Đau đầu với chất lượng nhân lực
Coi trọng đầu vào, nâng cao trình độ quản lý và công nghệ thì doanh nghiệp mới mong có nguồn nhân lực chất lượng cao
“Chỉ một việc là đi làm đúng giờ, chúng tôi đã mất 6 tháng để đưa công nhân (CN) vào nề nếp. Tôi thường nói với CN nếu họ không hoàn thiện bản thân thì mai mốt khi hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế, lao động các nước tràn vào Việt Nam, họ sẽ không cạnh tranh nổi. Tuy anh em nghĩ tôi nói đùa nhưng thấy công ty liên tục triển khai các khóa huấn luyện nên mọi người cũng tích cực tham gia”. Ông Nguyễn Việt Hùng - giám đốc điều hành một doanh nghiệp đóng tại KCN Sóng Thần, tỉnh Bình Dương - chia sẻ như vậy tại hội nghị về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tổ chức mới đây ở TP HCM.
Chú trọng đầu vào
Công ty của ông Hùng chuyên về cơ khí, có gần 500 CN. Trước đây công tytuyển lao động từ các trung tâm dịch vụ việc làm của Bình Dương và TP HCM nhưng thời gian gần đây chỉ tuyển từ các trường dạy nghề uy tín. Ông Hùng cho biết: “Khi cần nhân sự ở khâu nào, tôi sẽ xem xét các trường có đào tạo ngành nghề đó và gửi nhu cầu để trường chọn giúp ứng viên. Thông thường các học viên tốt nghiệp có tay nghề bậc 3/7 nhưng cũng phải mất chừng 3 tháng mới làm quen với máy móc, thiết bị”.
Cái lợi của việc tuyển dụng lao động được đào tạo bài bản theo ông Hùng làngười lao động đã có nề nếp. Nhà trường không chỉ đào tạo kiến thức mà còn chú ý kỹ năng và tác phong công nghiệp. Ông Hùng kể: “Khi cung cấp ứng viên cho mình, nhà trường chịu trách nhiệm về kết quả làm việc của người lao động chứ không phải bàn giao xong là hết trách nhiệm. Chưa hết, sau một thời gian làm việc, khi cần mình lại gửi CN về trường để đào tạo nâng cao. Hai năm trước khi chưa liên kết tuyển dụng với các cơ sở đào tạo, công ty phải tuyển dụng lao động “trôi nổi” nên mất rất nhiều công sức để đào tạo lại. Đơn giản như việc rèn luyện cho CN vào nề nếp, đi làm đúng giờ cũng rơi vào số lao động không phải từ các trường nghề cung cấp”.
Siết chặt kỷ luật
Có ý kiến cho rằng cũng công việc đó nhưng lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc thì năng suất cao hơn. Điều này, theo ông Lê Ngọc Thành,Giám đốc sản xuất Công ty Dong Kwang Vina, là có thật. “Nhiều người hay thắc mắc tại sao lao động Việt Nam ra nước ngoài thì chấp hành nội quy kỷ luật, làm việc nghiêm túc, tập trung, năng suất cao; còn ở trong nước thì làm lề mề, ý thức kém, năng suất thấp? Theo tôi, việc này có lý do quan trọng từ quản lý sản xuất và trình độ công nghệ. Ở công ty của tôi, cũng CN đó khi làm tại Việt Nam thì năng suất thấp hơn khi đưa sang công ty mẹ ở nước ngoài tập huấn” - ông Thành thừa nhận.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm tại doanh nghiệp mình, ông Thành nêu: “Chưa nói đến công nghệ mà chỉ nói đến tác phong làm việc. Thông thường CN hay có tư tưởng ai cũng vậy, mình không thể làm khác. “Tám” trong giờ làm việc,đi ăn trưa hoặc nghỉ giải lao thì rề rà... là chuyện bình thường. Còn ở công ty mẹ bên nước ngoài thì khi đã vào guồng máy thì “làm ra làm, chơi ra chơi”, không có chuyện đang làm mà đi uống nước rồi tán gẫu 5-10 phút hoặc lén vào hút thuốc trong nhà vệ sinh... Khi người lao động vi phạm kỷ luật thì lập tức sa thải chứ không có chuyện du di cân nhắc cha già, mẹ yếu, con thơ... Xử nghiêm như vậy thì ai cũng sợ, còn ở trong nước, xử nghiêm có khi lại bị oán giận, bị đón đường đánh... Đây là lý do chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ của mình thua xa các nước”.
Đưa vào khuôn phép
Bà Nguyễn Nam Khánh, Giám đốc nhân sự Công ty Cát Tường (quận Bình Tân, TP HCM), cho rằng muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ cho các doanh nghiệp Việt Nam, ngoài việc chú trọng đầu vào thì các doanh nghiệp phải xây dựng quy tắc ứng xử phù hợp với trình độ quản lý và công nghệ của doanh nghiệp mình. Bà Khánh chia sẻ: “Câu dạy con từ thuở còn thơ cũng đúng trong trường hợp này. Chúng ta cần đưa người lao động vào khuôn phép ngay từ ngày đầu tiên bước vào doanh nghiệp. Ở công ty tôi, ngày đầu tiên, công nhân được huấn luyện để dép ngay ngắn, đúng quy định; vào xưởng phải đeo găng tay và khẩu trang; đi nhẹ, nói khẽ... Việc này tuy có gò bó nhưng chúng tôi nói với anh em đã bước vào nhà máy thì phải chấp nhận “luật chơi” của công ty”.