Thần tượng và “tượng thần”!
Từ thuở bé, ai cũng có một “thần tượng” bí mật cho riêng mình. Và sao Việt cũng không ngoại lệ. Họ tôn thờ thần tượng, có khi bị ảnh hưởng nhưng rồi có lúc hạ bệ thần tượng của mình không thương tiếc. Đó là những chuyện bi hài xung quanh “thần tượng”.
“Thần tượng” thời xưa và thời nay cũng rất khác. Đó là điều không thể phủ nhận. Nếu những ai thuộc về thế hệ 8X trở về trước chắc chắn sẽ hình dung rất rõ quá trình tạo dựng một thần tượng của mình như thế nào. Phương tiện truyền thông ít, mạng internet chưa phát triển như bây giờ và công nghệ lăng xê thần tượng cũng chưa rầm rộ tới mức có thần tượng một cách dễ dãi và nhiều như hôm nay.
Hương Tràm - thần tượng mới của giới trẻ sau khi làm nên hiện tượng tại The Voice
Đặc biệt, trong giới ca sĩ, thần tượng đã được xây dựng muôn hình vạn trạng, có khi tự nhận mình là thần tượng rồi áp vào một nhóm đối tượng fans cuồng nhất định. Đó có phải là thần tượng không? Nhưng, đôi khi, sân khấu có những kiểu thần tượng như thế lại nhiều màu sắc hơn.
Trước hồi chuông cảnh báo về sự dễ dãi nghe nhạc của nhiều bạn trẻ, thu nạp mọi hình ảnh, chọn thần tượng không cần suy xét và hơi có thiên hướng thực dụng, vẻ đẹp trong nội hạm từ “thần tượng” dần dần bị mất đi. Thay vào đó là những “tượng thần” được nhào nặn như có phép màu thu hút các bạn trẻ.
Một cô gái chưa qua tuổi đôi mươi đã sớm trở thành giọng hát tuyệt vời nhất của Việt Nam, nhưng có ai biết nhiều hơn về một truyền thống gia đình có bề dày về thân thế. Con một nhà nhiều tiền nghiễm nhiên ngồi vào vị trí quán quân cuộc thi âm nhạc mặc kệ bao nhiêu tranh luận về mua tin nhắn... Thần tượng bây giờ là vậy, một số ca sĩ tự thấy mình là thần tượng rồi tự nhào nặn mình thành “tượng thần” không có “linh hồn”.
Cũng vui cho đời sống showbiz vốn quá nhiều cái cau mày vì tranh giành nhau vị trí, đẳng cấp, giải thưởng khi nhiều cuộc cãi vã giữa các thần tượng với nhau. Một thời ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tự nhận ca sĩ Thanh Lam là thần tượng của anh khi chưa nổi tiếng, có lúc anh đã bị ảnh hưởng bởi cách hát của chị.
Thanh Lam cũng từng là thần tượng nhưng giờ đã khác
Rồi Mr Đàm cùng thần tượng Thanh Lam thực hiện album ghi dấu ấn trong lòng khán giả. Hai thần tượng thắm thiết chưa bao lâu thì bất ngờ, đàn chị thần tượng Thanh Lam đưa ra nhận xét về Đàm Vĩnh Hưng trong cuộc thi Giọng hát Việt mùa đầu tiên. Thế là hai thần tượng trở thành phe đối nghịch, sự rạn nứt ấy khiến cho khán giả cảm thấy buồn nhiều hơn câu chuyện về người nghệ sỹ.
Hơn thế, từ “thần tượng” đã được lạm dụng quá mức để một số cá nhân đánh bóng chính tên tuổi của họ. Thần tượng của Sao Việt gần như có khắp mọi nơi, thần tượng ngoại hay nội đều có! Mỗi khi có một ngôi sao đình đám nào trên thế giới mất đi, thì Sao Việt lại không ngần ngại chia sẻ nỗi lòng, niềm đam mê thần tượng của họ.
Từ Michael Jackson đến Whitney Houston... chắc cũng không thể nào ngờ ngay tại Việt Nam họ lại có được nhiều thần tượng đến như vậy, mà lại toàn là những tên tuổi đình đám trong làng ca nhạc. Tất nhiên không thể quy chụp tất cả trong số họ chỉ thần tượng theo phong trào vì có những người thần tượng thực sự. Trường hợp của Tùng Dương và Whitney Houston có lẽ là bằng chứng điển hình.
Tùng Dương thực sự ái mộ danh ca da màu lừng danh
Thần tượng bây giờ đã không còn ý nghĩa ban đầu như một giấc mơ hoàn hảo cho lớp trẻ. Ngày nay, chính thần tượng của họ phơi bày hết những mặt trái của đời sống showbiz với biết bao nhiêu cạm bẫy, mảng màu tối thực sự kinh khủng. Chỉ vì một câu nói có thể trở mặt, và giá trị thực dụng làm thay đổi hình ảnh người nghệ sỹ đáng thương trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay.
Thời nào cũng có nhiều thay đổi, biến chuyển để thích nghi và tồn tại. Chúng ta không có quyền đòi hỏi hình ảnh người thầy mãi là người thầy nghèo giản dị, hay nghệ sỹ cũng chỉ là “phận tơ tằm” như một bài hát... Nghệ sỹ bây giờ và thần tượng đã khác. Họ có nhiều khía cạnh để quan tâm và khán giả trẻ có nhiều lựa chọn hơn chỉ là tài năng.
Khi mọi phương thức giao tiếp và đón nhận thông tin của công chúng và nghệ sỹ tăng lên, luôn thể hiện tính hai mặt của nó. Các ca sĩ đua nhau đưa ngồn ngộn thông tin đến khán giả của mình. Bằng mọi hình thức, nội dung khác nhau từ trên sân khấu, trong nhà, ngoài đường... có khi đến tận giường ngủ... chưa bao giờ, khán giả trẻ có thể hiểu thần tượng của mình rõ ràng đến như vậy.
Hệ lụy từ việc quá cuồng thần tượng Hàn Quốc
Kéo theo đó, vẫn là những mặt trái chực chờ khiến cho hình ảnh thần tượng phai nhạt, công chúng không còn nhìn ngắm tài năng của họ tỏa sáng trên sân khấu mà nghe thần tượng nói nhiều hơn làm, cơn lốc hàng hiệu làm nên đẳng cấp trở thành trào lưu. Ca sĩ nào đi xe hàng tỷ thì mới có cơ may được chú ý, những món hàng trăm triệu rồi một vài tỷ, người yêu thuộc hàng danh gia vọng tộc... mới có cơ hội sống sót và trở thành thần tượng hôm nay?
Vậy thì tài năng, sản phẩm của lao động, sự sáng tạo nghệ thuật được xếp ở đâu khi giới trẻ tìm cho mình một thần tượng trong thời điểm hiện tại? Hay đó cũng chỉ là một thứ xa xỉ hoặc quá rẻ mạt tới mức hình tượng nghệ sỹ mới, công chúng mới đã quay lưng thay vào đó là trang sức, xe, nhà, scandal và đại gia?