Quốc Trung: The Voice hào nhoáng và tính toán
Tôi nghĩ rất đơn giản thôi, Thần tượng Việt Nam hồn nhiên và bản năng còn Giọng hát Việt thì hào nhoáng và tính toán - nhạc sỹ Quốc Trung nói.
Ngày trước, để phỏng vấn được nhạc sỹ Quốc Trung đúng là một điều khó khăn thực sự đối với phóng viên văn nghệ. Sự "lười nhác và cẩn thận" nổi không kém danh tiếng của vị nhạc sỹ này luôn là một rào cản khá lớn, để anh bước lên mặt báo dù thiện cảm của đại đa phần cánh phóng viên dành cho anh là điều cảm nhận được. Vậy nhưng, mọi thứ giờ đây cũng đã thay đổi.
Quốc Trung chịu khó xuất hiện hơn trên các phương tiện truyền thông, nói về những điều liên quan nhiều đến nghề nghiệp hơn là với cuộc hôn nhân đã qua với diva Thanh Lam. Mỗi bài báo là một câu chuyện với cách trả lời thông minh, hóm hỉnh và cũng rất văn minh của khách mời khiến hình ảnh của vị nhạc sĩ này ngày càng gần gũi, thân thiện hơn nhưng cũng chưa từng suồng sã với một khoảng cách nhất định. Đó chính là giá trị làm nên một người nghệ sĩ với tài năng trong cả công việc lẫn ứng xử điều mà buồn thay, rất ít nghệ sĩ Việt có được.
Tôi hứng thú với sân chơi mới này
Chúng ta hãy bắt đầu cuộc trò chuyện bằng đề tài nóng hổi trên mặt báo trong thời gian này, đó là cuộc thi Giọng hát Việt - The Voice. Lần đầu tiên ngồi ở cương vị một người truyền tải kinh nghiệm cho thế hệ đàn em với nhiều sự kì vọng lẫn ngờ vực thì điều anh trông đợi nhất khi quyết định ngồi ghế huấn luận viên The Voice?
Mục tiêu lớn nhất của tôi là giới thiệu được tới khán giả những gương mặt mới với những cá tính riêng và phong cách âm nhạc mới. Tất nhiên, tôi cũng đánh giá cao những thí sinh có thẩm mỹ âm nhạc tốt bởi với tôi điều đó là quan trọng nhất và là một trong những điều quan trọng sẽ góp phần quyết định sự nghiệp sau này của bạn thí sinh đó.
Công việc của một huấn luyện viên đương nhiên là khác với công việc của một giám khảo, đặc biệt khi hai chương trình có cơ cấu tổ chức khác nhau như Thần tượng Việt Nam và Giọng hát Việt. Anh đã tưởng tượng ra khó khăn lớn nhất của mình khi ngồi ghế huấn luyện viên là gì chưa và anh sẽ giải quyết nó như thế nào?
Tôi nghĩ điều quan trọng là làm sao khán giả đón nhận những cái mới mà tôi và các thí sinh mang tới. Tôi sẽ không đi theo lối cũ mà khán giả vẫn thường thấy trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Tôi cho rằng điều quan trong là làm sao ngoài việc làm mới ra các tiết mục để khán gián giả bị hấp dẫn và cảm nhận được trong điều kiện thời gian có hạn.
Chúng ta sẽ không nói về sự khác biệt về vỏ bề ngoài của hai chương trình mà hãy nói về sự khác biệt của nội dung bên trong hai cuộc thi, thông qua cái nhìn của một người duy nhất từng tham gia cả hai cuộc thi với "vị trí tối thượng" như anh! Theo anh sự khác biệt lớn giữa hai cuộc thi này là gì?
Tôi nghĩ rất đơn giản thôi, Thần tượng Việt Nam hồn nhiên và bản năng còn Giọng hát Việt thì hào nhoáng và tính toán.
Việc anh chịu ngồi ghế huấn luyện viên của Giọng hát Việt là một bất ngờ lớn, có cảm giác là anh đã thỏa hiệp hơn với những biến động của showbiz Việt, điều mà trước đó anh không mấy hứng thú, xếp mình ở một nơi chốn riêng với sự cực đoan của một người làm "nghệ thuật vì nghệ thuật", anh thấy nhận định này của tôi có sai?
Chẳng riêng tôi mà sẽ có rất nhiều người muốn và đồng ý ngồi vào ghế đó. Có chăng là họ chưa đủ dũng cảm hoặc chưa thuyết phục được nhà sản xuất. Còn với riêng mình, tôi cũng xin nói thẳng luôn là nếu không hứng thú tôi đã không làm.
Hay bởi vì gánh nặng của việc kinh tế (nhạc sỹ Quốc Trung cũng đồng thời là Giám đốc Công ty Thanh Việt - đơn vị chuyên tổ chức các đêm nhạc, ví dụ như "Cầm tay mùa hè " - PV) nên mọi chuyện cần phải "nhẹ nhàng" và bớt cực đoan hơn?
Tôi vẫn còn nhiều lựa chọn dù chưa biết là cái nào "nhẹ nhàng" hơn. Tổ chức sản xuất các show như "Cầm tay mùa hè" có vẻ "sang chảnh", có giá về nghệ thuật hơn những lại rủi ro hơn về kinh doanh. Tuy nhiên đi làm giám đốc âm nhạc cho các chương trình thì cũng nhẹ nhàng và an toàn hơn. Cực đoan với tôi không phải là quay mặt đi mà là đối diện và làm cho nó tích cực hơn. Nếu thấy khó hoặc nhiều vấn đề mà bỏ đi thì còn kém hơn, cho dù ngồi vào chưa biết có thay đổi được gì không.
Nhạc sỹ Quốc Trung
Đừng quá kỳ vọng sẽ tìm được một Uyên Linh thứ 2
Sau rất nhiều mùa thi thì Thần tượng Việt Nam mà có một hiện tượng như Uyên Linh. Ngay cả quán quân của mùa đầu của Giọng hát Việt là Hương Tràm, cũng không tạo được ấn tượng mạnh và sâu rộng như Uyên Linh đã từng có. Anh có mong muốn với vai trò của một huấn luyện viên, anh sẽ tìm ra được một hiện tượng tương tự như Uyên Linh?
Khán giả cứ đòi hỏi chứ ngay với Thần tượng Việt Nam cũng sẽ khó mà có được hiện tượng như vậy. Đừng cứ đòi hỏi phải có hiện tượng nếu thay vì chỉ một hiện tượng mà có một lứa nghệ sỹ trẻ có tiềm năng, văn minh và đồng đều thì đóng góp sẽ nhiều và tốt hơn cho đời sống âm nhạc nước nhà.
Nhân nói về Uyên Linh, rõ ràng là anh đang sửa soạn cho cô gái này con đường trở thành một diva bởi hầu như tất cả các chương trình lớn đều có mặt Uyên Linh. Bên cạnh đó, cô cũng là ca sĩ trẻ gần như duy nhất đều đặn được song ca cùng các diva, nhận định này có sai không, thưa anh?
Uyên Linh giờ đây đã tự đi trên con đường của mình và tôi cũng không phải là người soạn kế hoạch hay đường đi cho cô ấy nữa. Ngay cả khi làm việc đó thì tôi cũng không hướng cô ấy để trở thành một diva. Điều bạn nhìn và đưa ra nhận định như trên cho thấy cô ấy đã và đang có chỗ đứng riêng trong đời sống nhạc Việt.
Anh nói anh đã hết hứng với Thần tượng Việt Nam, nghe có vẻ phũ phàng nhỉ! Cho dù đó có là sự thật thì việc nói ra như vậy nghe cũng rất bạc tình bạc nghĩa, với chương trình ít nhiều đã mang anh đến gần hơn với công chúng?
Tôi nói không còn tìm được cảm hứng với Thần tượng Việt Nam là do từ phía tôi chứ đừng suy diễn là tôi chán chương trình hay nhà sản xuất. Họ vẫn là những người bạn và những đồng nghiệp hết sức thân thiết của tôi. Tôi muốn làm chuyên môn và đóng góp cho các ban trẻ nhiều hơn thay vì chỉ ngồi "chém gió". Tôi vẫn luôn sẵn sàng quay lại bất kỳ lúc nào có thể với nhiệm vụ khác hay chương trình khác của họ. Cuộc thi đó cũng cần và sẽ tìm được người mới, đôi khi tôi nghĩ, việc tôi rất có lợi cho chương trình nhiều hơn.
Rock là tương lai của nhạc Việt
Những ngày tháng tư này đang sục sôi bởi giải thưởng âm nhạc được bầu bởi các nhà báo văn hóa văn nghệ có tên Cống hiến. Tuy nhiên, có một điều lạ tại giải Cống hiến là sau rất nhiều mùa mới có tên anh và điều đó làm nhiều người làm nghề bất ngờ trong khi anh có vẻ khá thờ ơ nhỉ! Anh không tin vào giá trị các giải thưởng cho dù đó là giải thưởng uy tín nhất hiện nay?
Thú thực, tôi không coi thường nhưng cũng không thích giải thưởng. Tôi không có duyên với các cuộc đua dành cho cá nhân. Nói thật, tôi thừa tiêu chuẩn để xin NSƯT từ hơn mười lăm năm nay những tôi muốn mọi người nhớ đến là nhạc sỹ Quốc Trung với các tác phẩm hơn. Với tôi giải thưởng này (nếu có) chỉ là minh chứng cho một giải thưởng vô hình khác mà hiếm có nghệ sỹ có được đó là sự quý mến của các nhà báo dành cho tôi trong hơn 20 năm qua.
Cũng trong khuôn khổ giải Cống hiến, trong một bài báo gần đây, Anh có nói rằng anh bỏ phiếu cho Rockstorm, anh có thể giải thích lí do vì sao không thưa anh? Hay anh nói thế bởi vì anh đang đứng ở vị trí Tổng đạo diễn cho chương trình?
Có nhiều điều để tôi có thể nói thành một một bài phỏng vấn riêng về nó. Chúng ta vẫn đang quan tâm nhiều đến những thứ hào nhoáng được cho là sang trọng và hoành tráng mà quên đi những giá trị chân thực. Mọi con số thống kê đã cho thấy Rockstorm vượt xa tất cả những ứng viên cộng lại về tiêu chí cống hiến. Còn về giá trị nghệ thuật và những đóng góp cho đời sống nhạc Việt thì tôi tin là trong thời gian không lâu bạn sẽ nhìn thấy điều đó. Rockstorm nói riêng hay rock Việt nói chung sẽ có tiếng nói và chỗ đứng trong đời sống nhạc Việt bởi họ có điều quan trọng nhất là thanh niên, là khán giả trẻ tương lai.
Làm show nhạc rock tại Việt Nam thường khó thành công, ít nhất về mặt truyền thông, có vẻ như rocker cực đoan và không cần phải quảng bá nhiều. Anh có hi vọng rằng với vai trò đạo diễn chương trình anh sẽ thay đổi được thiện cảm của đám đông dành cho rocker?
Mặc cảm của rocker cũng như truyền thông về rock đã làm cho họ không muốn nói nhiều đến những đám đông "gào thét điên cuồng". Tôi đã may mắn được dự những Festival nhạc rock nên việc đầu tiên tôi làm khi tham gia là xóa bỏ dần những mặc cảm và định kiến đó. Bạn sẽ chẳng bao giờ đánh giá đúng hay hiểu về điều gì khi chỉ e dè đứng nhìn từ xa mà phán xét. Chỉ cần một lần đến với Rockstorm bạn sẽ hiểu được tại sao nhiều bạn trẻ lại yêu và chờ mong nó đến vậy. Đó cũng là cách ứng xử và sợi dây liên lạc tới lớp trẻ tương lai của Việt Nam.