Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Tôi nghĩ đây là một cuộc thảm sát cây
"Bạn cứ nghĩ mà xem, nếu giờ chặt đi còn đâu những cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, còn đâu hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm", nhạc sĩ Thụy Kha chia sẻ.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường và nhạc sĩ Thụy Kha đã bày tỏ quan điểm và chia sẻ cảm xúc khi biết tin nhiều cây xanh ở Hà Nội bị chặt.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Tôi vô cùng sửng sốt
Tôi nghĩ đây là một cuộc thảm sát cây. Cây cũng là người, cây cũng có quyền sống. Tôi đã vô cùng sửng sốt tại sao lại cho đồng loạt chặt cây như vậy và đừng bao giờ lấy lý do cây bị hỏng, mối mọt hay gây nguy hiểm.
Bởi nếu cây nào mối mọt, gây nguy hiểm thì công ty môi trường cây xanh phải biết và đến chặt. Còn không thể chỉ vì một vài cây như vậy mà chặt cả nghìn cây được.
Mấy ngày nay đi qua nhiều con phố, trên những thân cây chưa chặt, người dân dán lên đấy những tờ giấy viết với lời thống thiết yêu thương như: "Tôi là cây, tôi có tâm hồn, tôi là linh hồn của thành phố, xin đừng chặt tôi"…tôi đọc mà thấy cảm động vô cùng.
Tôi đang định từ những lời đó sẽ sáng tác một ca khúc với những câu như: "Tôi là cây, tôi cũng là một sinh linh, cũng có quyền được ngắm ánh nắng mặt trời, được hít thở bầu không khí, sao lại chặt tôi. Tôi chỉ là bóng râm cho mọi người …".
Nhạc sĩ Thụy Kha: Cây xanh đã đi vào thi ca, văn học tự bao đời nay
Nói về việc chặt cây xanh tại Hà Nội, tôi nói ở hai góc độ. Nếu xét về khía cạnh khoa học tôi không có ý kiến gì khi cơ quan quản lý đưa ra lý do cây hỏng, mối mọt và cây không phù hợp với việc trồng trong khu đô thị. Nhưng nếu xét về khía cạnh văn học, tôi cảm thấy quá tiếc khi chặt cây xanh ở Hà Nội bởi những hàng cây đã gắn biết bao kỷ niệm của bao thế hệ. Những hàng cây đã đi vào thi ca, văn học và âm nhạc qua bao nhiêu thời kỳ.
Thậm chí những hàng cây còn là chứng nhân lịch sử, trải qua bao thăng trầm của Hà Nội. Nếu giờ chặt cây đi, tôi cảm thấy đau lòng và tiếc lắm.
Trong nghệ thuật, cây được xem như một đời người, cũng có tâm hồn, cũng có số phận, có sự long long, lận đận như một cuộc đời một con người thực sự.
Bạn cứ nghĩ mà xem, nếu giờ chặt hàng nghìn cây đi thì còn đâu những cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ (Hà Nội mùa thu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), còn đâu hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm (Hoa sữa của nhạc sĩ Hồng Đăng), còn đâu mùi hoàng lan thoang thoảng (“Em ơi Hà Nội phố” của nhạc sĩ Phú Quang)…