Sửng sốt giá quảng cáo ngút trời The Voice TQ
Tối ngày 12/9, sự kiện đấu thầu quảng cáo chương trình The Voice of China (Trung Quốc hảo thanh âm) mùa thứ 2 năm 2013 của đài vệ tinh Chiết Giang đã diễn ra tại Hàng Châu với sự cạnh tranh khốc liệt giữa 29 nhà quảng cáo.
Với giá khởi điểm cho 15 giây quảng cáo là 1 triệu NDT (3,4 tỷ đồng), con số cuối cùng đã đạt mức 3,8 triệu NDT (13 tỷ đồng), cao gấp 3 lần so với giá quảng cáo cao nhất của đêm chung kết mùa thứ nhất diễn ra năm 2012. Đồng thời nó đã chính thức lập kỷ lục về giá quảng cáo của tất cả các đài truyền hình vệ tinh từng lập được trước đó.
The Voice Trung Quốc mùa 2 lập kỷ lục quảng cáo với mức giá 13 tỷ đồng cho quảng cáo 15 giây.
Ban tổ chức The Voice đã công bố 10 hạng mục quảng cáo có độ dài 15 giây, được chia thành hai nhóm: Nhóm chiếu trong thời gian 1,5 phút trước khi diễn ra phần trình diễn của hai thí sinh vòng quyết đấu và nhóm chiếu trong thời gian 1 phút trước khi công bố kết quả thí sinh giành giải quán quân.
Trong đó, 15 giây quảng cáo của sản phẩm từ nhà thầu trả mức giá 3,8 triệu tệ sẽ được phát sóng ngay sau khi công bố thí sinh giành chiến thắng, tiếp sau đó là các nhà thầu trả mức giá 3,68 triệu, 3,36 triệu và 3,17 triệu NDT. Trong 1 phút vàng ngọc này, bình quân giá trị mỗi 15 giây quảng cáo là 3,5 triệu tệ (11,9 tỷ đồng).
Với 10 đoạn quảng cáo có thời lượng 15 giây, giá thấp nhất là 2,6 triệu NDT (8,9 tỷ đồng), trong khi 9 đoạn quảng cáo còn lại đều có giá trên 3 triệu NDT.
Theo tiết lộ của nhân viên có mặt tại sự kiện, cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà đầu tư quảng cáo khiến không khí sự kiện buổi đấu thầu trở nên nóng hơn bao giờ hết. Từ mức giá khởi điểm là 1 triệu tệ cho mỗi 15 giây quảng cáo cho đến mức giá cuối cùng 3,8 triệu tệ, giá trị tăng vùn vụt cho đến khi vượt qua 3 triệu tệ.
Bộ tứ HLV của The Voice mùa 2 đồng thời là những ca sĩ nổi tiếng cũng là yếu tố thu hút của chương trình năm nay. Từ trái qua: Dữ Trừng Khánh, Na Anh, Uông Phong và Trương Huệ Muội.
Đặc biệt khi đến con số 3,5 triệu tệ, các nhà thầu đã thận trọng hơn. Cuối cùng, mức giá 3,8 triệu tệ đã kết thúc buổi đấu thầu. Duy còn lại hai nhà quảng cáo có đồng mức giá 3,45 triệu tệ tiếp tục tranh giành nhau 15 giây tiếp theo và kết quả nhà thầu trả mức giá 3,68 triệu tệ đã cán đích về nhì.
Như vậy, quảng cáo game Fishing Joy của công ty sản xuất game điện thoại di động Chukong Technology đã vươn lên dẫn đầu khi mạnh tay trả giá 3,8 triệu NDT (13 tỷ đồng) - mức giá quảng cáo "khủng" nhất năm 2013.
Được biết, trong tổng cộng 6 nhà thầu lần này, tổng giá trị thầu lên đến hơn 32 triệu NDT, bình quân giá thầu là 3,2 triệu NDT (khoảng 11 tỷ đồng).
Game Fishing Joy sẽ được chiếu vào giờ vàng của The Voice khi bỏ ra 13 tỷ đồng cho 15 giây quảng cáo.
Theo chia sẻ của ông Tào Chí Cao, đến từ dịch vụ truyền hình Star TV cho biết, việc công bố minh bạch kết quả từ buổi đấu thầu cho thấy hoạt động thương mại trong sạch và thuần túy, không hề ẩn chứa bấy kỳ một chiêu trò như bất kỳ lĩnh vực nào.
Cũng theo ông Tào, kết quả trên cho thấy The Voice có tỷ suất người xem cao và vươn lên dẫn đầu so với các chương trình cùng thể loại. Nó tạo sức ảnh hưởng và lan tỏa lớn hơn hẳn so với các chương trình cùng thể loại. Hơn nữa, The Voice là chương trình có sức ảnh hưởng vô cùng lớn, có hình ảnh uy tín và tính lan tỏa trong xã hội cao. Do vậy về giá trị quảng cáo của chương trình không chỉ là một buổi đấu thầu quảng cáo đơn thuần mà còn liên quan đến mặt giải trí.
Giá quảng cáo ngút trời của The Voice đã minh chứng một điều, chương trình có chất lượng và đầu tư sẽ có thị trường và thu hút quảng cáo.
Đứng về phía nhà sản xuất chương trình, ông Lục Vỹ, tổng giám đốc truyền thông của The Voice chia sẻ, tỷ suất người xem chính là yếu tố căn bản để thu hút kinh doanh quảng cáo. Những sản phẩm chính hãng và chất lượng cao mới mang lại những quảng cáo có giá trị, sức ảnh hưởng và được xem trọng nhất.
Ông Lục Vỹ nhấn mạnh, giá trị quảng cáo mà The Voice thu được chỉ là yếu tố thứ cấp, quan trọng nhất là chứng minh được thị trường đang ngày một tiến bộ. Chỉ có những chương trình có chất lượng mới giành được sự ủng hộ của khán giả và chiếm lĩnh thị trường. Sản xuất ra những chương trình chất lượng cao đang trở thành xu hướng trong thị trường của các đài truyền hình ngày nay.