Nhạc sĩ Thuận Yến: Đóa hoa đỏ vẫn tươi

Mộc mạc mà sâu lắng, nồng nàn và tha thiết là những gì âm nhạc Thuận Yến neo vào lòng người, từ những ca khúc hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến những bản tình ca đượm chất thơ.

1. Nhạc sĩ Thuận Yến, như nhiều người thừa nhận, là một trong vài trường hợp “đặc biệt”, hiếm có” khi có một bước chuyển “ngoạn mục” từ nhạc đỏ sang nhạc nhẹ. Và cả một “mâu thuẫn” giữa vẻ ngoài mô phạm, nghiêm túc như… cán bộ xã (lời của nhạc sĩ Nguyễn Cường) với tâm hồn lãng mạn bay bổng.

Song, thật ra với những ai yêu nhạc Thuận Yến sẽ không lấy làm ngạc nhiên. Bởi, dù sáng tác về đề tài nào đi chăng nữa, người ta vẫn thấy trước sau một Thuận Yến đằm thắm, lạc quan, gần gũi với phong cách âm nhạc đậm chất dân gian, đi vào lòng người nhẹ bẫng như không. Bởi, ông viết bằng cảm xúc, bằng tình yêu, sự từng trải, chiêm nghiệm và trái tim trọn vẹn dâng hiến.

Nhạc sĩ Thuận Yến: Đóa hoa đỏ vẫn tươi - 1

Thuận Yến - người ra đi nhưng tình vẫn còn ở lại với thế gian

Đây hình ảnh giản dị, đời thường của Bác được ông hun đúc sau 11 năm gặp mặt: “Bác thương các cụ già, xuân về gửi biếu lụa/ Bác yêu đàn cháu nhỏ, trung thu gửi cho quà/ Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng/ Bác thương người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương/ Bác viết thư thăm hỏi gửi muôn vàn yêu thương…” (Bác Hồ - một tình yêu bao la)

Nếu tính bài hát đầu tiên nhạc sĩ Thuận Yến viết về Bác năm 1968 thì phải 11 năm sau, sau khi Bác mất 10 năm - năm 1979, ông mới viết tiếp thành công bài Bác Hồ một tình yêu bao la. Điều tạo nên nét riêng trong âm nhạc của Thuận Yến là khi viết về Bác, ông không chọn giai điệu trang trọng, cung kính như nhiều nhạc sĩ khác mà chọn cách diễn đạt gần gũi, đời thường bằng nhịp 6/8, mộc mạc mà sâu lắng. Và những bài hát ấy lắng ở lòng người tự nhiên như những bài dân ca tự bao đời.

2. Sáng tác của nhạc sĩ Thuận Yến trải dài theo con đường ông đi, những người ông gặp gỡ, những việc ông chứng kiến, những tâm sự, những điều ông nếm trải. Từ những bài động viên thanh niên lên đường: Sẵn sàng lên đường, Ba lô ta buộc cho chặt, Vành lá nguỵ trang rất xanh... cho đến những bài hào hùng khí thế: Hát mừng quê ta giải phóng, Mỗi bước ta đi, Bài ca tiếp vận, Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin,…

Đây giai điệu hào hùng trong tâm thế người lính: “Việt Nam ơi! Việt Nam/ Ngọn núi nơi anh ngã xuống/ Rực cháy lên/ Màu hoa đỏ/ Dưới hoàng hôn.” (Màu hoa đỏ - thơ Nguyễn Đức Mậu).

Đây kỷ niệm cuộc tình nồng nàn, bền chặt với người bạn đời: “Anh phải về thôi xa em thôi/ Hàng cây hò hẹn chỗ em ngồi/ Hoa khế rụng kín ngăn lối nhỏ/ Để lòng ta xao xuyến bồi hồi” (Chia tay hoàng hôn – dựa trên ý thơ Hoài Vũ). Chính ca khúc nào đã đánh dấu tên tuổi ca sĩ Thanh Lam, đưa chị bước lên hàng diva nhạc nhẹ.

Nhạc sĩ Thuận Yến: Đóa hoa đỏ vẫn tươi - 2

Diva Thanh Lam gắn liền với nhiều sáng tác nổi tiếng của cha mình, đặc biệt là ca khúc Chia tay hoàng hôn

Đây khắc khoải của người con gái tan vỡ tình yêu: “Giờ này em ở lại nơi đây/ Cầm trên tay một nhành lá đã nhạt màu/ Chẳng còn gì thiêng liêng/ Chẳng còn gì nguyên vẹn/ Để nói lời hò hẹn khi mùa thu sắp tàn/ Chỉ còn trái tim rực lửa/ Theo chân trời lang thang, lang thang” (Trái tim lang thang, viết cùng con gái Thanh Lam – thơ Hà Minh Đức)

Nhạc sĩ Thuận Yến còn viết cả tổ khúc và nhạc giao hưởng. Nhưng, như ông từng tâm sự: “Tôi không có ý tham lam, cái gì cũng nhảy vào viết: viết giao hưởng một tý, phê bình lý luận một tý. Hạnh phúc của tôi là viết ca khúc phục vụ cho hàng triệu những người đầu trần chân đất, không biết lấy một nốt nhạc.” Có lẽ, đó là điều khiến các ca khúc của ông được đông đảo tầng lớp yêu mến và đón nhận.

Nhận xét về âm nhạc của Thuận Yến, GS - NSND Trọng Bằng, Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam viết: “Từ  Hò Dân Công, bài hát đầu tiên viết tại mặt trận Tây Nguyên, đến tuyển tập ca khúc hôm nay với 117 tác phẩm, chúng ta thấy âm nhạc của Thuận Yến phong phú về nội dung, đa dạng về ngôn ngữ và hình thức. Người nghe bắt gặp chất ca ngợi sâu lắng trong: Bác Hồ một tình yêu bao la, Người về thăm quê,… Chất ca ngợi hoành tráng trong: Người mẹ Miền Nam tay không đánh giặc, Việt Nam Hồ Chí Minh rực sáng muôn đời, Mỗi bước ta đi,… 

Chất trữ tình nồng cháy trong: Khát vọng, Chia tay hoàng hôn, Tình ca Tiêu Dung,… Chất dân ca thiết tha, đầm thấm, ngọt ngào trong: Miền Trung nhớ Bác, Đi trong hương tràm,… Chất sôi nổi trẻ trung, lạc quan yêu đời với phong cách pop rock trong: Tình yêu Điện Bàn, Khúc ca người lính trẻ, Tình yêu không lời,… Chất bác học thính phòng trong: Ta bay lên từ Đất Mẹ Việt Nam, Tự sự, Trái tim bình dị, v.v…

Nhạc sĩ Thuận Yến: Đóa hoa đỏ vẫn tươi - 3

Cha con nhạc sĩ Thuận Yến và ca sĩ Thanh Lam

3. Là con gái, đồng thời là một ca sĩ thể hiện thành công các tác phẩm của Thuận Yến, ca sĩ Thanh Lam cho rằng: “Sức sống bền bỉ của âm nhạc Thuận Yến nằm ở những điều giản dị. Những thứ giản dị thường lắng vào tâm hồn người nghe và cũng chính là những điều sâu sắc nhất”. Đồng quan điểm, nhạc sỹ Trọng Bằng đã viết: “Phần thưởng cao quý dành cho Thuận Yến, người đã có những đóng góp quý báu cho kho tàng ca khúc Việt Nam đương đại, ngoài giải thưởng Nhà nước được trao tặng còn chính là sự đón nhận và yêu mến của đông đảo từng lớp nhân dân với nhạc sĩ nhiều năm nay.”

Bản thân nhạc sĩ, những năm cuối đời bị căn bệnh alzheimer đeo đẳng, lúc nhớ lúc quên nhưng âm nhạc và những kỷ niệm, trong ký ức ông chưa bao giờ phai nhạt. Đóa hoa đỏ dẫu rơi vào cõi vô thường (thì đã mang một kiếp người, có ai tránh được?) nhưng sắc hoa vẫn tươi, vẫn đọng, trong nếp ngày, trong kỷ niệm của nhiều người và hơn hết là trong những bài ca ông đã viết.

Ca khúc Chia tay hoàng hôn qua giọng hát của Thanh Lam

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Phan ([Tên nguồn])
Nhạc sĩ An Thuyên qua đời Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN