Vi phạm… chính danh!
Chưa bàn về việc nội dung có phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam hay không, theo Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL), nhạc sĩ Ngọc Đại sẽ phải chịu trách nhiệm trước mắt về hành vi phát hành album Thằng Mõ 1 mà không xin phép.
Trong một khả năng khác, nếu Thằng Mõ 1 không được đem đi bán, nghĩa là không có mục đích thương mại, thì album không nằm trong phạm vi phải xin phép. Đó là một kẽ hở, cũng như nhiều kẽ hở khác vẫn đang được “lách” hàng ngày trong biểu diễn, lưu hành bản ghi âm, ghi hình, mà việc phát hành album trên các website âm nhạc trực tuyến là một ví dụ.
Đây cũng là một kênh mà một vài giọng ca trẻ chọn để né các thủ tục, nhất là với các MV, clip có yếu tố nhạy cảm. Khi chọn cách chia sẻ miễn phí trên các website, hoặc núp dưới danh nghĩa lưu trữ cá nhân, các ca khúc đó không phải chịu sự kiểm duyệt, không mất thời gian cho các thủ tục cấp phép vốn rườm rà, cũng không cần phải tìm một nhà sản xuất đủ chức năng để đứng tên xin phép.
Từ việc né thủ tục, đây cũng là một kênh để “tuồn” những sáng tạo cá nhân mà không cần biết có phù hợp với thuần phong mỹ tục hay không, thậm chí là cố tình tung ra những ca khúc, hình ảnh có tính gây sốc để thu hút công chúng mạng. Hiện trên các website vẫn đang tồn tại nhiều ca khúc đầy rẫy những ngôn từ không thể chấp nhận, nhiều nhất là với giới underground (không biểu diễn trên các sân khấu ca nhạc).
Ca khúc Rắc rối của Karik từng phải bị cắt bỏ một số từ để được phép phát sóng trên truyền hình, nhưng trên các website, ca khúc “gốc” với nhiều từ nặng tính đường phố, ảnh hưởng xấu đến giới trẻ vẫn còn giữ nguyên. Để quảng bá cho MV Xin lỗi em chỉ là… chính ê-kíp của ca sĩ Hoàng Lê Vy đã ghép một đoạn clip sex vào trước khi phát hành MV chính thức, cũng trên mạng. Ca sĩ Mai Khôi thì chọn hình thức phát hành online cho MV Baby Blues của mình, với hình ảnh thể hiện tình yêu bằng những động tác phòng the khá phản cảm - hình ảnh mà nếu xin phép để phát hành đĩa, chắc chắn sẽ không được chấp nhận.
Hình ảnh trong MV Mai Khôi
Một kẽ hở nữa, theo quy định, việc quản lý, kiểm tra các nội dung trên internet sẽ do Bộ Thông tin - truyền thông đảm trách, trong khi đó, thẩm định nội dung về âm nhạc, về ca khúc lại là chức năng của Bộ VH-TT-DL. “Chúng tôi chỉ quản lý ở hình thức biểu diễn hoặc các sản phẩm bằng hiện vật, nếu bảo chúng tôi quản lý nội dung, hình ảnh trên các website nghĩa là bảo chúng tôi làm sai luật”, ông Võ Trọng Nam - PGĐ Sở VH-TT-DL TP.HCM cho biết. Đồng tình với điều này, nhưng một đại diện của Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM cho rằng, Sở này không thể thẩm định những nội dung về chuyên sâu của cơ quan khác.
“Ví dụ như chúng tôi không thể nắm được ca khúc mà ca sĩ đó ghi hình có phải là ca khúc cấm hay không, có vi phạm bản quyền tác giả âm nhạc hay không… Những danh mục đó vốn thuộc phạm vi quản lý của bên VH-TT-DL, nên đó là trách nhiệm của họ”, vị đại diện này cho biết.
Đó là chưa kể, theo vị đại diện này, không dễ để xác minh hành vi vi phạm, vì có không ít người cho rằng đó là bản ghi âm, ghi hình mang tính cá nhân, chỉ để làm kỷ niệm và họ không phải là người đăng tải trên các website. Việc xác minh càng khó khăn hơn nữa nếu website đó thuộc về máy chủ đặt ở nước ngoài, mà trường hợp MV Xin lỗi em chỉ là… là một ví dụ.
Không thể phủ nhận nhạc số là một xu hướng tất yếu, nhưng khi những quy định vẫn còn kẽ hở, hoặc thiếu sự phối hợp giữa các ban ngành, xu thế đó sẽ được phát triển kèm theo những ý đồ không lành mạnh, bị nhiều người tìm cách để “lách” luật.
Ông Phạm Đình Thắng - Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: Chưa cần biết nội dung như thế nào, chỉ với tựa hai bài hát Khuyến mại tình dục và Cái nường 8X thì album Thằng Mõ 1 của Ngọc Đại đã không được cấp phép. Cũng không thể cho rằng vì anh không thuộc một cơ quan nào nên anh không cần làm theo quy định. Bất cứ ai, chỉ ở vai trò một công dân cũng đã phải tuân theo luật pháp. Nếu sau khi thẩm định, xử phạt mà Ngọc Đại không thi hành, chúng tôi sẽ đề nghị cưỡng chế. |