U70: Hát cho đến khi "biếng" thở

Không ít các ca khúc “trẻ trung” như Em đi chùa Hương, Cô gái giao liên, Và tôi cũng yêu em, Mười năm tình cũ... vẫn được các thí sinh U70 thể hiện trong chương trình Tiếng hát mãi xanh.

Âm nhạc không tuổi tác

Đó là thí sinh Tôn Quốc Cường (bút danh Bảo Cường) – thí sinh với mái tóc dài xoăn lãng tử xuất hiện cùng với cặp dùi trống. Trò chuyện với bác Cường thì biết bác là một nhà văn, nhà thơ chuyên viết sách và cũng đã từng cho ra nhiều quyển sách.

Bên cạnh đó, bác vẫn luôn có một tình yêu mãnh liệt đối với ca hát từ thời trẻ. Bác tâm sự: “Tôi biết đến cuộc thi từ năm ngoái rồi và thấy thích lắm, năm nay vừa thấy thông báo tuyển sinh là đi đăng ký liền đó!”

Bác cho biết bác có thể chơi trống và thổi sáo. Bài hát dự thi của bác là một Liên khúc ca Huế do bác tự phổ nhạc từ chính lời thơ của mình. Hình ảnh bác Cường vừa tự đệm trống vừa hát khiến nhiều thí sinh khác cũng phải trầm trồ vỗ tay tán thưởng.

U70: Hát cho đến khi "biếng" thở - 1

Bác Tôn Quốc Cường

Đặc biệt dễ thương là trường hợp hai vợ chồng bác Đặng Trung Hiếu (69 tuổi) và bác Trần Thị Vượng (71 tuổi). Hai vợ chồng bác đã từng tham dự Tiếng hát mãi xanh từ hai năm trước nhưng không vào được sâu vòng trong. Tuy thế, năm nay hai bác vẫn tiếp tục dự thi, bởi vì hai bác muốn được hát, hát cho vui, cho khỏe tuổi già.

Bác Hiếu kể: “Nhà tôi ở tuốt Bình Dương, cách đây gần 100 km, sợ thứ Hai đầu tuần người ta đi làm nhiều kẹt xe nên đã lên đây từ Chủ nhật, chuẩn bị kỹ lưỡng để đi thi đó!”

Trò chuyện cùng hai bác mới biết, hai vợ chồng ở nhà vẫn thường tự tập hát cùng nhau. Bác Vượng vui vẻ nói: “Khi nào hai vợ chồng rảnh rảnh là kêu ‘Ê tập hát đi!’ rồi tập hát cùng nhau. Thỉnh thoảng tập xong rồi cũng cãi lộn nhưng mà một hồi là tự hòa à!” Niềm vui của hai vợ chồng chỉ có thế, cùng tập hát, cùng đi thi, quá đỗi giản đơn nhưng không khỏi khiến người khác trầm trồ ngưỡng mộ. 

U70: Hát cho đến khi "biếng" thở - 2

Đôi vợ chồng U70 với niềm đam mê âm nhạc bất tận

Một trường hợp mê ca hát và cực kỳ thích Tiếng hát mãi xanh nữa là bác Hoàng Thanh (68 tuổi) đến từ thành phố Đà Lạt. Bác biết đến cuộc thi từ năm ngoái nhưng không kịp đăng ký dự thi, thế là quyết tâm ‘nuôi dưỡng’ ước mơ, tự mình luyện hát trong suốt 8 tháng chờ đến Tiếng hát mãi xanh 2013.

Bác chia sẻ kinh nghiệm: “Ở nhà tôi có dàn karaoke nên luyện tập thường xuyên lắm. Mỗi lần tập một bài là hát trước cho thuộc lời, sau đó viết ra giấy và làm bài tập, đánh dấu chỗ nào luyến láy, nhịp thế nào, phải học kỹ mới được! Tới giờ là tôi thuộc được 100 bài hát rồi đó!” Khi được hỏi nhà xa vậy đi thi có gặp khó khăn không thì bác vui vẻ nói: “Xa cũng phải đi thi chớ, mình phải khắc phục trở ngại để đi thi chớ!”

Hát cho đến khi “biếng” thở

Đó là lời chia sẻ từ bác Nguyễn Hữu Hy (89 tuổi) khi nói về niềm đam mê âm nhạc cũng như sự lạc quan vào cuộc sống, lúc tuổi đời đã vào xế chiều.

Bác Hy khẳng định: “Cao tuổi chưa phải là già”, bởi vậy để có mặt tại Nhạc viện TP.HCM tham dự vòng sơ tuyển 1, bác đã một mình bắt xe bus đi từ Q.9 từ lúc 6g30.

Đến với Tiếng hát mãi xanh, bác cho hay không đặt ra mục tiêu giải thưởng hay thể hiện bản thân gì, chỉ mong hát cho vui, cho khỏe tuổi già. Nói về niềm yêu ca hát, bác kể ở nhà cũng hay hát nghêu ngao hát vài câu cho vui, và đây là lần đầu được đứng trên sân khấu có đông người theo dõi mình đến vậy.

Mặc dù có phần hơi run thế nhưng, bác vẫn hoàn thành trôi chảy và phần dự thi của mình bằng chính niềm say mê với âm nhạc, sự lạc quan với đời.

U70: Hát cho đến khi "biếng" thở - 3

Bác Nguyễn Hữu Hy

Cũng run vì lần đầu đứng sân khấu lớn là trường hợp của bác Lê Đức Mảng (77 tuổi) cho biết trước khi đến “trường thi” đã học lời bài hát mình dự thi rất kĩ. Vậy nhưng, đến khi bước lên dự thi, tự dưng giai điệu bài hát “bay đi đâu mất tiêu”,  nên bác chỉ còn biết định hình lại lời bằng cách đọc lên vài câu trong bài hát rồi… kết thúc phần thi.

Giống trường hợp của bác Mảng, bác Nguyễn Hữu Hoàng (73 tuổi) cho biết ở nhà đã học“thuộc ghê gớm” lời bài hát dự thi, ấy vậy, lên sân khấu cũng vì run và hồi hộp quá nên quên hết lời.

U70: Hát cho đến khi "biếng" thở - 4

Bác Lê Đức Mảng ngồi cùng hai người bạn thi

U70: Hát cho đến khi "biếng" thở - 5

Bác Nguyễn Hữu Hoàng trên sân khấu

Đã từng là thí sinh mùa giải trước, bác Nguyễn Văn Lý (68 tuổi – SBD 61A) xem ra lại là người có kinh nghiệm trong khâu chọn bài để “chống” quên lời. Bác cho biết năm ngoái, từng rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” nên quyết năm nay, chọn bài nào dễ dễ và học thuộc làu không sai một từ nào.

Quả thật, chính nhờ kinh nghiệm  và sự chuẩn bị hết mực chu đáo này mà ca khúc dự thi Và tôi cũng yêu em (Đức Huy) đã được bác Lý thể hiện một cách đầy tình cảm và trau chuốt.

U70: Hát cho đến khi "biếng" thở - 6

Bác Nguyễn Văn Lý trên sân khấu

Tỏ ra không hề rụt rè và lo lắng, cô Trần Thị Đông (67 tuổi) tự tin cho rằng giọng mình hay nhất xóm so với những người bạn cùng trang lứa. Lý giải cho câu giới thiệu này cô cho hay trong xóm nhà nào có dàn karaoke là cô xin hát hết và ở đâu giọng hát của mình cũng được mọi người đánh giá tốt.

Vậy nên, đến với Tiếng hát mãi xanh năm nay, cô Đông khá tự tin với phần dự thi của mình. Ngoài ra, niềm vui của cô khi đến đây còn là gặp gỡ và giao lưu với những người có cùng đam mê âm nhạc giống như mình. 

U70: Hát cho đến khi "biếng" thở - 7

Thí sinh Trần Thị Đông

Âm nhạc chính là dòng suối nguồn chảy mãi tưới xanh tâm hồn của những thí sinh tuổi cao niên, để họ được mãi yêu đời, mãi tươi vui và mãi “xanh” như thế. Đó có lẽ là điều làm nên sự đặc biệt của cuộc thi ca hát “độc nhất vô nhị này.

Thế mới thấy, tiếng hát có thể làm mát xanh những tâm hồn!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khôi Nguyên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN