“Thời hậu chiến” ca sĩ trẻ
Bài toán “đất diễn” và cơ hội cho các bạn trẻ sau bất kì cuộc thi nào vẫn luôn được quan tâm. Đó không chỉ là câu chuyện riêng của từng cá nhân mà phản ánh thực tế về các hoạt động âm nhạc có đang thực sự là mảnh đất màu mỡ cho tài năng trẻ?
Nếu như trước đây, hàng loạt các công ty giải trí ra đời, thành công không chỉ ở việc giúp ca sĩ sản xuất, phát hành album mà còn cạnh tranh giành ca sĩ độc quyền. Khoảng thời gian 2008 đến 2011, các công ty giải trí tạo ra nhiều cơ hội cạnh tranh hơn và ít nhiều tạo động lực cho thị trường âm nhạc phân nhánh rõ ràng.
Những cái tên như Music Faces, Music Box, Nhạc xanh, We Pro, Nguyễn Pro... đã đồng loạt ra quân tạo nên cơ hội chọn lựa cho các thí sinh bước ra từ các cuộc thi âm nhạc. Hay chính công ty Music Box cũng từng tự tổ chức nhiều cuộc thi lớn nhỏ để tuyển chọn ca sĩ độc quyền. Đây có thể xem là đầu ra ý nghĩa cho nhiều gương mặt mới.
Thanh Thảo - Thúy Vinh thời Music box đã góp phần tạo cơ hội cho nhiều ca sĩ trẻ
Bẵng đi một thời gian, các công ty độc quyền ca sĩ dần dần thu hẹp và đến hôm nay dần mắt hẳn trên thị trường. Họ hầu như ít còn có một tác động nào rõ nét đến định hướng phát triển của ca sĩ trẻ. Thay vào đó, nhiều thí sinh tự bơi, tự làm album và xin giấy phép phát hành thông qua một hãng sản xuất băng đĩa, công ty giải trí... là hiện trạng hôm nay.
Câu hỏi, sau cuộc thi, các thí sinh có được hỗ trợ gì không, có nhiều chương trình để các em có thể phát huy khả năng không... luôn đặt ra ở nhiều mức độ khác nhau. Hình thức hợp tác giữa Music Faces và Vietnam Idol cho đến hôm nay coi như đã khép lại một hình thức đi tìm kiếm ca sĩ độc quyền, hay hợp tác trong các hợp đồng âm nhạc.
Hiện tại, với tình hình chung, ca sĩ trẻ đang thiếu đi một cách làm việc khép kín và công nghệ như vậy. Nếu ở các cuộc thi của truyền hình, thì may ra các thí sinh còn có cơ hội tham gia vào những chương trình ca nhạc được thực hiện trên sóng. Còn xa hơn, đa phần các bạn trẻ, ngay cả người giữ ngôi vị quán quân cũng phải vào guồng máy chạy đua show mới mong tồn tại được trong làng nhạc hiện nay.
Thực tế cho thấy, việc giành ngôi quán quân trong một cuộc thi ca hát chỉ là sự mở đầu. Không phải ai bước ra với ngôi vị cao nhất tại các cuộc thi hẳn đã thành công. Những trường hợp thành công và còn giữ được sức nóng như Thu Minh, Tùng Dương, Uyên Linh, … không phải là nhiều. Dù có nhiều đất diễn nhưng để trưởng thành và khẳng định trong môi trường showbiz những quán quân ấy cũng phải “vật lộn” không ít.
Uyên Linh - Tùng Dương những quán quân thành công tại các cuộc thi âm nhạc
Với cách thức hoạt động hiện nay, đa phần ca sĩ trẻ đều cho rằng họ cảm thấy được thoải mái lựa chọn, làm album theo ý thích và tự do sáng tạo. Nhưng tính bất cập chính là liệu con đường ấy sẽ đưa ca sĩ trẻ đi được bao xa? Trong khi, các công ty giải trí ít nhiều sẽ tìm ra ca sĩ theo chiến lược, đón đầu và phân tích thị trường thật sự, khi đó, ca sĩ mới trở thành một nghề làm ra nhiều giá trị lợi nhuận hơn là cát sê cho bản thân ca sĩ ấy.
Trên phương diện này hoàn toàn có thể giải mã lí do vì sao mô hình các ca sĩ tại Hàn Quốc đã thành công vang dội. Không chỉ được đầu tư rất bài bản từ chuyện thanh nhạc, vũ đạo, trang phục, phong cách biểu diễn… mà phải đến khi thực sự chín họ mới được tung ra thị trường. Việc của họ chính là luyện tập và biểu diễn thật ấn tượng trên sân khấu còn mọi khâu hậu kỳ đều đã có các công ty quản lý thực hiện. Nhờ đó làn sóng và trào lưu Hàn Quốc đã có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn châu Á.
Trên một phương diện khác, ở những cuộc thi như Tiếng hát mãi xanh, Tiếng hát truyền hình, ban tổ chức đã tận dụng tối đa cơ hội lên sóng cho các thí sinh sau cuộc thi. Họ tạo ra chương trình Câu lạc bộ Tiếng hát truyền hình, hay các chương trình Còn mãi với thời gian... được dàn dựng nhiều chủ đề dành cho các ca sĩ “lớn tuổi” bước ra từ Tiếng hát mãi xanh. Đó là nỗ lực rất rõ để làm sao không hoài phí những gương mặt mới mặc dù có thể họ không “hot” trên phương diện truyền thông.
Riêng với Giọng hát Việt, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là người cho thấy anh là nhân tố tích cực trong việc thúc đẩy các bạn trẻ sau cuộc thi bước ra sân khấu chuyên nghiệp. Dù chỉ với tư cách cá nhân nhưng chính Đàm Vĩnh Hưng đã tạo thêm cơ hội cho các em cả trong và sau cuộc thi. Hiếm có đội chơi nào mà các thí sinh được lên các sân khấu lớn nhỏ nhiều như Mr Đàm.
Mr Đàm - người góp phần tạo cơ hội cho các ca sĩ trẻ bước lên các sân khấu lớn
Không ít lần thu hút thí sinh về đội của mình, huấn luyện viên Đàm Vĩnh Hưng đề cập đến vấn đề rất thực tế là show diễn. Anh cho thí sinh thấy mình có khả năng tạo đất sống cho các em sau khi cuộc thi kết thúc. Mặc dù đó có thể gói gọn trong các chương trình có sự xuất hiện của Đàm Vĩnh Hưng hay Công ty Tiếng hát Việt tổ chức nhưng nó phản ánh rất thực tế mong muốn, nhu cầu thực sự của các thí sinh.
Nếu đoạt giải và chỉ để ngắm nhìn, không có cơ hội để hát và trau dồi, cọ xát với nghề thì ca sĩ đó sớm mai một tài năng của chính mình. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đánh vào tâm lý thực tế hiện nay, ca sĩ nhiều, có nhiều định hướng khác nhau nhưng vẫn cần khán giả, show diễn để tồn tại. Bằng chứng là, với hoạt động tích cực của mình, huấn luyện viên Đàm Vĩnh Hưng tạo ra nhiều cơ hội cho Đồng Lan, Phan Ngọc Luân, Xuân Nghi... đến gần hơn với khán giả. Tất nhiên, để thành công bản thân họ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn và biết cách nắm bắt những cơ hội đó.
Đầu ra cho ca sĩ trẻ phản ánh năng lực hoạt động hiệu quả của thị trường âm nhạc hiện nay. Thực tế cho thấy cơ hội đang không phải là nhiều trong khi số lượng ca sĩ trẻ chen chân quá đông trong môi trường hiện tại. Trong khi các công ty giải trí không còn tha thiết độc quyền ca sĩ trẻ, thì nay họ càng khó khăn hơn để giành lấy một thị phần và định hướng rõ ràng.
Tiếng hát truyền hình dù it hot nhưng đã tạo nhiều cơ hội cho các ca sĩ trẻ đến gần hơn với công chúng
Nhìn vào những nước có công nghiệp giải trí phát triển mới thấy thương cho nhiều ca sĩ trẻ hiện nay, bởi họ không có được cơ hội để làm việc trong các công ty giải trí chuyên nghiệp cả về chuyên môn âm nhạc lẫn góc nhìn kinh tế. Ca sĩ trẻ vẫn thiếu cơ hội để được làm chuyên nghiệp.