Xin phép bản quyền: Không cần phải nghĩ!?
Gần đây, Vbiz có quá nhiều những vụ tố cáo sử dụng ca khúc không xin phép bản quyền. Nhưng, những sự việc này chỉ ồn ào một thời gian ngắn rồi lại trôi qua trong im lặng. Thế nên, những người vi phạm bản quyền cứ vô tư sử dụng ca khúc của người khác mà chẳng cần xin phép hay lo ngại về hậu quả.
Gần đây, Vietnam Idol lại bị ca sĩ Thảo Trang tố sử dụng ca khúc Nơi ấy bình yên trong phần trình diễn của Ngân Hà mà không xin phép bản quyền. Đây không phải lần đầu Vietnam Idol nói riêng và những gameshow Việt nói chung bị tố cáo việc vô tư sử dụng ca khúc độc quyền mà không xin phép.
Như, Uyên Linh sử dụng ca khúc Đường cong, Bùi Anh Tuấn hát Nơi tình yêu bắt đầu, Ngọc Trâm hát Những ngày yêu như mưa, My Hoàn và Thảo My hát Chạy mưa,….
Không phải là lần đầu tiên, cũng chắc chắn chẳng phải là lần cuối cùng Vbiz có những vụ tố xài nhạc không xin phép như lần này. Người bị sử dụng dụng ca khúc không xin phép bức xúc tố cáo vài câu, nói vài lời cho hả giận rồi cũng im lặng cho qua. Kẻ xài chùa thì hoặc là im lặng coi như chẳng biết hoặc lên tiếng xin lỗi một câu rồi cũng thản nhiên như chẳng có chuyện gì. Và rồi lần sau, họ lại vô tư vi phạm tiếp mà chẳng chút bận tâm.
Thế nên, những vụ việc như thế này trong Vbiz ngày càng nhiều và ngày càng trắng trợn. Bởi, cũng giống như những scandal trong showbiz, các bên cũng chỉ lời qua tiếng lại vài câu rồi đâu lại vào đó, mọi chuyện sẽ kết thúc trong sự im lặng bất ngờ và khó hiểu. Bởi, nếu làm sai mà được việc, không tốn tiền tốn công xin phép, chẳng chịu thiệt hại gì mà có khi còn được PR tên tuổi thì ai còn e ngại gì nữa.
Ngân Hà đã sử dụng ca khúc của Thảo Trang nhưng BTC Vietnam Idol không xin phép
Đối với người trong cuộc, là thật sự bức xúc hay chỉ là sự cố tình PR, khán giả cũng chẳng hiểu nổi. Thế nên mới có chuyện, bất cứ scandal nào trong showbiz bây giờ cũng đều bị đặt một dấu hỏi lớn về sự thật nằm đằng sau nó.
Bên dùng ca khúc không bản quyền có lỗi, nhưng bên bị vi phạm cũng chẳng oan ức gì khi cứ chấp nhận bỏ qua như thế. Khán giả có lẽ không có mấy người quan tâm hay có thể biết được việc trong một gameshow, một chương trình nào đó các thí sinh, ca sĩ sử dụng ca khúc của người khác có xin phép hay không. Chỉ những người trong cuộc mới hiểu, và chỉ những người bị xâm phạm quyền lợi mới có thể đứng ra bảo vệ chính mình. Nhưng từ trước tới nay, họ cũng chỉ phản ứng cho có lệ thì cũng chẳng thể trách những chuyện tương tự liên tiếp xảy ra.
Khán giả cũng đã chán với những vụ tố cáo như thế này, bởi hai bên cứ nói chán rồi cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Cũng giống như hàng loạt công thức của những scandal khác trong Vbiz, khán giả đã quá quen với cái kiểu: Hát chùa – tố cáo – xin lỗi – cho qua.
Có lẽ, có nhiều lý do để những vụ xài chùa như thế này trôi qua trong lặng lẽ: sự nể nang, sự e ngại, sự thỏa thuận hay những áp lực vô hình khiến người trong cuộc phải chấp nhận. Khán giả có thể so sánh người này hát hay, người kia hát dở chứ mấy ai để ý việc ca khúc này do ai độc quyền. Việc này là của giới nghệ sĩ tự biết với nhau, khán giả đâu có nghĩa vụ phải biết. Thế nên, nếu các ca sĩ không tự bảo vệ quyền lợi của mình đến cùng thì họ sẽ tự mình phải gánh chịu hậu quả, chẳng ai có thể bảo vệ họ thay họ được.
Và, đến khi nào những sự việc như thế này chưa được làm “ra ngô ra khoai” thì có lẽ, khán giả còn phải chứng kiến nhiều vụ tố cáo xài “của chùa” trong Vbiz.