Ứng xử đúng mực trong buổi phỏng vấn
Cách ứng xử của bạn khi phỏng vấn là một nhân tố quan trọng giúp nhà tuyển dụng đưa ra quyết định cuối cùng.
Đến với buổi phỏng vấn, điều quan trọng giúp nhà tuyển dụng nhận diện rõ đâu là ứng viên sáng giá mà họ đang tìm kiếm, chính là thông qua cách ứng xử của ứng viên. Nếu bạn đang gặp rắc rối về cách ứng xử trong buổi phỏng vấn, thì những thông tin dưới đây là cực kỳ quan trọng. Vì vậy hãy cố gắng dành một ít thời gian để lưu tâm những vấn đề quan trọng này.
Ấn tượng đầu tiên
Bạn biết đấy, buổi phỏng vấn chính là ngày” ra mắt” đầu tiên giữa bạn và nhà tuyển dụng. Đây có thể sẽ là khởi đầu cho một bước tiến dài trong công việc của bạn, nhưng ngược lại cũng là mũi tên trái chiều, có thể đặt nút dừng chân cho vị trí mà bạn đang ứng tuyển.
Cách ứng xử “ngầm” mà chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ luôn lưu tâm đó là phần phục trang. Trang phục có thể được ví như ấn tượng không lời đầu tiên khi bạn chạm mặt với nhà tuyển dụng. Hãy chắc chắn sự chỉn chu, nghiêm túc và chuyên nghiệp hiện diện trên phục trang của bạn.
Nói đúng và nói đủ
Buổi phỏng vấn nghiêm túc không dành cho bạn kể lể hay bắt đầu câu chuyện dông dài. Đừng làm nhà tuyển dụng cảm thấy có lỗi khi bạn chia sẻ cho họ nghe về những khó khăn trong cuộc sống của bạn. Những điều này không nằm trong phạm vi câu hỏi phỏng vấn, đừng quấy rầy và làm mất thời gian của nhà tuyển dụng về điều này.
Khi nhận được một câu hỏi từ nhà tuyển dụng, bạn nên giữ thái độ thật điềm tĩnh. Không nhà tuyển dụng nào muốn thấy ứng cử viên vồ vập trả lời ngay, nếu điều này xảy ra, bạn đã thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong tác phong của chính mình. Cách khôn ngoan để ứng xử trong tình huống trên, đó là bạn mỉm cười, giữ một khuôn trang bình thản. Khi bạn mỉm cười, ít nhất cả bạn và nhà tuyển dụng đều cảm thấy thoải mái hơn, không khí căng thẳng nhờ vậy mà được giãn nở. Điều này thật sự rất cần thiết, quan trọng hơn hết một nụ cười còn giúp bạn kéo dài thời gian để suy nghĩ và trả lời câu hỏi, vậy vì sao bạn không nở một nụ cười trước một câu hỏi có phần hóc búa từ nhà tuyển dụng?
Thông tin mà bạn hồi đáp lại nhà tuyển dụng phải là những thông tin chính xác và đầy đủ. Chính vì vậy, đừng cố gắng phóng đại bản thân, hãy nói những gì bên trong bạn nghĩ. Hãy chia sẻ với nhà tuyển dụng những kinh nghiệm cũng như kỹ năng bạn học hỏi được một cách chân thành và đầy đủ nhất.
Học cách lắng nghe
Lắng nghe là một nghệ thuật cao nhất trong giao tiếp. Bạn biết cách lắng nghe, tiếp nhận thông tin, chắc chắc bạn sẽ đạt được nhiều thành công trong tương lai. Tuy nhiên, trong mỗi con người chúng ta không phải ai cũng biết cách lắng nghe, đa phần mọi người thích thể hiện bản thân bằng cách đưa nhiều thông tin. Như vậy, cách lắng nghe bị lãng quên, nếu tệ hơn nó còn gắn bạn với khái niệm” thụ động”.
Ngay trong buổi phỏng vấn đầu tiên, rõ ràng rằng bạn và nhà tuyển dụng là hai người hoàn toàn xa lạ. Vậy thì để giúp bạn hiểu hơn về văn hóa công ty, nhà tuyển dụng sẽ cung cấp cái nhìn bao quát về doanh nghiệp tuyển dụng. Cách khôn ngoan nhất đó là bạn phải lắng nghe, hãy lắng nghe như thực tâm bạn muốn biết thông tin này, vì nếu không chăm chú lắng nghe thông tin, bạn sẽ không thể bổ sung thêm kiến thức chung về công ty tuyển dụng. Lắng nghe và lặp lại những từ khóa quan trọng, như vậy bạn sẽ được đánh giá cao vì nhà tuyển dụng nhìn thấy được mức độ quan tâm, mức độ cầu tiến công việc trong tầm nhìn xa hơn của bạn.
Kỹ năng giao tiếp tốt bao gồm cả khả năng lắng nghe và cho nhà tuyển dụng biết bạn đang lắng nghe, bằng cách đặt những câu hỏi khai thác sâu về đề tài đang nói. Chính nhờ những câu hỏi sẽ giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ bạn hơn.
Hãy biết truyền năng lượng và sự nhiệt huyết cho từng câu trả lời và câu hỏi của bạn. Cách ứng xử thông minh đó là bạn phải luôn biết giữ một khoảng cách phù hợp và tự đặt ra giới hạn cho bản thân để tránh sai sót trong buổi phỏng vấn. Sự chuẩn bị chu đáo và nhanh nhạy trong ứng xử sẽ là chìa khóa giúp bạn mở ra nhiều cơ hội cho bản thân.