NS Phạm Tuyên kể chuyện "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng"

Sau 40 năm, bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" vẫn sống mãi trong lòng mọi người dân Việt Nam. Nhân kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã chia sẻ những kỷ niệm về bài hát đặc biệt này.

Đứng từ xa nhìn Bác

Trong những sáng tác của mình, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã có những bài hát nổi tiếng về Bác Hồ như: Từ làng sen, Việt Bắc nhớ Bác Hồ, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng,  Suối Lê Nin.... Trong đó, bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng được đông đảo khán, thính giả thuộc lòng.

Cũng như nhiều nhạc sĩ khác, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã có cơ hội một lần được gặp Bác. Tuy nhiên, lần gặp đó, nhạc sĩ chỉ được nhìn Bác từ xa.

NS Phạm Tuyên kể chuyện "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" - 1

Nhạc sỹ Phạm Tuyên chia sẻ những cảm xúc của mình khi sáng tác bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”

“Sau khi giải phóng Thủ đô Hà Nội, tôi dạy học trong khu cư xá. Tôi đã dẫn đoàn học sinh đến biểu diễn cho Bác Hồ xem. Khi các em biểu diễn các bài hát về học sinh, tôi đứng từ xa nhìn Bác. Đó là kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên”, nhạc sĩ Phạm Tuyên nhớ lại.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên nói, ông đã tìm hiểu về Bác Hồ từ hồi Kháng chiến chống Pháp, tuy nhiên mãi tận sau này ông mới viết được bài hát về Bác. Và khi viết những bài hát về Bác Hồ, nhạc sĩ không viết theo kiểu ca ngợi một vĩ nhân, mà nhập vào vai của người dân Việt Nam viết về cuộc đời của Bác. 

Sáng tác để trả món nợ tinh thần

Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể, đêm 28/4, nghe phi công Nguyễn Thành Trung đánh bom Sân bay Tân Sơn Nhất, ông chợt nghĩ, đến Tân Sơn Nhất là sắp vào Sài Gòn rồi, chắc chắn mai hay ngày kia là giải phóng.

“Tự nhiên trong đầu tôi nghĩ ngay tới câu nói Bác đã nói: Vì độc lập vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào/Tiến lên chiến sĩ đồng bào/Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn. Tôi nghĩ lúc này cả nước reo vui nhớ tới Bác nên tôi viết chỉ trong 2 tiếng, (từ 21h30 - 23h30) mà không phải sửa một chữ nào. Viết xong ca khúc này, tôi cảm thấy như mình đã trả được món nợ tinh thần mà tôi trăn trở suốt cả tháng ròng”. 

Mục đích khiêm tốn ban đầu là tiếng reo vui cho mọi người, không ngờ sức lan tỏa của bài hát lại nhanh và rộng như vậy”, nhạc sĩ xúc động.

Ngày 29/4 đưa bài hát cho hội đồng duyệt nhạc xem. Mấy anh em bảo bài này chưa giải phóng nên đợi đến ngày 7/5 rồi sẽ thu và phát. 

40 năm qua, nhiều người dân vẫn hát bài hát này. Với nhạc sỹ Phạm Tuyên, đó là nguồn động viên lớn vì phần thưởng lớn nhất của người nghệ sỹ là tác phẩm của mình có chỗ đứng trong lòng công chúng. 

Đến 30/4, tất cả mọi người đều cuống lên, ông Trần Lâm - Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam gọi điện cho tôi:  Miền Nam giải phóng rồi. Đã chuẩn bị bài hát hoành tráng nào chào đón sự kiện này chưa? Chiều, tôi vội vã đến 58 Quán Sứ, gặp tôi, Giám đốc Đài lại hỏi đã viết gì chưa. Tôi liền đứng cạnh cầu thang hát cho ông ấy nghe: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng…”.

Vừa nghe xong ông ấy vỗ tay, rạng rỡ: “Thôi quyết định lấy bài này. Mời anh em lên đây thu thanh ngay để 17h phát”. Sau đó ông ấy còn nói với tôi: “Chiến dịch này là chiến dịch Hồ Chí Minh, nên bài hát có chữ Việt Nam, Hồ Chí Minh là đúng quá rồi”.

Nhạc sỹ Phạm Tuyên kể tiếp: “14h, cả đoàn hát lên 58 Quán Sứ. Chưa bao giờ tôi dự cuộc thu thanh đặc biệt như thế. Vì hôm ấy, người chỉ huy là anh Cao Việt Huy và lĩnh xướng là Đặng Hùng... đều khóc, khóc vì niềm vui bất ngờ.

Lúc thu xong hỏi nhạc sĩ có ý kiến gì không, tôi bảo tôi không có ý kiến gì hết, trong lòng tôi lúc ấy chỉ nghĩ, bài hát này quá hay, nếu mình không viết sẽ có người khác viết.

Bản tin ngắn, sau khi phát tin đại thắng lại phát bài này. Phát đến 12h đêm. Ngày hôm sau, đạp xe đến Đài đi qua Bờ Hồ, các xe mui trần, quân nhạc thổi bài này, nhạc viện Hà Nội kéo violon cũng kéo bài này…".

Năm 1979, khi đoàn ca múa nhạc của Việt Nam sang biểu diễn ở Nhật Bản. Các bạn Nhật Bản ra sân khấu đề nghị được hát cùng chúng tôi bài hát này. Và họ hát bằng Tiếng Nhật. Sau đó, Hội Âm nhạc Lao động Nhật đã gửi tặng đoàn bản in bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng bằng tiếng Nhật. Họ nói: “Chúng tôi hát bài này để ca ngợi chiến thắng 30/4 của các bạn, cao hơn nữa là ca ngợi đất Việt Nam và Hồ Chí Minh”. 

Một kỷ niệm mà nhạc sỹ Phạm Tuyên mãi nhớ: “Năm 2010, khi vào Huế tham dự sự kiện của Hội âm nhạc, có đoàn khách du lịch Nhật Bản xin tham gia. Sau đó họ hát hai bài Hoa anh đào và Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng bằng Tiếng Nhật”.

Hai lần được giải thưởng cao quý

Năm 1985, Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam trong cuộc họp có nói bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng không tặng thưởng Huân chương Lao động thì vô lý. Tuy nhiên, trước đó, chưa bao giờ Nhà nước tặng Huân chương Lao động cho một bài hát cả. “Cho nên khi ông ấy đề nghị đầu tuần thì cuối tuần ban thi đua đồng ý ngay”, nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết.

“Ngày đó, được huân chương không có tiền, tôi hỏi thế có gì nữa không. Ông ấy nói: Ôi, có khung có kính lại còn đòi gì nữa (cười)”.

“Khi được giải thưởng bạn bè đến chúc mừng, trên gác nhà có nuôi mấy con gà, thế là làm bữa cháo gà ngồi bệt ăn mừng, sau đó vào Sài Gòn, bạn bè tôi nói, anh Hai ơi cho em rửa huân chương với. Thế là mời ăn. Chưa có năm nào chi tiêu nhiều như thế”, nhạc sĩ Phạm Tuyên nhớ lại.

Sau này bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng còn được tặng Giải thưởng Nhà nước đợt một.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Lý (Giao thông vận tải)
Ca khúc sống cùng ký ức Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN