"Thị trường BĐS tăng trưởng nhưng chưa vững chắc"

Đó là nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (Horea) khi nhìn nhận về thị trường bất động sản giai đoạn hiện nay.

Theo ông Châu, hiện nay, nhìn vào toàn cục thị trường bất động sản (BĐS) thì hầu như vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng nhưng chưa vững chắc.

“Sự phát triển bền vững của thị trường BĐS chỉ có thể đạt được khi giải quyết được cơ bản nhu cầu về nhà ở của phần đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư” – ông Châu nói.

"Thị trường BĐS tăng trưởng nhưng chưa vững chắc" - 1

Bất động sản năm 2016 có dấu hiệu tăng.

Theo số liệu thống kê, TP.HCM hiện đang có trên 10 triệu dân và dự kiến đến năm 2020 sẽ có dân số lên đến 12 triệu người. Trong số trên 10 triệu dân đó, có đến 1,8 triệu hộ gia đình với gần 3 triệu người nhập cư, có một bộ phận trong số 200.000 cán bộ công chức, viên chức, nhất là ngành giáo dục, y tế và khoảng 50.000 cặp kết hôn mới mỗi năm có nhu cầu thuê nhà, tạo lập nhà ở. Ngoài ra, còn có hơn 20.000 hộ dân sống trong các khu nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch hoặc trong các chung cư hư hỏng nặng có nhu cầu lớn về cải thiện nhà ở đi đôi với chỉnh trang đô thị.

Vấn đề đặt ra, để đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại nhất là loại căn hộ 1-2 phòng ngủ để cho thuê hoặc bán với giá trên dưới 1 tỷ đồng/căn thì thách thức lớn nhất là nhu cầu người dân quá lớn trong khi nguồn cung có hạn, đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách phù hợp và sự nỗ lực phối hợp hiệu quả của chính quyền thành phố, cộng đồng doanh nghiệp BĐS và hệ thống tín dụng.

Bên cạnh đó, một số vấn đề mới phát sinh cũng đã tác động trực tiếp đến thị trường BĐS như: Cơ quan công chứng từ chối công chứng các hợp đồng giao dịch thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai với lý do chưa có hướng dẫn của Bộ chủ quản; dự thảo sửa đổi Thông tư 36 theo hướng hạn chế tín dụng vào thị trường BĐS và nâng hệ số rủi ro trong kinh doanh bất động sản đã phát đi thông điệp mạnh mẽ đến các chủ thể tham gia thị trường này.

Thêm vào đó, việc nhiều ngân hàng thương mại nâng lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng lên đến hơn 8%/năm đã dẫn đến lãi suất cho vay có thể tăng thêm khoảng 1-2% trong năm 2016.

Giai đoạn từ giữa tháng 3/2016 còn xuất hiện dấu hiệu đầu cơ tăng giá sắt thép cũng phần nào tác động trực tiếp đến thị trường BĐS, tạo thêm áp lực và gánh nặng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả người tiêu dùng. Tính riêng trong quý I/2016, tăng trưởng kinh tế (GDP) chỉ đạt 5,46% thấp hơn so với mức 6,03% của qúy I/2015; lạm phát (CPI) tăng 1,25% cao hơn so với mức 0,74% của qúy I/2015.

Theo số liệu thống kê của Horea thì trong cả nước hiện đã có đến 2.919 doanh nghiệp giải thể, tăng 13,8% và 20.044 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 23,9%; "sức khỏe" của các doanh nghiệp BĐS vẫn còn rất yếu, vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng. Tuy nhiên, có thể dự báo thị trường bất động sản năm 2016 sẽ tiếp tục tăng trưởng không thấp hơn năm 2015 và sẽ có sự chuyển hướng tích cực, đầu tư nhiều hơn vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, có giá bán vừa túi tiền, cũng như sự gia tăng đầu tư vào BĐD công nghiệp, văn phòng cho thuê, căn hộ dịch vụ trong giai đoạn đất nước hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nhất là đón đầu Hiệp định TPP. Đồng thời, do nguồn cung tăng và áp lực đảm bảo tính thanh khoản, áp lực cạnh tranh dẫn đến giá cả sẽ hợp lý hơn, có lợi cho người tiêu dùng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Diễm (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN