngày 4/6, Kim Tín và FPT đã ký kết hợp tác và khởi động dự án chuyển đổi số toàn diện. Với tổng chi phí dự kiến lên đến 5 triệu USD, hợp tác này được xem là một trong những dự án chuyển đổi số có mức đầu tư lớn nhất và toàn diện nhất trong khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại Việt Nam hiện nay, khẳng định quyết tâm chuyển đổi số để vượt qua những khó khăn, thách thức khốc liệt.

Cụ thể, trong vòng 7 tháng, FPT sẽ đưa các giải pháp chuyển đổi số, giải pháp quản trị tổng thể doanh nghiệp SAP, SOP và giải pháp quản trị nhà máy thông minh FPT MES vào quá trình quản lý, vận hành tại 10 đơn vị thành viên thuộc nhóm Vật Liệu hàn; Ván gỗ công nghiệp và Sản phẩm sau gỗ của Kim Tín. Mục tiêu là bộ máy của Kim Tín vận hành đồng nhất và tối ưu quản trị chuỗi cung ứng toàn hệ thống, quản trị sản xuất thông minh, quản trị tài chính minh bạch và hiệu quả, số hóa quy trình làm việc.

5. Dat Bike: 2,6 triệu USD

Tháng 4/2021, Dat Bike - một startup công nghệ của Việt Nam công bố đã huy động thành công 2,6 triệu USD trong vòng gọi vốn pre-Series A. Khoản đầu tư này do quỹ đầu tư mạo hiểm Jungle Ventures dẫn đầu, với sự tham gia của Wavemaker Partners, Hustle Fund và iSeed Ventures.

Mẫu xe chủ đạo của Dat Bike, Weaver có giá 1.712 USD. Hướng tới phương tiện giao thông bền vững, các sản phẩm của Dat Bike góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, khói thải, và tiếng ồn hơn so với xe máy truyền thống. Người dùng cũng có thể mua thêm các phụ kiện như túi đựng đồ bằng da và mũ bảo hiểm trên trang web của Dat Bike.

6. Genetica: 2,5 triệu USD

Tháng 3/2021, công ty công nghệ về giải mã gen huy động 2,5 triệu USD trong vòng pre-series A từ các nhà đầu tư tại Silicon Valley. Vòng gọi vốn này được hoàn tất trong 30 ngày với những cái tên Dave Strohm, Craig Sherman, Guy Miasnik. Genetica cũng vừa cho ra mắt dịch vụ giải mã gen tìm hiểu nguy cơ di truyền nhiễm virus để tìm một hướng đi lâu dài hơn trong cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm.

Genetica là công ty công nghệ, chuyên về giải mã gen có trụ sở đặt tại San Francisco (Mỹ). Một trong những lý do chính giúp công ty thuyết phục được các nhà đầu tư là nắm trong tay công nghệ lõi chuyên biệt về giải mã gen dành riêng cho người châu Á. Phòng thí nghiệm của Genetica đang sở hữu chứng chỉ CLIA, CAP, với kết quả báo cáo được thẩm định bởi đội ngũ các nhà khoa học thuộc các trường đại học hàng đầu như Harvard, Stanford, California San Francisco, Cornell.

7. Go2Joy: 2,3 triệu USD

Cũng vào đầu tháng 2/2021, HB Investment cùng với Platform Partners Asset Management đã trở thành những nhà đầu tư mới ở Go2Joy. Trước đó, Go2Joy đã thuyết phục được STIC Ventures và nhiều nhà đầu tư khác, bao gồm KB Investment đầu tư 2,5 triệu USD tại vòng Series A. Sau khoảng 1 năm, Go2Joy đã nhận được vốn mới, từ những nhà đầu tư mới, nâng tổng số vốn huy động trong năm qua lên tới xấp xỉ 5 triệu USD.

Năm qua, dù đối mặt với dịch bệnh Covid-19 nhưng Go2Joy, dưới sự tư vấn giúp sức của các nhà đầu tư đã có nhiều sự thay đổi trong chiến lược, hoạch định lại các chỉ số kinh doanh nhằm đạt sự tồn tại và phát triển dài lâu. Ngoài ra, Go2Joy cũng tập trung nguồn lực vào việc tối ưu hiệu quả các kênh online.

8. GoStream: 1 triệu USD

VinaCapital Ventures đầu tư 1 triệu USD vào GoStream, quán quân Techfest 2020 với sản phẩm GoStudio, thông báo được đưa ra trong tháng 3/2021. Trước đó, vào năm 2019, startup này từng nhận 200.000 USD vốn đầu tư của VinaCapital Ventures và Zone Startups Việt Nam ở vòng hạt giống.

GoStream cung cấp công cụ livestream đa nền tảng dành cho người bán hàng, tiếp thị và sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Công ty khởi nghiệp này thành lập năm 2017, tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp và có khoảng 100.000 lượt phát livestream trực tiếp mỗi ngày.

9. Citics: 1 triệu USD

Tháng 3/2021, Citics huy động được 1 triệu USD từ một nhóm các nhà đầu tư trong nước, quốc tế, gồm Vulpes Investment Management (quỹ đã từng đầu tư vào startup kỳ lân Property Guru từ vòng hạt giống), Nextrans và TheVentures. Trước đó, Citics đã huy động 700.000 USD từ các nhà đầu tư thiên thần, nhiều người trong số họ cũng tiếp tục tham gia vòng gọi vốn này.

Ứng dụng định giá Citics Valuations dành cho các ngân hàng nhằm xác thực giá trị của một bất động sản làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Theo doanh nghiệp này, chỉ bằng vài cú nhấp chuột, nhân viên ngân hàng có thể kiểm tra được thông tin chi tiết, giá trị bộ hồ sơ của một bất động sản. Báo cáo định giá chính thức được hoàn thành trong 3 giờ, bằng một phần tư thời gian thực hiện các định giá khác.

10. Base.vn: "Khủng" nhưng không công bố cụ thể

Hồi tháng 5/2021, ông lớn công nghệ FPT đã công bố việc đầu tư chiến lược vào Base.vn - nền tảng quản trị doanh nghiệp phổ biến nhất Việt Nam hiện nay. Giá trị cụ thể của thương vụ này không được tiết lộ nhưng theo FPT, đó là "bom tấn của ngành công nghệ" và họ "sở hữu cổ phần đa số" nên có thể dự đoán con số cũng phải tính bằng triệu USD.

Được xây dựng trên nền tảng đám mây và cung cấp phần mềm dịch vụ SaaS (Software as a Service), các tính năng của sản phẩm Base.vn được cập nhật miễn phí. Được xây dựng với tính mở, Base.vn có thể tích hợp các giải pháp của FPT và ngay lập tức sẽ mang lại hơn 100 giải pháp chuyển đổi số trên nền tảng Base.vn. Các sản phẩm của Base.vn cũng thừa hưởng những công nghệ lõi mới nhất từ FPT như FPT.AI, Blockchain, Cloud, chữ ký số điện tử,...

Shark Bình chốt deal siêu ”thần tốc” và màn trả giá cực gắt tại Shark Tank

Mặc dù shark Bình tuyên bố "tôi chốt deal luôn" nhưng để chốt deal này không hề đơn giản.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN