"Nghệ nhân" nông dân “biến” bê tông thành... gỗ
Dưới tay những "nghệ nhân nông dân", những cột đình, chùa, nhà thờ được đúc bằng bê tông phút chốc trở nên như thật khiến mọi người phải trầm trồ.
Anh Nguyễn Văn Tiến (SN 1984, ở thôn Đô Hai, xã An Lão, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) đã có hơn chục năm làm nghề thợ sơn. Sau nhiều năm "kiếm cơm thiên hạ" khắp nơi, khi làm công trình lớn, khi xây nhà tư nhân, khi sửa chữa, phục dựng đình chùa... dù học vấn không cao nhưng bằng tính kiên trì học hỏi, tự rút kinh nghiệm, anh Tiến đã là một thợ sơn có tiếng của tốp thợ Bình Lục.
Bước ngoặt để anh được các chủ thầu xây dựng khắp nơi cũng như anh em trong nghề xưng tụng là "nghệ nhân trẻ" như hiện nay là khi anh cùng tốp thợ xây cùng quê tham gia phục dựng một ngôi chùa tại huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) chục năm về trước.
Với kinh nghiệm nhiều năm sơn bả tường, nắm bắt nhiều bí quyết pha trộn, tạo màu, anh bắt đầu nghiền ngẫm những mẫu vân các loại gỗ mỗi khi có dịp tham gia phục dựng đình, chùa, từ đường, miếu mạo. Sau đó, anh tự mày mò pha chế các màu sơn, cách phủ lớp tạo màu, phun bóng bề mặt, vẽ thử từng lớp vân gỗ, vân đá để đánh giá chất lượng cũng như màu sắc sao cho giống hệt những vật liệu thật.
Anh Nguyễn Văn Tiến cho biết thêm: "Muốn có được một công trình hoàn chỉnh giống y như thiết kế ban đầu, cánh thợ sơn vẽ chúng tôi cũng phụ thuộc rất nhiều vào nhóm thợ làm khâu trước đó. Để tạo nên một quần thể đế, cột, cửa, vì kèo, hoa văn... nguyên trạng của công trình, không thể không nói đến bàn tay tài hoa không kém của thợ đắp hoa văn".
Anh Nguyễn Văn Tiến đang vẽ vân gỗ cho các chi tiết kèo, cột.
Theo đó, sau khi các phần kèo, cột, đế bằng bê tông được hoàn thiện phần thô, nhóm thợ đắp hoa văn vào cuộc. Từ những chi tiết rất nhỏ, những hoa văn hoa lá, rồng phượng, hoành phi, câu đối... được đắp nổi bằng hỗn hợp xi măng- cát tại các đầu cột, kèo... sao cho giống hệt với bản gốc bằng gỗ.
Để tạo dựng những chi tiết nổi cực kỳ phức tạp này, các thợ đắp hoa văn phải có năng khiếu hình họa thật sự. Anh Đặng Văn Liệu (SN 1977, ở Hồng An, Nam Trực, tỉnh Nam Định) - cũng là một “cao thủ” có thâm niên hơn 15 năm trong nghề đắp hoa văn, bạn nghề của anh Tiến) kể:
Trong một lần thi công một ngôi chùa tại TP.Móng Cái (Quảng Ninh), anh được một đối tác bên Trung Quốc mời sang làm việc. Khi sang tới nơi, anh Liệu mới được biết mình sắp xây nhà cho vị Trưởng Công an thị trấn Long Châu. Là một người ưa nét cổ xưa, vị này đưa bản vẽ và hỏi anh có thể thực hiện hết được những đường nét tinh túy của ngôi nhà với chi tiết đều bằng bê-tông, xi măng-cát...
Tự tin tay nghề, anh gật đầu đồng ý và nêu vấn đề về đảm bảo thủ tục xuất nhập cảnh, an ninh cho anh và tốp thợ trong thời gian cho phép lưu trú, gia chủ đã chấp thuận.
Anh Liệu cũng không ngờ rằng, sau khi hợp đồng được ký kết, anh và tốp thợ phải thường xuyên "xuất ngoại" trong 3 năm nữa để tiếp tục làm vài công trình ở TP.Phòng Thành, TP.Đông Hưng, thậm chí vào sâu tới TP.Nam Ninh qua sự giới thiệu của ông Trưởng Công an thị trấn Long Châu.
Theo anh Nguyễn Văn Tiến, phong trào phục dựng lại những ngôi chùa cổ, nhà cổ, từ đường... theo nguyên mẫu chỉ mới xuất hiện vài năm gần đây nhưng đã tiết kiệm được rất nhiều, bởi giá công trình kết cấu bê tông giả gỗ chỉ bằng 1/4 công trình làm bằng gỗ thật, lại hạn chế được lượng gỗ sử dụng.
Tốp thợ của anh Tiến đã đi phục dựng, tôn tạo các kiến trúc cổ tại hầu hết các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Gần đây nhất, anh Tiến đã tham gia hoàn thiện công trình chùa Vân Tảo (huyện Thường Tín, Hà Nội) là ngôi chùa lớn có diện tích phần đắp hoa văn, sơn giả gỗ khoảng 1.800m2. Hiện nhóm thợ các anh đang gấp rút hoàn thiện công trình chùa Phú Đa, tại huyện Mỹ Lộc (Nam Định).