Ngành du lịch và triển vọng nghề nghiệp hấp dẫn cho bạn trẻ
Với đặc trưng là một đất nước rất giàu tài nguyên du lịch, thị trường lao động của ngành "Công nghiệp không khói" ở Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh trong những năm qua.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, những năm qua ngành Du lịch vẫn đang giữ tốc độ tăn trường nóng: tổng thu từ khách du lịch năm 2013 đạt con số 200 nghìn tỷ đồng - tăng 25% so với năm 2012. Số lượng doanh nghiệp lữ hành cũng tăn đều đặn qua từng năm, tính tới tháng 6 năm 2014 đã đạt 1.383 đơn vị; bên cạnh đó là 15.998 cơ sở lưu trú du lịch đi vào hoạt động, phục vụ lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Dự kiến năm 2020, Việt Nam sẽ đón 10 – 10.5 triệu lượt khách quốc tế và 47- 48 triệu lượt khách du lịch nội địa với tổng số 580.000 buồng lưu trú, tạo ra 3.000.000 việc làm.
Những con số nói trên cho thấy thực lực và tiềm năng của ngành Du lịch/Nhà hàng/Khách sạn ở Việt Nam hiện nay là cực kỳ to lớn, kéo theo một thị trường lao động khổng lồ với thu nhập trung bình hấp dẫn, đặc biệt là cho các bạn trẻ năng động.
Trong nhóm ngành Du lịch/Nhà hàng/Khách sạn, có rất nhiều nghề nghiệp hấp dẫn như Hướng dẫn viên, Quản lý Nhà hàng, Quản lý Khách sạn... với mức thu nhập bình quân từ 10-12 triệu đồng/tháng, thậm chí có thể cao hơn nữa với những ứng viên có kinh nghiệm và năng lực vượt trội.
Các số liệu thống kê từ TimViecNhanh.com - Website việc làm/tuyển dụng có quy mô lớn nhất Việt Nam - cho thấy: hiện nay có 21.399 tin tuyển dụng và 42.777 người tìm việc thuộc ngành Du lịch/Nhà hàng/Khách sạn; riêng trong tháng 10/2014, đã có đến 1.451 tin tuyển dụng mới.
Sức hút đến từ ngành công nghiệp không khói là không phải bàn cãi. Câu hỏi đặt ra là, để thành công ở lĩnh vực này, cần có những yếu tố gì bên cạnh đào tạo chuyên môn?
Có duyên với nghề
Quan niệm rằng du lịch chỉ dành cho những người xinh đẹp là cực kỳ sai lầm.Trong du lịch, người ta cần người có “duyên nghề” nhiều hơn là người đẹp. Tác phong linh hoạt, sống động, vẻ mặt tươi tắn, thân thiện, ánh mắt biểu cảm, thái độ giúp đỡ, quan tâm, kiến thức vững vàng, ứng xử thông minh, khéo léo... sẽ đập tan mọi áp lực về một vẻ ngoài không thực sự như ý.
Tính cách nhạy cảm
Một người làm trong ngành du lịch, thường xuyên phải tiếp xúc với khách mà thiếu nhạy cảm sẽ rất dễ “vô duyên” trong giao tiếp, ứng xử, thiếu linh hoạt trong công việc nên kém hiệu quả, không “lấy” được tình cảm của khách, càng không thể hướng họ đến với sự hài lòng một cách tự nhiên.
Khả năng giao tiếp - thuyết phục hoàn hảo
Có nhiều trường hợp khi tiếp xúc với khác du lịch, 30 khách thì đến 29 ý kiến khác nhau. Bạn phải học cách nói sao cho hấp dẫn, lôi cuốn người nghe một cách tự nhiên, truyền cảm dù là sử dụng ngôn ngữ nào. Hãy học cách phân tích được rõ ràng vấn đề tìm được nguyên nhân hay nhân tố cơ bản của vấn đề, thuyết minh được phương án giải quyết vấn đề một cách phù hợp nhất.
Óc hài hước
Hài hước giúp bạn rút ngắn khoảng cách xa lạ giữa bạn và khách, giúp bạn có một hình ảnh dễ mến và thân thiện trong con mắt của mọi người, giúp chính bạn tự tin hơn khi tác nghiệp và phủ lấp cả những khiếm khuyết về ứng xử, giao tiếp hay lỗi kiến thức...
Tất nhiên, lạm dụng sự “hài hước” trong công việc và ứng xử xã giao có thể dẫn đến sự thiếu tôn trọng khách, vô tình xúc phạm khách hay biểu hiện quá trớn.
Khoẻ mạnh và không say tàu xe
Những người làm trong ngành du lịch thường cố gắng rèn luyện và giữ điều độ để cơ thể luôn ở trạng thái khoẻ mạnh nhất có thể. Và hơn ai hết, họ hiểu mình sẽ mệt mỏi như thế nào nếu thiếu sức bền khi tác nghiệp dài ngày. Đây có thể coi là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với một người muốn dấn thân vào nghề du lịch.
Lời kết
Ngành Du lịch/Nhà hàng/Khách sạn ở Việt Nam vẫn đang và sẽ là một mảnh đất cực kỳ màu mỡ cho các bạn trẻ năng động, giàu nhiệt huyết. Tham gia vào ngành công nghiệp không khói cần rất nhiều tố chất khác nhau để đảm bảo thành công lâu dài về sự nghiệp. Nếu bạn thực sự tự tin, hãy thử sức mình với một lĩnh vực mà cuộc sống của bạn hoàn toàn đúng với câu nói: "Vì cuộc đời là những chuyến đi."