Quẩn quanh với những giá trị "ảo"
Đứng sau mọi “phù phép” để thay đổi thang giá trị, hay biến những điều không thể thành có thể trong làng giải trí là ai? Người nào sẽ là người giữ “luật chơi” cuối cùng để tất cả các phải tuân theo kể cả “bàn tay ma thuật” lẫn người nghệ sỹ?
Sự mờ ám của các chương trình truyền hình thực tế khiến nhiều người từ nghi ngờ dần nhận ra chân dung của những "bàn tay ma thuật" đứng sau các giải thưởng. Giống như chiếc kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, giấy mỏng không gói được than hồng những khuất tất này ngày càng rõ ràng hơn. Loạt bài viết "Bàn tay ma thuật làng giải trí" sẽ gợi mở nhiều tình tiết thú vị. |
Từng bước đi vào làng giải trí mới thấy, có tài năng thôi chưa đủ, tiền đôi khi cũng rất cần để làm điều gì đó mà tài năng của bạn không thể “đáp ứng” được. Không phải mọi cuộc thi, chương trình giải trí, công nghệ lăng xê hiện nay đều có dính dáng đến vấn đề tài chính nhưng chính cuộc khủng hoảng về kinh tế mấy năm qua đã tác động lên bộ mặt giải trí lẫn định dạng về khán giả cũng khác đi rất nhiều.
Anh Thư vào chung kết Bước nhảy hoàn vũ 2013 từng gây nhiều tranh cãi
Rõ ràng, đang có một quy luật hiện hữu rất rõ trong các chương trình, gameshow, cuộc thi chính là nhà tài trợ. Nói đơn giản chính là những nhà kinh doanh có kinh phí đứng ra hỗ trợ một phần kinh phí để sản xuất một chương trình đưa đến khán giả.
Đương nhiên, trong “trò ảo” của những sân chơi đầy tính nghệ thuật, khán giả sẽ không cần biết lợi nhuận chia ra sao, bao nhiêu % trong tổng số kinh phí để sản xuất sẽ được hỗ trợ như thế nào... Thêm vào đó, chuyện “gà” của các thương hiệu này đã ngầm được chọn ngay từ đầu và dẫn dắt cuộc thi đi theo hướng họ mong muốn cũng không phải quá xa lạ.
Không khó để tìm những cái tên lớn xuất hiện trong các chương trình truyền hình hiện nay, kèm theo là slogan mang tính thương hiệu rất rõ nét. Và tìm kiếm một giải thưởng tương ứng với nhà tài trợ là điều không tránh khỏi thậm chí ngày càng phổ biến tại các show truyền hình. Và vô hình chung, luật chơi của nhiều chương trình hiện tại đang cho thấy luôn có một giải thưởng hoặc mang tính “cứu tinh” hoặc mang tính “xoa dịu” đối với các thí sinh không thể vươn lên ngôi vị cao nhất.
Vậy còn yếu tố nào quy định ra những thay đổi về mặt giải thưởng, hay sự định đoạt trước kết quả? Khi ánh đèn sân khấu sáng lên, đã có nhiều áng văn chương cho rằng, nghệ sỹ như “con thiêu thân” lao vào ánh đèn ấy bằng mọi giá. Sự hám danh, nổi tiếng, định vị đẳng cấp... đã khiến cho người nghệ sỹ cùng nhau tạo ra một “luật chơi” đôi khi mơ hồ hơn chính ánh đèn mà họ rất đam mê.
Chiến thắng của Dương Triệu Vũ cũng tương tự
Khán giả vẫn còn tiếc nuối rất nhiều khi cặp đôi Đàm Vĩnh Hưng – Kim Thư không thể đăng quang ở mùa giải Cặp đôi hoàn hảo đầu tiên. Năm nay, học trò “cưng” Dương Triệu Vũ lại đi thi và giành giải quán quân cùng với diễn viên Thanh Thúy. Khán giả sẽ gợn lên điều gì? Phải chăng có một tuyên ngôn chứng minh đẳng cấp nào ở đây không?
Tàn nhẫn, giẫm đạp và lạnh lùng, liệu có phải chỉ có thắng thì mới tồn tại trong showbiz? Những bài học vô cùng quý giá từng cuộc thi Giọng hát Việt đã cho khán giả thấy sự khốc liệt của một cuộc chơi, ở đó mọi “phép thuật” đều có thể sử dụng.
Thí sinh “thân mật” với người trong ban tổ chức, hay tố nhau thông qua những đoạn ghi âm, lạnh lùng thóa mạ nhau khi không hài lòng... vốn dĩ sẽ không có con đường “lui” cho bất kì ai khi tham gia vào cuộc chơi này. Cứ như thế, người nghệ sỹ cứ lao tới, đặc biệt là người trẻ. Họ càng muốn chứng minh thì càng bị sự chi phối bởi ánh hào quang bên ngoài họ tác động. Vô hình chung, lúc này, không có một “bàn tay ma thuật” nào mà chính “ảo giác” về bản thân bóp méo đi vẻ đẹp vốn có của người nghệ sỹ chân chính.
Và có một yếu tố nữa luôn khiến cho các cuộc thi, chương trình truyền hình hiện nay phải làm “trò” chính là khán giả. Nghe tưởng chừng như đầy mâu thuẫn giữa những gì công chúng trông đợi phải công bằng, chính xác thì nay không ai khác đối tượng tiếp nhận này lại chi phối quá nhiều đến kết quả.
Cộng hưởng cùng yếu tố lợi nhuận được sản sinh từ các chương trình truyền hình (tiền quảng cáo) thì lượt view, độ rating phải cao. Vậy thì, nắm điểm yếu của công chúng là sự tò mò, càng “bất công” bao nhiêu thì sẽ càng muốn tìm kiếm sự “công bằng, cứ như thế chiêu “lật ngược” của các cuộc thi hiện nay đã được áp dụng khá thành công. Một “luật chơi” mới tưởng chừng như không thể xảy ra ở các cuộc thi chính là người kém hơn thắng người giỏi hơn đã được áp dụng.
Thí sinh cướp mic nhà báo từng gây xôn xao
Tranh luận nổ ra trên các mặt báo, công chúng quan tâm và đương nhiên kết quả lượt view sẽ rất cao trong các kì phát sóng tiếp theo. Phải chăng, công chúng cũng cần tập quen với cách thức này, và tìm cho mình một tâm lý đón nhận mới, ít ra sẽ không sốc với những cuộc thi được dàn xếp kết quả, hoặc tỉnh táo hơn để đón nhận tài năng mới thật sự.
“Bàn tay ma thuật” giờ đây không thể nhận dạng một cách rõ nét, các yếu tố đan cài với nhau, tác động qua lại tạo nên sức hấp dẫn khôn lường trong giới giải trí. Người nghệ sỹ vốn dĩ đã lung linh và được ông trời cho họ khả năng thiên bẩm, nhưng nếu không được tôi luyện trên sân khấu thực thụ mà chỉ dựa vào những “trò ảo” thì sớm muộn họ sẽ “bốc hơi” như một cuộc vui và chỉ là một “diễn viên” trên sân khấu của “người khác”.
Chính những sự không minh bạch của các show truyền hình thực tế, đặc biệt là các giải thưởng đã gây nên những cuộc khẩu chiến, thậm chí thí sinh không còn nhìn mặt nhau. Hệ lụy đó khiến khán giả mất niềm tin còn nghệ sĩ chính là những người chịu thiệt thòi và tổn thương. Bài viết cuối cùng trong loạt bài Bàn tay ma thuật làng giải trí sẽ làm rõ về những cuộc khẩu chiến này. Đón đọc trên mục CA NHẠC MTV lúc 0h30 ngày 21/5.