Truyền hình thực tế Việt sẽ "chết yểu"?
Sắp đặt kết quả, chuyện tin nhắn bình chọn không công khai, tạo scandal để câu khách … nhiều chương trình truyền hình thực tế đang dần tự đánh mất đi niềm tin của công chúng đối với chính mình.
Tự đánh mất mình hay lạm dụng khán giả
Nghi án dàn xếp kết quả của cuộc thi Giọng hát Việt những ngày qua khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Dù BTC đã tiến hành một cuộc họp báo công khai nhưng trắng đen sự việc chưa được làm rõ và khán giả vẫn là người chịu thiệt thòi lớn nhất khi niềm tin đã bị đánh cắp.
Trường hợp của Phương Uyên tại The Voice khiến khán giả bức xúc vì.... bị lừa
Điều đặc biệt nhất của Giọng hát Việt chính là câu chuyện liên quan đến Phương Uyên.
Tại buổi họp báo, cô ngỏ lời xin rút lui khỏi vị trí giám đốc âm nhạc nhưng BTC nhất quyết giữ lại để cho cô có cơ hội sửa sai và chứng minh bản thân.
Tuy nhiên, sau khi Cục nghệ thuật biểu diễn cũng vào cuộc, quyết định mới nhất được đưa ra cho thấy Phương Uyên đã phải rời cuộc chơi này và Hoài Sa được lựa chọn để thay thế.
Sự nhập nhằng trong quyết định đi hay ở, và cả câu chuyện mời Cục cảnh sát vào điều tra khiến khán giả bị lôi vào một mớ bòng bong mà không biết đâu là thật, đâu là giả.
Cuộc thi này hiện cũng đang hứng chịu nhiều ý kiến không tốt từ phía dư luận
Còn nhớ, cách đây không lâu khi mùa phát sóng thứ ba của chương trình Bước nhảy hoàn vũ kết thúc, nữ ca sỹ Phương Thanh từng lên tiếng tố cáo ban tổ chức chương trình về những gian lận.
Theo Phương Thanh thì chị cũng như các thí sinh khác chỉ là những “quân cờ” và “Khi đi đến vòng cuối cùng tôi xác định đây là một canh bạc. Người ta vẫn nói cờ gian bạc lận và chắc chắn có những điều không đúng. Tuy nhiên nếu đã gọi là cờ gian bạc lận thì làm sao có bằng chứng”.
Phương Thanh từng tố BNHV chuyện gian lận
Trước đó, trong chương trình Hợp ca tranh tài, việc đội chơi của Phương Thanh phải rời cuộc thi đầu tiên từng khiến nhiều khán giả giật mình vì so với các ca sỹ như: Khánh Linh, Đức Tuấn… Phương Thanh có lượng fan đông hơn hẳn.
Một sự trùng hợp thú vị hơn ở thời điểm đó Phương Thanh đồng thời tham gia cả Bước nhảy hoàn vũ và hai chương trình cùng lên sóng trực tiếp trên VTV3, cách nhau đúng hai ngày.
Có một thực tế cho thấy, rất nhiều chương trình truyền hình hiện nay luôn lấy tiêu chí 50% kết quả dựa trên số phiếu bình chọn của khán giả nhưng chưa một lần công bố con số cụ thể là bao nhiêu tin nhắn, mà chỉ đưa ra tỉ lệ % một cách mơ hồ.
Tại Cặp đôi hoàn hảo 2011, trường hợp hai cặp đôi Ngọc Anh – Ngọc Ngoan và Phương Linh – Cù Trọng Xoay cũng khiến khán giả đặt ra nhiều nghi vấn.
Trong đêm thi thứ 7, cặp đôi Song Ngọc đã giành quyền đi tiếp nhờ chiến thắng vòng hát sing off sau khi cả hai cặp đôi có cùng phiếu bình chọn.
Phương Linh và GS Xoay rời Cặp đôi hoàn hảo 2011 gây nhiều tranh cãi
Tuy nhiên, khi clip Siu Black nói “chọn áo đỏ” (đêm thi đó Ngọc Anh mặc váy đỏ) bị phát tán nhiều khán giả cho rằng BTC đã cố tình dàn xếp kết quả.
Trên thực tế, qua tất cả các đêm thi cặp Phương Linh - Cù Trọng Xoay mới là người nhận được sự yêu mến từ khán giả nhiều hơn và họ từng nhận được số phiếu bình chọn cao nhất trong đêm thi thứ hai.
Vấn đề tin nhắn cũng từng gây nhiều bức xúc tại chương trình Bài hát yêu thích khiến ca sỹ Ngọc Anh tuyên bố sẽ không bao giờ tham gia.
Các chương trình khác như: Vietnam’s Got Talent, Sao mai điểm hẹn, Vietnam Idol… đều hơn một lần dính phải những lùm xùm liên quan đến vấn đề tin nhắn bình chọn.
Khi truyền thông và khán giả yêu cầu công khai tin nhắn, tất cả các bên liên quan đều nhất loạt im lặng.
Không scandal, truyền hình thực tế sẽ chết yểu?
Tại Việt Nam, hầu hết các chương trình truyền hình thực tế ăn khách nhất hiện nay như: Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo, Giọng hát Việt, Vietnam Idol… đều thu hút khán giả một phần lớn nhờ những scandal.
Cuộc đua kỳ thú rất thực nhưng vẫn không hút truyền thông
Trong khi đó, các chương trình được đánh giá có tính thực tế cao như: Tôi là người dẫn đầu, Cuộc đua kỳ thú… lại không thực sự có lượng khán giả đông đảo và chưa được truyền thông quan tâm đúng mực.
Với Cuộc đua kỳ thú và Tôi là người dẫn đầu, dù không lên sóng trực tiếp nhưng yếu tố dàn dựng, biên tập được tiết chế tối đa nhằm đảm bảo tính khách quan.
Vì thế, khi đến chặng cuối cùng các thí sinh của Tôi là người dẫn đầu như Quách Văn Đen, Phạm Thu Nga… hay Baggio, Minh Hoàng, Thanh Chung… của Cuộc đua kỳ thú đều thú nhận họ đã vượt qua được chính mình với những thử thách mà ban đầu cảm thấy rất sợ hãi.
Bản thân phía nhà tổ chức đều kiên quyết nói không với scandal và để cuộc thi diễn ra một cách tự nhiên. Thế nhưng, trên truyền thông những cuộc thi như này đều quá mờ nhạt. Tất cả đều lặng lẽ diễn ra rồi kết thúc một cách âm thầm.
Đồ Rê Mí cũng phải dùng "chiêu trò" để hút khách
Một chương trình từng được đánh giá rất cao về tính thực tế như Hành trình kết nối những trái tim trải qua bốn mùa phát sóng hiện cũng đã giảm sức hút đáng kể do thiếu chiêu trò thu hút.
Hay bản thân một chương trình dành cho các em nhỏ như Đồ Rê Mí bước sang mùa giải năm 2012 cũng phải mượn đến bàn tay dàn dựng mới tạo nên hiện tượng “cậu bé mít ướt” Lê Trần Nhật Tiến gây xôn xao.
Thử thách cùng bước nhảy hứa hẹn sẽ tôn trọng thực tế
Từ ngày 15/9, khán giả truyền hình sẽ có thêm một món ăn mới khi Thử thách cùng bước nhảy (So you thinh you can dance) lên sóng.
Theo ông Nguyễn Hải – Tổng điều hành sản xuất chương trình đội ngũ sản xuất tôn trọng một cách tối đa các chất liệu có sẵn đó là các phần thi và câu chuyện bên lề của thí sinh. “Chúng tôi xác định scandal không phải là điều mình hướng tới. Quan tâm lớn nhất của chúng tôi hiện tại là làm sao để mang đến cho khán giả những phần thi nhảy hay và đẹp mắt nhất” – Ông Hải chia sẻ.
Tạm kết
Trước sự bùng nổ của truyền hình thực tế như hiện nay thì cuộc cạnh tranh về sự thu hút đang ngày càng trở nên quyết liệt hơn. Cũng vì lý do đó mà các nhà tổ chức đã và đang tìm mọi cách để kéo khán giả về phía mình nhằm tăng lượng rating, hút quảng cáo. Và scandal dưới mọi hình thức khác nhau trở thành một công cụ hữu hiệu.
Tuy nhiên, khi khán giả ngày càng khó tính và tinh tường hơn thì những thủ thuật này càng dễ bị phơi bày. Do đó, niềm tin vào cái gọi là "truyền hình thực tế" ngày càng giảm sút đi đáng kể. Vô hình chung, những chương trình vốn nổi tiếng thế giới khi về Việt Nam đều trở thành truyền hình của sắp đặt và phi thực tế.