Những giám khảo “tai tiếng” nhất Vbiz
Gây phản ứng dữ dội nhất là trường hợp của Angela Phương Trinh trong tư cách là giám khảo của cuộc thi tìm kiếm tài năng “Ngôi sao mới - Hot girl&Hot boy”.
Là những người “cầm cân nảy mực”, tiêu chí đầu tiên của giám khảo phải là người giỏi nghề và nổi tiếng. Hiện nay, không phải cuộc thi, chương trình nào cũng có được tiêu chí tưởng chừng như giản đơn này. Thay vào đó, nhà sản xuất chú trọng đến yếu tố câu khách, nhằm vào các nhân vật… “tai tiếng” nhiều hơn là sự nổi tiếng thực sự.
Hương Giang Idol được mời làm giám khảo cho cuộc thi “Giọng hát tài năng”
“Tai tiếng” lên ngôi?
Nhìn vào thành phần giám khảo ở các chương trình, cuộc thi hiện nay không khó để nhận ra sự khan hiếm lực lượng “cầm cân nảy mực”. Các chương trình nhỏ không có thực lực, uy tín và kinh phí để mời các nhân vật tên tuổi đã đành, ngay các chương trình mang tính “quốc gia”, phát trên Đài Truyền hình Việt Nam thì chất lượng của đội ngũ cốt cát này cũng đang rất… có vấn đề.
Đơn cử, từ một chương trình đang phát sóng hiện nay là “Ngôi sao Việt”. Ngoài Phương Thanh và hai giám khảo người Hàn Quốc thì giám khảo Jonny Trần khiến cho không ít người đặt câu hỏi, anh ngồi đây có bị nhầm chỗ (!?). “Ngôi sao Việt” là một cuộc thi hát nhưng khả năng chính của vị giám khảo này lại là… múa.
Cái sự “lệch pha” này khiến khả năng bao quát của Jonny Trần bị bó hẹp hơn rất nhiều so với các giám khảo khác. Thậm chí, khi nhận xét về mảng đúng chuyên môn là vũ đạo, Jonny Trần cũng còn rất nhiều điều đáng bàn. Khả năng hạn chế về tiếng Việt khiến anh khó chia sẻ các kiến thức thế mạnh của mình đã khiến cho vai trò của anh trở nên mờ nhạt.
Ở các cuộc thi có tầm vóc bé hơn thì việc lựa chọn các giám khảo càng có vấn đề. Chỉ là một thí sinh có chất giọng ở mức trung bình nhưng Hương Giang Idol vẫn “chễm chệ” được cử làm giám khảo cho cuộc thi “Giọng hát tài năng”. Trên thực tế, Hương Giang chỉ gây chú ý ở cuộc thi Vietnam Idol vì là ca sĩ dám công khai việc chuyển đổi giới tính. Với giọng hát yếu, Hương Giang không tránh khỏi bị nghi ngờ “lấy đâu ra khả năng để đánh giá và lựa chọn thí sinh có giọng hát tài năng?”.
Nhưng Hương Giang không phải là trường hợp đầu tiên vừa bước ra khỏi cuộc thi đã được mời làm giám khảo. Trước đó, Đinh Hương vừa rời khỏi The Voice cũng được mời làm giám khảo cuộc thi Kpop, Hoàng Quyên vừa rời Vietnam Idol cũng ngồi “ghế nóng” tại một cuộc thi hát dành cho các bạn trẻ trên VTV.
Gây phản ứng dữ dội nhất là trường hợp của Angela Phương Trinh trong tư cách là giám khảo của cuộc thi tìm kiếm tài năng “Ngôi sao mới - Hot girl&Hot boy”. Thông tin này đã khiến bất cứ ai nghe qua cũng thấy sửng sốt và ngạc nhiên. Không “sốt” sao được khi “thành tích” của vị giám khảo này luôn gắn liền với việc bỏ học sớm, nói dối, ăn mặc phản cảm cùng những phát ngôn gây sốc... Tiêu chí của cuộc thi là “tạo nên một thế hệ “hot boy”, “hot girl” thực chất chứ không theo kiểu tự phong như trước đây...
Ngoài việc “lởm khởm” về giảm khảo, giải thưởng của cuộc thi này trị giá 500 triệu đồng nhưng tiền mặt mà thí sinh nhận được chỉ có 50 triệu, còn lại là sản phẩm tài trợ. Đó là chưa kể, nếu trừ thuế, làm từ thiện, số tiền đó thậm chí còn “âm” so với việc thí sinh phải đầu tư trang phục cho cuộc thi.
Chuyên gia cảnh báo: Cần xem xét lại!
Angela Phương Trinh gây sốc khi làm giám khảo. ảnh: TL
Việc mời những nhân vật “tai tiếng” như Phương Trinh làm giám khảo cho thấy, cái mà chương trình “Ngôi sao mới- Hot girl&Hot boy” đang muốn nhắm đến là sự chú ý của công chúng và doanh thu, hơn là chất lượng chương trình. Có nhiều nhận định hài hước cho rằng, sau Phương Trinh thì sẽ đến lượt Bà Tưng làm giám khảo? Thậm chí, có khán giả còn tỏ ý “châm biếm” chương trình này khi để Phương Trinh hiện diện lựa chọn các “ngôi sao mới”: “Phương Trinh quá… xứng đáng để làm giám khảo vì với kinh nghiệm của mình, cô sẽ hướng dẫn “tốt” cho các thí sinh trở thành “hot boy”, “hot girl” nổi tiếng theo cách của cô”.
Đánh giá về thực trạng tràn lan các cuộc thi “èo uột” đang tiếp diễn, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, để trở thành một nghệ sĩ tên tuổi cần phải có một quá trình lao động, cống hiến lâu dài. Theo nhà phê bình này, cái mà công chúng cần không đơn thuần là sự nổi tiếng, bởi chỉ cần như vậy thì đơn giản quá! Nghệ sĩ phải là người làm đẹp cho đời sống tinh thần của công chúng. Nhưng nhìn vào các chương trình hiện nay, họ quá mải mê chạy theo bề nổi, đánh đồng giữa nổi tiếng với tai tiếng, với cái giật gân câu khách, khiến cho đời sống văn hóa giải trí luôn bị bất an.
Tuy nhiên, nhà phê bình này cũng nhìn nhận rằng, bản thân những cuộc thi này chỉ đơn thuần là giải trí nên cách đánh giá cũng nên nhìn vào bản chất của nó. Nếu là cuộc thi mang tầm vóc quốc gia, đúng nghĩa nghệ thuật thì những người đang ngồi vị trí giám khảo hiện nay đều đáng phải xem xét lại. Nhưng đây là một cuộc thi thiên về giải trí, nếu mời các nhân vật có bề dày về nghề thì lại thiếu đi yếu tố “hot”.
Lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta vẫn chưa hài hòa được nghệ thuật với thị trường, được mặt này lại mất mặt kia, trong khi nhà sản xuất cần sự chú ý để kéo quảng cáo, tài trợ... “Có quá nhiều cuộc thi không đáp ứng được yếu tố giải trí, nhiều vị giám khảo hát còn thua cả thí sinh ngay ở trên sóng truyền hình chúng ta đã thấy. Phát ngôn bập bõm, không đúng với tầm vóc của một giám khảo là rất có vấn đề”, nhà phê bình Nguyễn Quang Long nói.