Những yếu tố khiến CV kém chuyên nghiệp và ấn tượng
CV chính là bộ mặt của bạn, là lần gặp gỡ gián tiếp đầu tiên của bạn với nhà tuyển dụng. Vì vậy hãy đảm bảo rằng bạn đã loại bỏ hết các yếu tố khiến CV kém chuyên nghiệp và không gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng nhé!
Một danh sách dài các công việc ngắn hạn
Số lượng không bao giờ vượt qua chất lượng. Thay vì liệt kê tất tần tật những công việc part time vào CV thì bạn hãy tập trung vào những công việc có nhiệm vụ, kỹ năng liên quan đến vị trí bạn ứng tuyển hiện tại. Tốt nhất nên tránh đưa các công việc mà bạn chỉ làm vài ngày, vài tuần vì nhà tuyển dụng sẽ dựa vào đó mà đánh giá bạn là người hay thay đổi hoặc khó thích nghi với môi trường mới nên bị đào thải. Và điều này thì không có lợi cho bạn chút nào.
Đúc kết được nhiều kinh nghiệm nhưng không liên quan
Bạn không thể liệt kê kinh nghiệm phục vụ trong một quán ăn khi ứng tuyển vào vị trí kế toán của một công ty lớn. Nếu bạn chỉ toàn tiếp xúc với khách hàng, với việc bưng bê và các món ăn, nhà tuyển dụng sẽ không xem kinh nghiệm phục vụ của bạn là yếu tố nổi bật của bạn so với các ứng viên khác cho vị trí này. Hãy cố gắng kết nối các kinh nghiệm có được của bạn với yếu tố cần thiết cho vị trí ứng tuyển và chứng tỏ bản thân bạn có thể đảm nhận được công việc này.
Quá tập trung vào những chi tiết thừa
Với mỗi công việc bạn đã từng làm, chỉ nên nêu lên nhiệm vụ quan trọng nhất và kinh nghiệm bạn có được liên quan đến vị trí ứng tuyển hiện tại thay vì kể tuốt tuột những việc bạn phải làm.
Nên tên người tham khảo
Để tăng độ tin tưởng với nhà tuyển dụng, bạn thường thêm vào người tham khảo vào cuối CV của bạn. Nhưng tin tôi đi, sẽ rất ít nhà tuyển dụng rỗi rãi liên lạc với người tham khảo này để tìm hiểu về bạn. Do đó bạn không cần thiết phải đưa chi tiết này vào CV, nếu nhà tuyển dụng hỏi, bạn có thể cung cấp sau.
Liệt kê sở thích cá nhân đơn thuần
Hãy đảm bảo rằng CV sẽ thể hiện được mong muốn mãnh liệt được đảm nhận vị trí công việc mà bạn ứng tuyển. Vì thế mỗi chi tiết bạn nêu ra phải liên kết chặt chẽ tới công việc bạn đang ứng tuyển bao gồm cả phần sở thích cá nhân. Ví dụ bạn ứng tuyển vị trí biên tập viên của một trang báo mạng, sở thích “lướt web” của bạn cũng cần được cụ thể hóa hơn thành “lướt web đọc tin tức” . Hoặc “đọc sách” nên thêm vào “đọc sách về marketing, PR, quảng cáo” nếu bạn ứng tuyển vị trí nhân viên marketing.
Lý do nghỉ việc cũ
Đây là vấn đề mà hầu như nhà tuyển dụng nào cũng quan tâm và chắc chắn sẽ hỏi bạn trong buổi phỏng vấn. Nhưng một số nhà tuyển dụng sẽ đưa luôn vấn đề này vào form ứng tuyển chung, yêu cầu bạn liệt kê công việc và lý do nghỉ việc trước đây. Hãy dành phần trả lời này cho lần gặp trực tiếp thay vì điền vào nhé!