Nhạc sỹ Việt và cuộc đời toàn những chia lìa, đứt gãy
Đời nghệ sĩ lang bạt kỳ hồ, vui với mưa gió. Phải đâu ngẫu nhiên người ta truyền tai nhau như vậy. Con chim bay mãi cũng mỏi cánh, cũng muốn tìm một cành cây đỗ bình yên. Nhưng, làm sao con chim biết được cành giòn hay chắc? Ở đời có mấy ai ước muốn mà được thỏa nguyện?
1. Người già sống bằng dư âm, trí nhớ hụt hơi theo năm tháng. Thói thường, chuyện vui mau quên, nỗi buồn đọng sâu ngóc ngách. Cuộc đời nhạc sĩ Thanh Bình, có được như cái bút hiệu ông chọn đâu? Thành ra, dư âm vọng động đời ông ở cái tuổi xế chiều là những lớp sóng loang buồn, chia lìa, đứt gãy của những cuộc tình dâu bể, của những đổ vỡ và của một tâm nguyện bất thành.
Có lẽ, ông đã ráng, đã gượng chút hơi tàn lực kiệt để dồn nén hy vọng mong ngóng một lần trở về của người con gái duy nhất – vì một phút tin người quá mức và khát khao làm giàu mà sa cơ lỡ vận. Nhớ lại hình ảnh nhạc sĩ Thanh Bình bị hắt hủi, lang thang ở bến xe miền Đông, thuê chiếc chiếu ngủ nhờ mỗi ngày 500 đồng, tôi lại nhớ đến hình ảnh của cố nhạc sĩ Trúc Phương. Ngày nhạc sĩ Trúc Phương mất, gia tài ông để lại chẳng có gì ngoài đôi dép mòn vẹt…
Nhạc sĩ Thanh Bình khi còn trẻ (ảnh tư liệu Hà Đình Nguyên)
May sao, nhạc sĩ Thanh Bình vẫn còn những người cháu sẵn sàng yêu thương và cưu mang ông, để ông chờ đợi và hy vọng. Những nhọc nhằn, cay đắng của một cuộc đời có gì vui hơn nửa đời người khiến người ta ngại chạm vào. Dẫu là người già hay trẻ. Ai cũng muốn quên đi, gạt sang một bên, bỏ mặc để bước về phía trước. Duy chỉ còn những vết thương lòng, sau những cú ngã dúi dụi, sâu hoắm theo thời gian.
“… Hỡi hương nào gây nhớ, mới hay tình thật bền/ Tình ngủ yên trong tim/ Đã thấy tàn cuộc đời, còn tiếc hoài một người/ Ngổn ngang tâm sự đắng…” (Tiếc một người)
Chuyện xưa như men đắng môi, rã rời, có gì vui mà khơi, mà nhớ. Có lẽ, chỉ cần biết và thương, trọng mỗi khi cất câu ca: “Thôi rồi còn chi em ơi…/ Thôi đành vùi sâu tâm tư”, nhạc sĩ Thanh Bình đã rút ruột nỗi đau của “tình lỡ” mà viết thành lời. Và biết, nỗi đau của những cuộc tình, đeo đẳng ông đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Nhạc tình của Thanh Bình, chỉ thoáng nghe tên, đã thấy dằng dặc cơn buồn, sợ tình yêu bay mất, lúc nào cũng muốn níu, muốn giữ mà đành nén một tiếng thở dài, bất lực. Tình lỡ, Tiếc một người, Đừng đến rồi đi, Kẻ ở, Còn nhớ hay quên,…
Thì, biết làm sao, khi yêu thương vốn dĩ là chuyện duyên, chuyện nợ?
2. Như phần đông các nhạc sĩ khác, nhạc sĩ Thanh Bình cũng tham gia viết nhạc cách mạng. Những bài hát, hoặc hừng hực khí thế như Những nẻo đường Việt Nam, hoặc chân chất hương quê như Lá thư đều để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người nghe.
Bìa bản Tình lỡ - bản tình ca nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Thanh Bình, được sử dụng trong phim Nàng (1970, đạo diễn Lê Mộng Hoàng, có sự góp mặt của những gương mặt điện ảnh sáng chói thời đó: Thẩm Thúy Hằng, Trần Quang, La Thoại Tân), ca sĩ Khánh Ly thể hiện. (ảnh tư liệu)
Điểm sáng nhất trong tác phẩm của nhạc sĩ Thanh Bình, dù là nhạc cách mạng hay nhạc tình, lời ca đều giàu hình ảnh và rất nên thơ. Nếu như, lời ca của những bài hát viết về quê hương mang vẻ mộc mạc thì lời của những bản tình ca có sự đúc rút, suy ngẫm và chiêm nghiệm.
Hãy nghe Lá thư: “Từ miền xa, viết thư về thăm xóm làng. Sắt son gửi trong mấy hàng. Thăm bà con dãi năm tháng…” “Em thơ ơi! Có còn học hành sớm tối? Áo nâu tươi, gái làng còn che môi cười? Và đàn bò còn nghe chim hót lưng đồi?”
Bản Tình lỡ: “Hỡi người! Bỏ ta trong mưa bay/ Phương trời mình đi xa thêm xa/ Nghe vàng mùa thu sau lưng ta/ Em ơi, em ơi thu thiết tha…”
Bản Kẻ ở (thơ Quang Dũng – còn nghi vấn): “…Đường đi không gió lòng sao lạnh/ Bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong…” “…Sao rơi đáy nước vương chân ngựa/Buồn dâng đôi mi hàng lại hàng…”
Không biết, sinh thời số lượng các sáng tác của nhạc sĩ Thanh Bình được bao nhiêu bài. Người viết bài này cũng đã thử tìm hiểu, tra cứu thì thấy gần như các sáng tác của ông rất ít phổ biến. Một sự lãng quên nào đó chăng? Chắc chắn không! Chỉ là, lớp bụi mù thời gian che phủ lâu quá mà vẫn chưa có ai đủ kiên nhẫn/ điều kiện để khơi lại và thắp lửa.
Ca sỹ Ánh Tuyết - người luôn ở bên cạnh NS Thanh Bình trong những năm cuối đời
Đề cập đến vấn đề này, bao giờ trong tôi cũng rợn ngợp nỗi buồn, rất khó diễn tả. Là cảm nhận của riêng tôi thôi, phải chăng, đôi khi chúng ta mải mê xưng tụng, tung hô thời cuộc mà lãng quên những giá trị thật? Tôi vẫn nghĩ rằng, nếu không có cuộc viếng thăm, không có bài viết của ca sĩ Ánh Tuyết, rất ít người trong chúng ta có thể biết và trả lời được câu hỏi: nhạc sĩ viết bài Tình lỡ là ai? Ở đâu? Cuộc đời như thế nào? Cũng như thói quen, nghe bài hát, nhớ người hát mà quên mất người sáng tác (hoặc người viết lời).
Mời độc giả cùng lắng nghe và cảm nhận ca khúc Tình lỡ của nhạc sỹ Thanh Bình do Lệ Quyên thể hiện:
Nhạc sĩ Thanh Bình tên thật là Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1932, nguyên quán Bắc Ninh, trong một gia đình có 4 anh chị em. Ông mồ côi mẹ khoảng năm 10, 11 tuổi. Vài năm sau thì cha ông cũng qua đời. Năm 19-20 tuổi ông viết truyện dài Gió dập mưa vùi, Mình còn trẻ lắm. Khoảng 1952-1953, ông viết truyện ngắn và đưa tin văn hóa văn nghệ cho nhiều tờ báo: Tia Sáng, Liên Hiệp, Tin Sớm, Bình Minh, Văn Nghệ... với bút danh Thanh Bình. Nhạc sĩ Thanh Bình được truyền cảm hứng âm nhạc từ giáo sư âm nhạc Phạm Sửu tại Thanh Hóa. Sáng tác đầu tay của ông là bài: Những nẻo đường Việt Nam. Theo chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, nhạc sĩ Thanh Bình là người thư sinh, hào hoa và sống khép kín. Ông cũng chỉ viết nhạc khi có cảm xúc chứ không viết để kiếm tiền. Có lẽ vì vậy mà sáng tác nào của Thanh Bình cũng như lời tự sự nhiều tâm trạng. |