VN Idol: Sau thảm họa là thần tượng?
Có câu “đường dài mới biết ngựa hay”. Mọi sự suy đoán hay quy kết ở thời điểm này có thể là hơi sớm vì Vietnam Idol còn cả một chặng đường dài phía trước.Liệu sau những cái tên được xếp hạng thảm họa, sẽ có một Uyên Linh thứ 2 xuất hiện?
Giật mình vì “thảm họa” lắm chiêu
Đã thành thông lệ, vòng thi sơ tuyển của Vietnam Idol luôn mang lại nhiều tiếng cười sảng khoái cho khán giả truyền hình.
Điều này thật dễ dàng lý giải vì hàng chục ngàn thí sinh đăng kí dự thi thì cũng có ngần đó tính cách. Hơn nữa, các thí sinh ngày nay cũng rất mạnh dạn trong việc bộc lộ cá tính của mình.
Câu chuyện “đẹp khoe, xấu che” trong trường hợp này có lẽ không còn đúng.
Rất nhiều bạn trẻ dù biết mình đang được ghi hình vẫn tự tin hát, diễn và làm vô số những chiêu trò mà có lẽ “thủ đoạn vô biên” của Trấn Thành cũng phải chào thua.
Bộ ba giám khảo không biết phải thể hiện như thế nào với phần thể hiện của các thí sinh
Sau hai đêm phát sóng đầu tiên vòng thi sơ khảo, những cụm từ như: thảm họa, siêu thảm họa, đại thảm họa… xuất hiện trên khắp các mặt báo lớn nhỏ.
Nếu tìm kiếm cụm từ “tham hoa vietnam idol 2012” thì chỉ trong 0,27 giây đã cho ra đời 4.420.000 kết quả.
Nếu nói là việc quy chụp này khi gắn mác thảm họa cho các thí sinh là hơi sớm, có một phần đúng. Tuy nhiên, nhìn cách các thí sinh thể hiện trong phần thi thì có lẽ không có từ nào diễn tả chính xác hơn.
Những thí sinh góp phần làm nên "đặc sản thảm họa" cho Idol
Nếu nói về sự tự tin có lẽ không có thí sinh của cuộc thi nào vượt qua được Vietnam Idol.
Nói ngọng, hát ngọng, giọng địa phương, thi hát nhưng lại nhảy múa, khóc lóc để xin giám khảo, tự cao bản thân… là vô số chiêu trò mà các thí sinh đã lần lượt thể hiện.
Trong tập 1, thí sinh Nguyễn Đức Dương đến từ Hải Phòng đã khiến giám khảo phải cắt ngang phần biểu diễn vì “biệt tài hát ngọng”.
Chọn ca khúc Dòng thời gian của NS Nguyễn Hải Phong, phần trình diễn này khiến khán giả chỉ biết cười bò còn giám khảo lắc đầu ngao ngán trong khi thí sinh này vẫn tự tin hát vang trên sân khấu.
Nhưng Đức Dương chỉ là một trường hợp nhỏ được chỉ mặt đặt tên. Vô số các thảm họa khác khi hát những: Huyền thoại hồ núi cốc, Con cò, Giọt sương và chiếc lá… đều biến các ca khúc nổi tiếng này thành… dở tệ.
Thậm chí, những màn "khua chân múa tay", thi hát như trình diễn ảo thuật, thời trang của một số thí sinh khiến người viết cũng không biết nên xếp họ ở đâu.
"Đại thảm họa" Lê Thị Soa của Vietnam Idol tập thứ 2
Ở tập 2, cái tên được nhắc đến nhiều nhất là Lê Thị Soa, thí sinh 17 tuổi đến từ Huế. Không chỉ gây ấn tượng bởi vẻ bề ngoài “như con lật đật” mà thái độ tự tin này có lẽ khiến bất cứ đối thủ nào của cô cũng phải chào thua.
Câu nói của cô gái Huế: “Chị Mỹ Tâm rất đẹp, nhưng không đẹp bằng em đâu” trở thành câu truyền miệng trên khắp các cộng đồng mạng.
Còn nhớ, trong đoạn trailer phát sóng từ tuần trước, khán giả đã sốc nặng trước phát ngôn này và khi được tận mắt mục sở thị toàn bộ phần chào hỏi, trình diễn với giám khảo của cô thì ai ai cũng phải choáng váng.
Và nó càng đặc biệt hơn nhiều khi những phát ngôn đó được nói ra từ một thí sinh có vẻ ngoài "tưng tửng" và giọng nói biểu cảm, hồn nhiên đến... giật mình.
Chưa hết, cô gái này còn tự phong danh cho đạo diễn Quang Dũng từ Dũng khùng thành “anh Dũng đẹp trai”, NS Quốc Trung bị biến thành “Trung khùng” và với Mỹ Tâm, cả hai bị mời ra rìa và chỉ được nghe “hát ké” phần trình diễn của cô.
Một kịch bản khá thú vị liên quan đến cả hai tập phát sóng là việc thí sinh xin được hôn giám khảo Mỹ Tâm.
Bên cạnh đó, nữ giám khảo duy nhất của Vietnam Idol còn liên tiếp "được" hai thí sinh: Trần Thanh Tùng (tập 1) và Nguyễn Duy Sơn (tập 2) xin hôn lên tay khiến cô ngớ người.
Đặc sản thảm họa chấp cánh cho thần tượng tỏa sáng?
Với tiêu chí from zero to hero (từ số 0 thành anh hùng), qua ba mùa thi Vietnam Idol đã phần nào hiện thực hóa được điều đó.
Ba gương mặt đã trở thành thần tượng: Phương Vy (2007), Quốc Thiên (2008), Uyên Linh (2010) đều có xuất phát điểm không thực sự ấn tượng trong những vòng thi đầu tiên. Và nhiều người cũng nghĩ đến một kịch bản tương tự sẽ xảy ra của mùa giải năm 2012 này.
Khác hẳn với The Voice hay Sao mai điểm hẹn - yếu tố học thuật trong giọng hát được đề cao lên hàng đầu ngay từ vòng sơ loại, Vietnam Idol có tiêu chí hoàn toàn khác.
Thậm chí, cụm từ “đặc sản thảm họa” đã được gắn riêng cho các thí sinh và cuộc thi đình đám này.
Bảo Trâm - một trong những thí sinh sáng giá của Idol khu vực miền Bắc
Còn nhớ, khi kết thúc tập 1 trong phần thảo luận cuối chương trình, bộ ba giám khảo đã bàn rất nhiều đến câu chuyện các thí sinh được đào tạo bài bản về thanh nhạc.
Theo Mỹ Tâm thì có rất nhiều thí sinh ở khu vực Hà Nội xuất thân từ các nôi nghệ thuật, hát rất hay nhưng đều bị loại một cách đáng tiếc.
Theo nữ giám khảo duy nhất của cuộc thi thì bên cạnh giọng hát, cách biểu cảm mới là điều quan trọng. Đó cũng là tiêu chí quan trọng nhất để các thí sinh có nhận được tấm vé vàng để đi tiếp hay không.
Bằng chứng là, các thí sinh gây ấn tượng mạnh nhất của vòng tuyển sinh Hà Nội, cũng là những cá tính như vậy.
Người gây được ấn tượng nhiều nhất cho đến thời điểm hiện tại là thí sinh Nguyễn Thị Bảo Trâm khi cô trình bày ca khúc Thu Cạn khá tốt.
Thí sinh kiêm VĐV Wushu chuyên nghiệp Nguyễn Thanh Tùng cũng là bất ngờ khi sở hữu khá nhiều yếu tố để trở thành ca sĩ giải trí: ngoại hình ưa nhìn, giọng hát tạm ổn, biết cách giao lưu với giám khảo…
Hai gương mặt này cùng với Vũ Ngọc Linh, Đinh Công Phụng… đều là những thí sinh ngang tài ngang sức.
Uyên Linh trở thành thần tượng với xuất phát điểm không thực sự ấn tượng
Ở thời điểm hiện tại, khi mà Vietnam Idol mới chỉ qua hai tập phát sóng thật khó để có thể dự đoán một kết cục phía trước.
Ngay cả trường hợp Uyên Linh của mùa giải năm 2010 cũng chỉ thực sự bùng nổ ở vài tập cuối cùng.
Bỏ qua câu chuyện về nghi án sắp đặt, nếu không có việc Đăng Khoa xin dừng cuộc chơi thì Uyên Linh đã không có cơ hội đi tiếp và cuối cùng hiện thực được giấc mơ thần tượng.
Có câu “đường dài mới biết ngựa hay”. Mọi sự suy đoán hay quy kết ở thời điểm này có thể là hơi sớm vì Vietnam Idol còn cả một chặng đường dài phía trước.