Paparazzi và cái giá của sự nổi tiếng
Một tay săn ảnh chuyên nghiệp từng chấp nhận giải nghệ vì thấy mình đã đi quá giới hạn. Trong khi đó, vẫn còn biết bao nhiêu người mơ ước được dấn thân vào cái nghề luôn gắn liền với các ngôi sao, với những câu chuyện thâm cung bí sử. Và cái giá đó, vốn không đơn giản.
Paparazzi đang ngày càng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là lĩnh vực giải trí. Rất nhiều câu chuyện hậu trường nổi tiếng, những bức ảnh kinh điển khiến giới sao rúng động và độc giả được một phen mở rộng tầm mắt. Paparazzi bắt nguồn từ đâu, hình thành phát triển như thế nào, những vụ việc nổi tiếng đặc biệt trong showbiz Việt tất cả đều được giải đáp trong loạt bài: Paparazzi – Lật mở thế giới người nổi tiếng. |
Paparazzi: Nỗi ám ảnh của các ngôi sao
Tháng 7/2012, sự việc nữ diễn viên Kristen Stewart bị chộp một tá những hình ảnh thân mật với vị đạo diễn của Bạch Tuyết và Thợ săn Rupert Sanders khiến các fan điện ảnh trên toàn cầu té ngửa. Sửng sốt hơn khi bộ hình này được ngã giá với con số khoảng 5 tỉ VNĐ. Đây được coi là một chiến tích lẫy lừng của những tay săn ảnh và là niềm ao ước của bất cứ ai trong nghề. Paparazzi giờ đã thành một nghề thịnh hành, là mốt dù lắm mạo hiểm và nhiều thách thức ở Hollywood.
Trong hơn 20 năm qua, khái niệm paparazzi đã trở thành cụm từ quá quen thuộc không chỉ với những người hoạt động trong làng showbiz. Họ là những tay săn ảnh đích thực. Có rất nhiều từ ngữ không thiện cảm đã được dùng để nói về "đối tượng" này. Và với những ngôi sao đó chính là nỗi ám ảnh lớn nhất vì nhất cử nhất động của họ đều lọt vào tầm ngắm của những tay săn ảnh.
Còn bản thân những paparazzi cũng luôn bị ám ảnh với việc phải cung cấp những thông tin, hình ảnh “độc và lạ” về người nổi tiếng. Nhiều tay máy đã tự hỏi, chạy theo lối sống của những người giàu có và nổi tiếng ngoài tiền bạc thì giá trị mà họ nhận được lại là những gì.
Xung quanh hào quang của người nổi tiếng có vô số những người ăn theo
Nếu lấy cột mốc đầu tiên khái niệm paparazzi xuất hiện trong bộ phim năm 1960 La Dolce Vita của đạo diễn Federico Fellini thì bản thân nghề này còn quá non trẻ. Và thực tế, ngay từ khi bắt đầu xuất hiện, nó đã trở thành nỗi ám ảnh của những người trong tầm ngắm bị săn đuổi. Họ sẵn sàng lục tung những thùng rác, nằm dài ở các sân bay, chấp nhận chờ đợi trong những môi trường ngàn cân treo sợi tóc… để đạt mục tiêu cuối cùng: 1 bức ảnh đắt giá.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa những ngôi sao và các tay paparazzi vừa mang tính chất cộng sinh nhưng có khi lại trở thành kẻ thù không đội trời chung bởi những ngôi sao cũng cần có không gian riêng, nhất là đối với người thân.
Làm thế nào để một cặp tình nhân là các ngôi sao nổi tiếng được thưởng thức trọn vẹn một bữa tối? Làm thế nào để họ không rơi vào ống kính của hàng tá những chiếc máy ảnh luôn iẵn sàng tác chiến?... Chuyện đó đâu có dễ vì đây là thời đại của truyền thông, của internet. Một bức hình được ghi lại chỉ cần vài giây sau đã có thể phát tán trên toàn thế giới và được trả mức tiền lên đến hàng triệu đô la.
Một bức hình khiến ngôi sao mất tất cả chỉ sau một đêm
Những tay săn ảnh ở Hollywood thực sự là đã trở thành cơn ác mộng đối với các ngôi sao. Vì sao ư? Câu trả lời đã quá rõ ràng và dễ hiểu. Mọi động tĩnh của họ từ nhà hàng đến sân bay, từ những khu vui chơi đến nhà riêng, thậm chí cả ảnh phòng the, trong toilet… đều là mục tiêu săn đuổi của các tay săn ảnh. Và dĩ nhiên, thế giới showbiz đâu chỉ có hào quang mà cũng đầy cạm bẫy và những mối nguy hiểm rình rập. Chỉ cần sơ hở một chút là những hình ảnh không mấy tốt đẹp, thậm chí có thể huỷ hoại cả sự nghiệp của họ được phát tán trên toàn thế giới.
"Thế lực" bóng đêm này khiến các sao phải sợ hãi
Có thể nói các tay paparazzi và các phương tiện truyền thông đã có phần "độc ác" đối với không ít các ngôi sao như: Michael Jackson, Anna-Nicole Smith, Amy Winehouse, Lindsay Lohan... Và trong khi nhiều người trong số họ phải đến các trung tâm cai nghiện, giáo dục cải tạo thì những bức ảnh của họ đã lên khuôn và được phát tán trên toàn cầu.
Chúng ta, những con người bình thường luôn mong đợi các ngôi sao – người của công chúng bất cứ khi nào cũng phải hoàn hảo từ diễn xuất trên màn ảnh, trên sân khấu và trong từng khoảnh khắc của đời thường. Nhưng có ai trong số chúng ta nói cho họ biết họ phải làm gì? Làm thế nào để những tay paparazzi hay các phương tiện truyền thông và cả chúng ta thấu hiểu được rằng cũng có ngày một chiếc giày cũng có thể bị xỏ nhầm chân? Và chuyện có những khoảnh khắc xấu bị chụp bởi ống kính của những tay săn ảnh thì chuyện đó cũng trở thành bình thường
Liệu có ai mong muốn rằng đến một lúc nào đó mình cũng bị ai đó đeo đuổi chỉ để có được những shoot hình? Nỗi sợ hãi và sự hoảng loạn đó sẽ và cần được đối phó như thế nào?
Nhiều ngôi sao sẵn sàng xuống tay với các paparazzi
Khi ngôi sao hết an phận với paparazzi
Nhiều người tự hỏi, liệu cái giá của những tay săn ảnh thực chất nằm ở số tiền mà họ nhận được cho những bức ảnh, công việc họ đang làm hay là một cuộc sống bám đuôi những người nổi tiếng.
Rất nhiều người trong số chúng ta còn đồng cảm khi các ngôi sao giơ nắm đấm hay xô đẩy những tay săn ảnh xuống đường. Đơn giản, họ cũng là con người chứ không phải những “con rối” trong tay các paparazzi.
Pháp luật tại Mỹ từng có các điều khoản không cho phép các tay săn ảnh theo dõi, đuổi theo hay gây sách nhiễu cho các ngôi sao… Thế nhưng bản thân các tay săn ảnh, các công ty, hãng thông tấn chuyên cung cấp hình ảnh của họ luôn biết cách để lách luật, thậm chí chấp nhận mạo hiểm, bị đưa ra toà vì số tiền họ nhận được quá lớn.
Bên cạnh đó, có một thực tế ai cũng nhận thấy tất cả những gì thuộc về riêng tư của người nổi tiếng luôn là chủ đề mà ai ai cũng quan tâm. Và thế là, bằng mọi nỗ lực cùng những mức giá quá hời cho mỗi bức ảnh chuyện riêng của người nổi tiếng trở thành chuyện chung được đem ra bàn tán, mổ xẻ, bình phẩm, chê bai, giễu cợt và thậm chí họ bị án gay gắt. Có một câu hỏi được đặt ra là nếu những tay paparazzi thử đặt mình vào vị trí của những người nổi tiếng thì họ sẽ cảm thấy như thế nào?
Câu trả lời sẽ được minh chứng bằng hàng loạt những ví dụ dưới đây.
Lily Allen sẵn sàng "thượng cẳng chân" với các tay săn ảnh
Lily Allen và người đại diện cho cô Murray Chalmers đã từng đặt ra câu hỏi là có khi nào họ chịu chấp nhận để cô được yên ổn sống với nơi ở riêng tư của mình.
Hay như Amy Winehouse khi còn sống, những hình ảnh thác loạn của cô đã bao giờ được các tay săn ảnh chấp nhận xóa đi dù chỉ một lần.
Theo trang Guardian tiết lộ thì khi còn sống, Winehouse đã thành công trong việc thu được một lệnh cấm các tay săn ảnh không được phép tụ tập bên ngoài ngôi nhà của cô. Theo đó, khoảng cách cấm được đưa ra là 100m.
Chính Lily Allen cũng đã có được một lệnh cấm tương tự sau khi những hình ảnh mang tính thác loạn của cô bị phát tán. Cô còn mô tả rằng, trong một lần ra ngoài cô đã bị 7 chiếc xe hơi của các tay săn ảnh bám đuôi. Đến khi xe của cô bị chặn đường thì rất nhiều ống kính máy ảnh mặc sức bấm máy lia lịa bên ngoài.
Bức ảnh Britney cạo đầu từng vô cùng đắt giá
Trường hợp của Sienna Miller còn nghiêm khắc hơn khi cô kiện Big Pictures (một trong những “lò xuất xưởng” những bức ảnh độc của người nổi tiếng) vì hành vi quấy rối và xâm phạm đời tư. Kết quả là cô đã nhận được số tiền bồi thường gần 100.000 đô la. Thế nhưng Alan Williams, giám đốc điều hành của Big Pictures thì khăng khăng rằng: “Chúng tôi tin rằng những tay săn ảnh có quyền chụp những bức hình ở nơi công cộng”.
Dĩ nhiên, trong thế giới người nổi tiếng chuyện các sao “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với các paparazzi vốn đã không còn xa lạ. Những Alec Baldwin, Halle Berry, Châu Kiệt Luân, Miley Cyrus, Zeta-Jones, Justin Bieber… không ít lần đã xuống tay với các paparazzi.
Đó phải chăng cũng là một cái giá của sự nổi tiếng mà những tay nhiếp ảnh phải hứng chịu.
Nick Stern quyết định giải nghệ nghề paparazzi
Theo Nick Stern, một nhiếp ảnh gia người Anh sống cả ở London và Los Angeles thì có một nhóm các tay săn ảnh được gắn biệt danh "gangbangers". Chính ông này đã phải phải từ bỏ cơ quan Splash New khi ông cảm thấy việc săn lùng Britney Spears đã đi quá xa. Khi Spears nhập viện trên xe cứu thương đã phải cầu viện đến 12 xe cảnh sát dẹp đường khỏi sự bao vây của các tay săn ảnh. Thậm chí bức ảnh cô cạo đầu được chụp khi đó có tin đồn cho hay nó được ngã giá khoảng 400.000 đô la.
Sau cái chết của công nương Diana, rất nhiều các tay săn ảnh đã chấp nhận giải nghệ. Thế nhưng với internet và sự thành công của những tạp chí về người nổi tiếng hơn bao giờ hết đội ngũ paparazzi ngày càng hùng hậu như nấm sau mưa.
Với ước mong hiện thực hóa giấc mơ tiền bạc, danh tiếng và có cả đam mê họ sẵn sàng làm tất cả. Và khi công chúng ngày càng có nhu cầu cao hơn, các đầu báo sẵn sàng trả hàng triệu đô cho những bức ảnh đắt giá đó chính là động lực để họ nhắm tới.
Đâu chỉ có người nổi tiếng, mà giấc mơ và cái giá của nó cũng đầy ma lực đối với những tay paparazzi.
Mời đọc giả đón xem Kỳ 3: Chuyện về tay săn ảnh lẫy lừng nhất nước Mỹ vào 11h ngày thứ 6 (28/2)!