Chọn đi xuất khẩu lao động ở đâu?

Thứ Tư, ngày 09/12/2015 13:03 PM (GMT+7)
Chia sẻ

Người lao động nên chọn sang Nhật Bản, Đài Loan nhờ chi phí giảm, thu nhập khá. Việc tăng lương ở Malaysia cũng tạo thêm lựa chọn cho người lao động.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Dolab) thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), 11 tháng qua, cả nước có 109.252 người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài, vượt 15% kế hoạch năm 2015. “Dự kiến từ nay đến hết năm sẽ có thêm 10.000 lao động ra nước ngoài và như vậy, năm 2015 sẽ là năm đạt mốc kỷ lục xuất khẩu 120.000 lao động” - ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Dolab, phấn khởi.

Vẫn còn nhiều rủi ro

Dolab cho biết chỉ riêng Đài Loan, ước tính cả năm sẽ có trên 65.000 lao động Việt Nam sang thị trường này. Từ năm 2010 đến nay, Đài Loan luôn dẫn đầu các thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) của Việt Nam, chiếm 55% số lượng lao động ra nước ngoài hằng năm.

Bên cạnh đó, sau năm 2014 cán mốc 21.000 lao động, năm nay, dự kiến lao động sang Nhật Bản cũng vượt con số này. Các thị trường Malaysia (7.000 người), Hàn Quốc (5.000 người)… lần lượt xếp kế tiếp về số lượng lao động được cung ứng. Có thể nói năm 2015 là năm thành công của ngành XKLĐ. Dự kiến nguồn thu ngoại tệ do NLĐ tích lũy gửi về đạt khoảng 2 tỉ USD.

Chọn đi xuất khẩu lao động ở đâu? - 1

Dù vậy, theo đánh giá của giới chuyên môn, tính ổn định của XKLĐ Việt Nam chưa cao. Trong khi những thị trường chủ lực như Đài Loan, Nhật Bản chi phí XKLĐ còn quá cao, NLĐ nghèo khó tiếp cận thì phần lớn thị trường, nhất là 2 khu vực Trung Đông (Qatar, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất - UAE, Ả Rập Saudi) và châu Phi (Libya, Angola, Algeria) thu nhập lại thấp và nhiều rủi ro.

Tại thị trường UAE, tháng 7-2015, do bất đồng về quyền lợi, một số lao động sang quốc gia này làm vệ sĩ, bảo vệ cho các cơ sở hoàng gia theochương trình hợp tác nhân lực ký kết giữa Dolab và Tập đoàn IGG của UAE đã đánh nhau, kích động bạo loạn. Hậu quả là 4.000 bảo vệ, vệ sĩ bị trả về nước. Còn ở Algeria, lần lượt trong 2 ngày 17 và 21-11, có 31 trong số 55lao động xây dựng do Công ty Simco Sông Đà đưa sang phải về nước trước hạn. Trước đó, những lao động này bị giới chủ ngược đãi, một số người bị đánh đập phải nhập viện…

Giảm chi phí, dễ đi

“Chúng tôi nói không với các nước Trung Đông, châu Phi. Thay vì khuyến khích doanh nghiệp (DN) khai thác những thị trường này, Bộ LĐ-TB-XH nên tập trung xây dựng thị trường chủ lực; xúc tiến đàm phán để có thêm nhiều chương trình cấp chính phủ như chương trình cung ứng hộ lý, điều dưỡng ở Đức và Nhật Bản, chương trình cấp phép lao động EPS ở Hàn Quốc. Cách làm XKLĐ hiện nay giống như xuất khẩu gạo, thị trường nào cũng có nhưng thiếu tập trung” - giám đốc một DN XKLĐ nhận xét.

Hiện nay, Bộ LĐ-TB-XH cũng đã xác định những thị trường chủ lực cho năm 2016 là Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản. Dự kiến năm 2016, sẽ có 120.000-130.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 90% tập trung vào 4 thị trường nêu trên. Với 2 thị trường lớn nhất là Đài Loan và Nhật Bản, theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, bộ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp chấn chỉnh, nghiên cứu giảm chi phí để tạo điều kiện cho NLĐ tham gia.

Theo điều chỉnh của Dolab, DN tuyển lao động sang Đài Loan theo hợp đồng 3 năm chỉ được phép thu tối đa 4.000 USD/người đối với lĩnh vực nhà máy và 3.300 USD đối với hộ lý, điều dưỡng. Riêng lĩnh vực giúp việc gia đình, DN chỉ được thu phí tương ứng 2.036 USD/người. Tại Nhật Bản, các khoản phí theo quy định tối đa là 3.600 USD/người/hợp đồng 3 năm, 1.200 USD/người/hợp đồng 1 năm. Mức phí mới thấp hơn 30% so với mức thu hiện nay.

Đối với thị trường Hàn Quốc, theo ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâmLao động ngoài nước, trong năm 2016 sẽ tiếp tục đàm phán để sớm nối lại chương trình hợp tác lao động EPS. Nếu việc đàm phán thành công, khoảng 15.000 lao động Việt Nam sẽ được dự tuyển sang nước này với chi phí chưa tới 1.000 USD/người.

Sang Malaysia không tốn phí

Với việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu hằng năm bình quân 8% trong các năm qua của Malaysia, thu nhập của lao động Việt Nam sang nước này tăng đáng kể, bình quân khoảng 8 triệu đồng/tháng.

Ông Hồ Trường Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Sản xuất - Thương mại Trường Giang (TP HCM), cho rằng so với thị trường Trung Đông, Bắc Phi, thu nhập của NLĐ khi sang Malaysia thậm chí còn cao hơn. Công ty đang cần nhiều lao động sang Malaysia, thu nhập từ 1.400-2.000 ringgit/tháng (khoảng 7 triệu đến 10 triệu đồng). NLĐ được miễn phí xuất cảnh.

Theo Nguyễn Duy (Người Lao Động)

Chia sẻ
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN