5 chi tiết cần có trong hồ sơ xin việc

Thứ Năm, ngày 18/06/2015 13:52 PM (GMT+7)
Chia sẻ

Hồ sơ xin việc là ấn tượng đầu tiên mà bạn gửi đến nhà tuyển dụng, một bộ hồ sơ đầy đủ, rõ ràng và có sự đầu tư sẽ là động lực khiến họ muốn gặp bạn ngay lập tức. Chính vì vậy, ngoài những thông tin cơ bản cần thiết bạn cần phải lưu ý đến 5 chi tiết quan trọng sau khi chuẩn bị hồ sơ tìm việc làm.

Mục tiêu công việc

Đây là phần đầu tiên và quan trọng nhất trong hồ sơ xin việc. Độ dài của mục tiêu chỉ nên tối đa 2 hoặc 3 dòng. Bạn phải nhớ là luôn tập trung vào trọng tâm vì đây là yếu tố khiến NTD có tiếp tục xem tiếp hồ sơ của bạn hay để sang một bên để xem hồ sơ khác. Mục tiêu có nhắc đến chức danh công việc liên quan đến vị trí ứng tuyển là cách rất hiệu quả để mở đầu một hồ sơ xin việc. Điều đó giúp bạn gián tiếp khẳng định cùng NTD: Bạn nắm rất rõ NTD đang tìm ứng viên cho công việc gì. Đây là cách đơn giản mà hữu hiệu giúp bạn tạo sợi dây gắn kết đầu tiên cùng NTD.

Các kỹ năng đặc biệt

Hãy chọn lựa và trình bày những thành tích, kỹ năng thật ấn tượng và phù hợp với nhu cầu của NTD để họ thấy ngay bạn là người họ đang tìm. Vậy phần này dài bao nhiêu? Khoảng 3 đến 5 gạch đầu dòng là đủ. Nếu bạn liệt kê hơn 10 gạch đầu dòng thì bạn chưa tóm tắt được gì cả. Một lưu ý thêm: Số lượng gạch đầu dòng nên là số lẻ: 3 hoặc 5 là lý tưởng nhất trong việc trình bày mục này.

5 chi tiết cần có trong hồ sơ xin việc - 1

Kinh nghiệm làm việc

Có 2 cách trình bày: Nếu chức danh công việc bạn từng làm phù hợp với vị trí ứng tuyển, bạn nên trình bày theo cách liệt kê chức danh trước. Tuy nhiên, nếu bạn từng làm việc tại một công ty, tập đoàn lớn mà chỉ cần nhắc đến tên của nó cũng đã đủ gây ấn tượng thì bạn nêu rõ tên công ty trước.

Với mỗi công việc đã từng làm, bạn nên ghi rõ: Chức danh, tên công ty, địa chỉ, thời gian làm việc và mô tả sơ lược công việc phụ trách. Bạn không cần ghi rõ ngày tháng, chỉ cần ghi năm vì việc ghi quá rõ có thể khiến NTD đặt câu hỏi ở những khoảng trống thời gian không được đề cập trong hồ sơ. Đối với sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm: Hãy trình bày những công việc bạn đã làm khi còn là sinh viên dù có lương hay không lương cùng với những kinh nghiệm thực tế mà bạn tích lũy được từ các công việc này: kỹ năng quản lý thời gian, khả năng giao tiếp, sắp xếp công việc... Không ít doanh nghiệp vẫn chuộng chọn sinh viên mới ra trường vì thuận tiện hơn trong việc đào tạo. Hơn nữa, họ đánh giá rất cao sự năng động, sáng tạo của đối tượng ứng viên này.

Học vấn và các khóa đào tạo

Đây là chi tiết bắt buộc mà bất cứ NTD nào cũng quan tâm. Lưu ý: Nếu bằng cấp của bạn phù hợp với yêu cầu tuyển dụng hơn so với kinh nghiệm làm việc gần nhất thì bạn hãy để phần học vấn lên trước. Trường hợp bạn không có bằng cấp hoặc chứng chỉ đào tạo chính thức thì hãy liệt kê tất cả khóa học, khóa đào tạo mà bạn tham gia sau khi tốt nghiệp trung học cùng NTD. Ví dụ: Các khóa đào tạo chuyên nghiệp bao gồm: kỹ năng thuyết trình, kỹ năng bán hàng, kỹ năng giao tiếp (từ năm 2013 đến nay).

Thông tin bổ sung

Bạn có thể bổ sung ở mục này những chi tiết đắt giá, thu hút NTD mà không thể đặt vào 4 mục bên trên. Ví dụ: Sở thích cá nhân, các công việc tình nguyện nếu bạn cảm thấy chúng phù hợp với vị trí ứng tuyển. Nếu NTD đang cân nhắc giữa 2 hồ sơ thì những thông tin bổ sung này có thể giúp bạn chiến thắng đối thủ kia.

Chia sẻ
Theo Người lao động
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN