Trai đẹp thời "trọng nữ khinh nam"
Giữa “trai đẹp” với các hoa hậu, người đẹp, chân dài, liệu có gì khác nhau ngoài việc họ đều tận dụng vẻ đẹp ngoại hình để gây sự chú ý với công chúng?
Phái yếu lần đầu được tôn vinh qua cuộc thi Hoa hậu Hoa Kỳ/Miss America diễn ra năm 1921. Gần ba thập niên sau, người đẹp khắp năm châu được quy tụ tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới lần đầu được tổ chức vào năm 1951 tại Vương quốc Anh.
Kể từ đó, các cuộc thi nhan sắc dành cho nữ giới liên tiếp ra đời như Hoa hậu Hoàn vũ/Miss Universe (1952), Hoa hậu Quốc tế/Miss International (1960), Hoa hậu Trái Đất (2001), Nữ hoàng Du lịch Quốc tế (2004)… Điều này cho thấy loài người luôn tôn trọng vẻ đẹp kiều diễm của chị em - những bông hoa Thượng đế dành tặng cho nhân loại.
Phái nữ nô nức với các cuộc thi nhan sắc từ đầu những năm 20 của thế kỷ XX.
Phái mạnh ngược lại khi hơn 6 thập niên sau họ mới được khoe nhan sắc.
Tuy nhiên, mãi đến năm 1987 một cuộc thi “nhan sắc” quốc tế dành cho phái mạnh mới được tổ chức lần đầu tiên với tên gọi Manhunt International nhưng chỉ gói gọn trong phạm vi đảo quốc Singapore. Năm 1993, các chàng trai trên khắp thế giới mới được khoe hình thể, ngoại hình cũng như trí tuệ tại một cuộc thi nhan sắc phái mạnh đầu tiên. Tiếp sau đó là cuộc thi là cuộc thi Hoa vương Thế giới/Mister World hay Mr.World lần đầu được tổ chức năm 1996 và cuối cùng là Nam vương Quốc tế/Mister International lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2006.
Người ta tự hỏi, đàn ông thì cần gì đến nhan sắc hay trình diễn gì tại những cuộc thi vốn dành cho nữ giới? Thế nhưng thời cuộc đã khác. Khi phụ nữ đòi quyền bình đẳng thì đàn ông cũng có quyền làm đẹp, đeo trang sức, đến spa... để tỏ ra không thua chị kém em.
Vẻ đẹp nam nữ đều được tôn trọng và chào đón như nhau.
Chị em có vẻ đẹp của người phụ nữ, nam giới cũng có vẻ đẹp của đàn ông, điều này là không thể phủ nhận. Vậy hà cớ gì vẻ đẹp phái mạnh không được tôn vinh? Điều này là hoàn toàn hẳn nhiên và đã được thế giới công nhận. Và vì vậy, cái đẹp của hai giới cũng nên được người đời và xã hội tôn trọng ngang nhau.
Thế nhưng điều này dường như đang được nhìn nhận một cách “kỳ thị” ở Việt Nam. Cụ thể và gần đây nhất là vụ “trai đẹp bị trục xuất” Omar đến từ Ả Rập và anh em sinh ba họ Lưu đến Việt Nam cho một sự kiện từ thiện Kết nối ước mơ diễn ra tại TP.HCM hôm 13/9.
Bốn trai đẹp xuất hiện tại Việt Nam.
Bỏ qua khâu tổ chức và quảng bá của BTC chương trình cũng như những “tai tiếng” của Omar và 3 anh em họ Lưu phía dưới sân khấu, nhiều ý kiến cho rằng ngoài đẹp mã, sự xuất hiện của họ chẳng ý nghĩa gì. Vậy các hoa hậu, người đẹp, chân dài… xuất hiện tại các sự kiện lớn nhỏ liệu có khác gì với Omar và anh em họ Lưu?
Những người khách quan thì cho rằng vẻ đẹp cũng là một tài năng. “Tài năng” của các trai đẹp chính là vẻ đẹp của họ. Chớ vội trách họ không có gì, nếu không chẳng khác gì trách các cô người mẫu cũng không có gì nhưng vẫn nổi bật tại các sự kiện và đắt “sô”.
Người ta lấy dẫn chứng Omar chỉ là một anh chàng người mẫu nghiệp dư với mác diễn viên nhưng chỉ kịp đóng một bộ phim ngắn không tên tuổi. Ba anh em họ Lưu cũng đi lên từ việc làm người mẫu nghiệp dư cho các hãng thời trang, dụng cụ thể thao, từng góp mặt trong các MV ca nhạc của các ca sĩ không có tiếng. Bộ phim nổi đình nổi đám nhất mà 3 chàng trai có được là “bom tấn” Hollywood Pacific Rim/Siêu thế chiến mới công chiếu gần đây nhưng vai diễn của họ được cho là vai phụ của phụ.
"Trai đẹp bị trục xuất" Omar tại Việt Nam.
Anh em họ Lưu và người đẹp Việt.
Thực tế đó là sự thật không có gì phải bàn cãi nhưng điều đó không phải lý do chính khiến họ được mời đến Việt Nam. Công bằng mà nói, những người mẫu, chân dài cũng chỉ dừng lại ở danh hiệu mà họ có. Mấy ai nổi lên với phim ảnh, ca nhạc… Bốn trai đẹp có ngoại hình, nổi lên cũng nhờ ngoại hình và truyền thông đưa họ lên. Chính khán giả Việt Nam cũng từng xôn xao đến “phát sốt” bởi cái sự “quá đẹp” của họ qua ảnh, qua phim. Chính công chúng đã tác động đến việc mời họ sang Việt Nam rồi lại lên tiếng BTC coi thường khán giả?! Mọi người không ngớt lời chỉ trích đổ tội lẫn chê bai bốn anh chàng vì “tội” chỉ có mỗi cái đẹp.
Trong khi vẻ đẹp phái mạnh đang lên ngôi và được công nhận cũng như tôn vinh, họ đáng được chào đón thay vì lên án. Có trách là sự thiếu sót trong dàn dựng và kịch bản của phía tổ chức chương trình khiến sự có mặt của bốn trai đẹp trở nên vô nghĩa và bị cho là nhạt nhẽo, vô vị. Chỉ tội bốn mỹ nam ra về với những lời ong tiếng ve không mấy tốt đẹp.