NS Nguyễn Ánh 9: Tôi tìm thấy tôi trong nỗi buồn
Sức khỏe đã thực sự sa sút, căn bệnh phổi khiến ông nói rất yếu và nhiều khi nghẹn lời, thế nhưng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vẫn đang cố hết sức cho 2 đêm nhạc mang tên “Kỷ niệm” ở Hà Nội vào tối 16 và 17.5. Ông trò chuyện với phóng viên NTNN về liveshow này.
Thưa nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, sức khỏe của ông đang thực sự rất có vấn đề, tại sao ông không chọn cách nghỉ ngơi để dưỡng sức mà vẫn quyết tâm làm 2 đêm nhạc tại Hà Nội lần này?
-Nói thực lòng là đến thời điểm này, tôi cũng chẳng biết là mình sẽ sống và đi trên con đường âm nhạc này được bao lâu nữa. Chính vì thấy sức khỏe của tôi ngày một sa sút nên con trai tôi, nhạc sĩ Nguyễn Quang đã quyết tâm tổ chức 2 đêm “Kỷ niệm” này để cho tôi được tái ngộ với khán giả Hà Nội. Trong trái tim tôi, khán giả Hà Nội luôn có một vị trí đặc biệt, bởi mỗi lần được ra Hà Nội trong các đêm nhạc trước đây tôi đều nhận được từ khán giả một tình cảm rất thân thương, đầm ấm và đùm bọc. Mặc dù tôi không phải là nhạc sĩ sinh ra ở Hà Nội, cũng chưa viết tặng cho mảnh đất này ca khúc riêng nào, nhưng tôi được đón nhận tình yêu của khán giả Hà Nội như một đặc ân và tôi rất trân trọng điều đó.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang, con trai ông cho biết, mặc dù rất lo lắng về sức khỏe của ông nhưng mỗi khi thấy ông ngồi vào cây đàn piano, lại thấy như có một con người khác xuất hiện. Phải chăng tình yêu âm nhạc đã tiếp sức cho ông?
Nhiều khán giả thắc mắc, tại sao trong âm nhạc của ông, nỗi buồn lại ngự trị ở một vị trí cao đến thế, bài nhạc nào ông viết ra cũng man mác buồn, như có nước mắt của chia ly. Sao ông không thể viết nhạc vui?
-Có lẽ cái “màu” của tôi là vậy. Ca khúc đầu tiên đưa tôi đến với làng nhạc cũng là về một sự chia ly: “Không, không, tôi không còn tôi không còn yêu anh nữa”. Những ca khúc về sau ngày càng buồn như “Buồn ơi chào mi”, “Cô đơn”, “Ai đưa em về”, “Tình khúc chiều mưa”, “Lời cuối cho em”… tôi viết đều từ cảm nhận của mình về cuộc đời, tình yêu, số phận và nhất là từ những bạn bè mà tôi đã từng chứng kiến.
Tôi thường suy nghĩ rất nhiều về nỗi buồn và đắm chìm trong nó, tôi cũng thích nghe nhạc buồn nhiều hơn, bởi tôi nghĩ trong nỗi buồn nó ẩn chứa rất nhiều điều để suy tư, hồi tưởng và khám phá. Nhiều người đã cùng chia sẻ sự đồng cảm ấy với tôi khi họ nói mỗi khi họ buồn, họ lại nghe “Buồn ơi chào mi” của tôi, nghe nhưng không phải để buồn hơn mà tìm thấy một niềm an ủi. Tôi quan niệm người nhạc sĩ nên tìm cho mình một thế mạnh, và tôi tìm thấy tôi trong nỗi buồn.
Trong 2 đêm “Kỷ niệm” này. ông quyết định chọn địa điểm Nhà hát Lớn với nguyên một dàn ca sĩ Hà Nội, đó có phải là điều đặc biệt nhất của chương trình lần này?
Ông là một nhạc sĩ thành danh từ lâu, có vị trí và chỗ đứng, ông cũng từng trải qua rất nhiều vui buồn trong đời và thậm chí đã từng có cả những “cơn bão dư luận” một thời gian trước đây. Vậy điều quan trọng mà ông rút ra cho cuộc đời mình là gì, thưa nhạc sĩ?
-Tôi chỉ luôn nghĩ rất nhiều về tình yêu. Không chỉ đơn giản là tình yêu nam nữ đâu, mà là tình yêu con người dành cho nhau trong suốt cuộc đời này. Có tình yêu sẽ có sự cảm thông và chia sẻ, dù xa xôi đến đâu thì tình yêu cũng sẽ nối liền khoảng cách. Dù có hiểu nhầm, có cãi vã hay bức xúc thì cuối cùng tình yêu cũng làm cho người ta hiểu rõ nhau hơn.
Tôi luôn biết ơn cha mẹ tôi, những người đã dành tình yêu vô bờ bến cho tôi. Biết ơn vợ tôi, người đã lặng thầm suốt cuộc đời để tôi an tâm sống với âm nhạc, biết ơn các con cháu tôi, vì chúng là những đứa con ngoan, những người tốt. Và đó là những điều quan trọng nhất trong cuộc đời tôi.
Xin cảm ơn nhạc sĩ!