Tưởng nhớ Đặng Lệ Quân qua những tình khúc bất hủ
8.5.2015 - tròn 20 năm ngày diva xứ Đài Đặng Lệ Quân mang theo tiếng hát "mật ngọt" rời khỏi trần thế, để lại cho người hâm mộ nỗi tiếc nhớ và luôn da diết nhẩm những tình khúc bất hủ của bà.
Đặng Lệ Quân (Teresa Teng) là một nghệ sĩ sớm bộc lộ tài năng từ năm lên 10 và được người đời biết đến, yêu mến và say mê tiếng hát của bà cho đến lúc qua đời ở tuổi 42 (1995).
Năm 1986 tạp chí Thời đại của Mỹ đã đánh giá bà là một trong bảy ngôi sao lớn trong làng nhạc Pop thế giới. Đặng Lệ Quân cũng được ghi nhận như người tiên phong đưa nhạc pop Trung Hoa ra với thế giới, làm nền tảng cho nhiều thế hệ ca sĩ trẻ sau này như Châu Kiệt Luân, F4, Vương Lực Hoành, Đào Triết, Thái Y Lâm, S.H.E… bước lên vũ đài âm nhạc châu Á.
Đặng Lệ Quân là một trong những trường hợp biết tận dụng, hấp thu nguồn văn hóa từ lời ca. Ca từ trong nhiều ca khúc của Đặng Lệ Quân được lựa chọn tỉ mỉ, hàm súc, có âm hưởng, chuyển tải những thông điệp mang tính nhân văn sâu sắc và thấm đượm giá trị truyền thống văn hóa phương Đông.
Tình khúc bất hủ Ánh trăng nói hộ lòng tôi.
Rất nhiều tình khúc của Đặng Lệ Quân sau này đã lần lượt được liệt vào hàng kinh điển, như Ánh trăng nói hộ lòng tôi, Khi nào anh trở lại, Phi trường, Chuyện thành phố nhỏ, Mùa thu lá bay, Trả nợ, Hoa dại bên đường chớ có hái, Bên dòng nước, Mật ngọt, Tôi chỉ để ý anh, Người trên nước, Cuộc hẹn sau hoàng hôn, Sông mây, Hải âu phi xứ, Anh nói sao, Lòng mẹ…
Đặng Lệ Quân sở hữu chất giọng đẹp tự nhiên, không cần tô vẽ hay trang sức, xuất hiện với hình tượng tiểu thư Giang Nam đài các. Bà có vẻ thanh tao, lịch lãm của người đương thời, cộng hưởng với mạch truyền thống Á Đông kín đáo.
Ca khúc Anh nói sao.
Chất giọng mượt mà, nũng nịu đặc trưng ấy từng được rất nhiều ca sĩ bắt chước, học tập, nhưng chưa ai chạm được vào đáy huyệt vô hình để đồng cảm với người nghe.
Diệp Nguyệt Du, một giáo sư ngành văn hóa của Trường Đại học Nam California nói rằng: “Sự ngọt ngào trong giọng ca làm cho cô trở nên nổi tiếng. Đặng Lệ Quân có một giọng ca hoàn hảo cho các bản dân ca và ballad, cô kết hợp phong cách biểu diễn phương Tây vào những bản dân ca truyền thống”.
Giọng ca của cô cũng được miêu tả “như đang khóc lóc và cầu xin sự tha thứ, nhưng vẫn rất mạnh mẽ, có khả năng như thôi miên, tạo ấn tượng mạnh trong lòng người nghe”. Nhà soạn nhạc Tsuo Hung-yun nói rằng giọng ca của Đặng Lệ Quân có “bảy phần ngọt ngào, ba phần đẫm lệ”.
Ca khúc Mùa thu lá bay.
Bởi thế, Đặng Lệ Quân đã làm nên cả một thời đại. Người Đài Loan khái quát nền nhạc pop xứ Đài thập niên 70, 80 thế kỷ XX là “Thời đại Đặng Lệ Quân”. Tình ca Đặng Lệ Quân vang lên khắp nơi, vượt ra ngoài lãnh thổ, ngự trị trong thế giới người Hoa mênh mông.
Tiếng hát của Đặng Lệ Quân nhanh chóng phổ biến tại nhiều đô thị phía Nam (Trung Quốc), trở thành biểu trưng của thời kỳ cải cách kinh tế, từ quán bar, vũ trường đến siêu thị hay trên taxi…
Ca khúc Phi trường.
Khắp nơi đều vang lên những bản tình ca mê hồn của cô ca sĩ họ Đặng. Người ta dành tặng cho cô một cái tên hàm súc để thể hiện lòng ái mộ Teresateng (Tiểu hành tinh Đặng).
Đặng Lệ Quân từng lưu diễn tại Sài Gòn (1970). Tên tuổi của bà tỏa sáng trong thế giới người Hoa. Câu thành ngữ: “Ở đâu có khói ở đó có người Hoa”, sau này được cải chính thành “Ở đâu có người Hoa ở đó có tiếng hát Đặng Lệ Quân”.
Ca khúc Ngọt ngào.
Ở đâu có người Hoa ở đó có tiếng hát Đặng Lệ Quân.