Quy trình phỏng vấn ở công ty quốc tế
Là ứng viên đi tìm việc, hẳn bạn rất quan tâm đến quy trình phỏng vấn ở một công ty quốc tế? Bạn muốn biết nhà tuyển dụng (NTD) thường mong đợi điều gì ở ứng viên, những lỗi của ứng viên bị NTD liệt vào hàng “nghiêm trọng” khiến họ mất cơ hội.
Mời bạn tham khảo bài viết dưới đây trích đăng từ cuộc phỏng vấn với chị Võ Minh Trang – Quản Lý Nhân Sự, Phụ trách Nguồn Nhân Lực công ty British American Tobacco Vietnam.
Quy trình phỏng vấn gồm các bước chính nào?
Nếu bạn biết rõ quy trình phỏng vấn ở một công ty, bạn đã đi trước một bước trong khâu chuẩn bị để cuộc phỏng vấn với NTD diễn ra thành công. Nếu bạn bị mơ hồ về mục tiêu của các vòng phỏng vấn, bạn sẽ bị động trong việc chuẩn bị những kiến thức và chiến thuật cần thiết để chứng minh với NTD mình là ứng viên phù hợp nhất.
Riêng công ty BAT có 2 quy trình phỏng vấn dành cho 2 nhóm ứng viên: ứng viên ở cấp nhân viên (junior) và ứng viên cấp quản lý (senior).
Ứng viên cấp nhân viên sẽ trải qua 2 vòng tuyển dụng: kiểm tra trắc nghiệm khả năng (Ability test) và phỏng vấn với đại diện phòng Nhân sự và người quản lý trực tiếp (line manager). Ứng viên sẽ làm bài trắc nghiệm khả năng trong khoảng một tiếng rưỡi, bằng các bài trắc nghiệm kỹ năng lập luận lô gic (numerical reasoning and verbal reasoning skills).
Quy trình tuyển dụng dành cho ứng viên cấp quản lý – manager sẽ gồm nhiều bước hơn: phỏng vấn với phòng HR, phỏng vấn với quản lý trực tiếp (line manager), đánh giá năng lực của ứng viên (Accessment Center, thường kéo dài khoảng nửa ngày), và kiểm tra trắc nghiệm khả năng của ứng viên (Ability test).
Dĩ nhiên, trong cả 2 quy trình phỏng vấn trên, các bước chính có thể linh động thay đổi cho nhau, không nhất thiết bước này có trước bước kia, nghĩa là bạn có thể làm trắc nghiệm khả năng trước khi dự phỏng vấn với phòng HR.
Tiêu chí nào để NTD quyết định tuyển chọn ứng viên?
Bạn có đoán được NTD dựa vào tiêu chí nào để quyết định tuyển hay không tuyển một ứng viên? Kinh nghiệm làm việc của anh ta? Dĩ nhiên kinh nghiệm đóng vai trò rất quan trọng, nhưng… không phải là câu trả lời chính xác. Trình độ học vấn, kỹ năng của ứng viên? Cả hai đều rất quan trọng, nhưng… cũng không phải. Yếu tố quyết định chính là khả năng thực sự của ứng viên và khả năng này phải phù hợp với nhu cầu tuyển dụng.
Chị Trang cho biết “Nhiều ứng viên có hồ sơ trông rất phù hợp với vị trí tuyển dụng. Thế nhưng khi chúng tôi bắt đầu phỏng vấn, một số ứng viên đã để lộ khả năng thực sự của họ không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng. Nếu ứng viên không chứng minh được khả năng của họ phù hợp với vị trí ứng tuyển thì tôi sẽ kết thúc cuộc phỏng vấn sớm hơn.”
Lời khuyên dành cho bạn: Để “trăm trận trăm thắng”, bạn cần nhớ: tất cả thông tin về kinh nghiệm làm việc, học vấn, kỹ năng và thành tích trình bày trong hồ sơ của bạn dĩ nhiên đóng vai trò rất quan trọng. Nhưng nếu bạn không chứng minh được những kinh nghiệm, kỹ năng và học vấn đó phù hợp với vị trí tuyển dụng thì bạn sẽ không đạt được công việc mình hằng mơ ước.
Bạn đã thực sự hiểu rõ yêu cầu công việc và chính mình?
Khó khăn lớn nhất mà NTD gặp phải là nhiều ứng viên đi phỏng vấn nhưng không hề hiểu rõ các yêu cầu công việc, và họ cứ “vô tư” nộp đơn ứng tuyển. Chỉ đến khi bước vào phòng phỏng vấn, NTD mới phát hiện ứng viên đã không đọc kỹ bảng mô tả công việc (Job description) và khả năng thực sự của ứng viên còn cách xa rất nhiều so với yêu cầu tuyển dụng.
Điều đó làm NTD mất rất nhiều thời gian để lọc ra ứng viên thực sự phù hợp với vị trí tuyển dụng. Vì vậy để tiết kiệm thời gian cho cả ứng viên và NTD, bạn nên đọc thật kỹ bảng mô tả công việc để hiểu rõ yêu cầu của công việc.
Lời khuyên dành cho bạn: Một mình chức danh (job title) không thể diễn đạt đầy đủ bản chất của công việc, và với một vị trí tuyển dụng có chức danh giống nhau, các công ty sẽ có những yêu cầu công việc hoàn toàn khác nhau. Ví dụ vị trí Trade Marketing Executive (Nhân viên tiếp thị thương mại) ở BAT có những yêu cầu rất khác biệt so với vị trí này ở các công ty khác do đặc thù về lĩnh vực hoạt động của công ty.
Ngoài ra, một số ứng viên cho biết họ nộp đơn dự tuyển vào một vị trí vì “Tôi rất thích công việc này”. Dĩ nhiên bạn ứng tuyển vào một vị trí nào đó là vì bạn yêu thích công việc ấy. Nhưng bạn cần phân biệt rạch ròi điều này: điều bạn thích sẽ chỉ thực hiện được khi bạn thực sự có khả năng làm công việc ấy. Ví dụ, bạn rất thích làm nhân viên PR (Public Relations hay Giao tế cộng đồng). Thế nhưng bạn thậm chí không có khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của mình, hoặc bạn là người có tính hướng nội và không tự tin trong việc xây dựng mối quan hệ với những người xung quanh. Trong trường hợp đó, bạn hãy khoan nộp đơn ứng tuyển vào vị trí này.
Lời khuyên dành cho bạn: Đọc thật kỹ bảng mô tả công việc thay vì chỉ đọc qua loa chức danh (Job title) của công việc đó. Nếu bạn không hiểu rõ yêu cầu công việc, hãy chủ động gọi điện cho NTD để biết chắc mình không nộp đơn ứng tuyển “nhầm”, điều làm cho cả bạn và NTD mất thời gian.