Ngọc Đại: Tội và công
Gây bão dư luận thời gian qua, “Thằng Mõ” đang dần đưa một nghệ sỹ đặc biệt như Ngọc Đại vào vòng phán xét của công và tội.
Tháng 4 vừa qua, giới nghệ sỹ cũng như công chúng không ngừng bàn tán và truy tìm album “Thằng Mõ 1”- album nhạc mới nhất của nhạc sỹ thể nghiệm Ngọc Đại. Album này đặc biệt không chỉ do chính tác giả viết nhạc, hòa âm và tự thể hiện theo phong cách cực đoan thường thấy mà quan trọng là các ca khúc trong tuyển tập này lại gây nhiều tranh cãi và… không xin phép cơ quan chức năng trong khâu phát hành. Ngôn từ cũng như tinh thần của các tác phẩm trong album được đánh giá là trần trụi, thô ráp, kích động và dung tục.
Nhạc sĩ Ngọc Đại và album gây sốc thời gian qua
Điều đáng nói là sau khi “được” phát hiện, Ngọc Đại cũng thẳng thắn thừa nhận rằng nếu ông có xin phép thì tác phẩm trên cũng khó có thể qua vòng kiểm duyệt. Bằng lối giải thích lẫn chia sẻ phóng túng của một nghệ sỹ tiên phong và cá tính, Ngọc Đại đã khiến đông đảo công chúng “hiểu lầm” bởi thái độ ngông nghênh của ông như“Tôi muốn mình được tự do tuyệt đối trong âm nhạc nên không muốn xin phép ai cả. Trong các luật định về văn chương, không có quy định nào cấm các câu chữ cả. Những ca từ mà tôi thể hiện nó rất đời thường, ai bảo là tục là vì họ không chịu hiểu. Đấy là những từ mà bản thân tôi hay nhiều người khác vẫn dùng trong đời sống. Tôi thì cho rằng đó là những ngôn từ không hề tục tĩu. Đó là những từ ngữ thể hiện cho năng lượng của sự duy trì nòi giống. Tôi nghĩ là ai thích nghe nhạc của tôi thì nghe, không thích thì thôi”.
Hay "Tôi không lo bị phạt, vì tôi hiện chẳng thuộc cơ quan nào. Hơn nữa, tiền bán đĩa, tôi đã tiêu hết rồi. Tiền bán album chỉ đủ tiền tôi bỏ ra sản xuất…"
Vì thế, đầu tháng 5 vừa qua, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã có quyết định cuối cùng về album này khi xem đây là “bản ghi âm có nội dung đi ngược lại với chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, nói xấu chế độ. Ngôn từ sử dụng trong các bài hát rất dung tục, không phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc..." cần phải thu hồi và tiêu hủy.
Dễ thấy, có 2 luồng phản ứng trái ngược nhau sau khi album này ra mắt, một kịch liệt phản đối và tẩy chay, một cảm thông và bày tỏ sự ủng hộ.
Đa số các tác phẩm của Ngọc Đại là mượn ý hoặc phổ thơ từ các tác giả cũng nổi tiếng là cá tính như Vi Thùy Linh và gần đây là 2 tác giả gây nhiều tranh cãi là Bùi Chát và Nguyễn Đình Chính. Âm nhạc Ngọc Đại vốn nổi tiếng là những sản phẩm thể nghiệm và rất kén đối tượng thưởng thức. Nhiều người chỉ "dám" xem các tác phẩm của ông là “bản ghi âm” hơn là một tác bài hát thưởng thức bởi tính đặc biệt ở ngôn từ, thu âm hay thể hiện. Nói khác hơn, không phải ai cũng có khả năng cảm thụ và thẩm thấu nhạc Ngọc Đại một cách dễ dàng.
Công = Tội?
Nhắc đến Ngọc Đại, không ai không nhớ đến bản hit rền vang “Dệt tầm gai” được lấy cảm hứng từ bài thơ “Người dệt tầm gai” của Vi Thùy Linh. Nhạc phẩm nổi tiếng này cùng với những bản phối mê hoặc, ma mị của Đỗ Bảo như “Hoa gạo’, “Tiếc nuối”, “Đừng hát tình ca du mục nữa”…đã làm nên một album “Nhật thực” giàu xúc cảm, đồng thời đưa tên tuổi của Trần Thu Hà vào hàng diva thời bấy giờ.
"Nhật Thực" đã đưa tên tuổi Hà Trần vào hàng diva lúc bấy giờ
Tuy vậy, vào tháng 6/2010 những người hâm mộ ông đã rất ngậm ngùi khi gần nửa khán phòng nhà hát Hòa Bình đã bỏ về giữa chừng khi Đại Lâm Linh xuất hiện trên sân khấu Bài Hát Việt và “làm mới” các tác phẩm trên theo một phong cách rất "khác" và khó có thể chấp nhận.
Đại Lâm Linh một thời "đại náo" Bài Hát Việt
Không lâu sau, cũng như những lần “nổi sóng” khác, “Thằng Mõ 1- Cái nường 8X” lại tạo bão dư luận, trở thành album được săn lùng nhiều nhất những tháng đầu năm vừa qua bởi ngôn từ gây sốc và sự kiểm soát, thu hồi gắt gao từ các cơ quan quản lý biểu diễn.
Cũng lấy cảm hứng từ ý thơ, nhưng sự “hợp tác” và “cộng hưởng” lần này của Ngọc Đại với 2 hồn thơ lập dị Bùi Chát và Nguyễn Đình Chính, lại khiến sản phẩm “con cưng” của ông được liệt vào hàng “thảm họa” và rất khó chấp nhận.
Album mới với 9 ca khúc Cánh đồng cỏ khô, Ngũ sắc, Chọn một ngày, Thông điệp hoa hồng, Nàng thơ gõ cửa, Vĩnh biệt, Có những ngày, Khuyến mại tình dục, Cái nường 8X với những ca từ, thông điệp nhạy cảm, gây sốc, nổi loạn và dễ khiến nhiều người phải ngượng ngùng như: “cave cũng ngũ sắc, giao hợp đi, phóng tinh trùng đi…” mà theo ông "đó là sự phẫn nộ về xã hội quá nhiễu nhương, trong khi con người vô tình, chịu đựng sống qua ngày. Tôi chỉ muốn cảnh tỉnh họ và khuyên họ hãy đối xử tử tế hơn với nhau".
36 tác phẩm đã được ra đời khi nhạc sỹ “cảm thức” từ tập thơ “cách tân”, gây nhiều tranh cãi “Chẹc Chẹc” của thi sĩ Nguyễn Đình Chính (và chỉ được phát hành online). 9 trong số này đã được chọn giới thiệu trong “Thằng Mõ”.
Phần đông, khán giả đều không thể cảm nhận và "chịu nổi" sự phóng túng quá mức trong âm nhạc Ngọc Đại, cư dân mạng được dịp ném đá không thương tiếc, lớn tiếng gay gắt chỉ trích. Tuy nhiên, xét về phương diện nào đó, âm nhạc Ngọc Đại cũng chỉ là một kiểu “thay lời muốn nói” khi chính ông không phải là người tự viết ra ca từ trong bài hát mà phần nhiều là mượn ý và phổ thơ từ những bài thơ mà bản thân ông thấy phù hợp và tâm đắc nhất.
Không ai phủ nhận Ngọc Đại nổi loạn và “điên” nhưng chính chất xúc tác cũng như sự cộng hưởng từ chính những bài thơ kia vừa nâng ông lên một tầm cao mới lại vừa đẩy ông vào tột cùng của nông nỗi và thị phi. Sự quay lưng, lên án, dè bỉu, cấm đoán và phán xét của số đông công chúng yêu nhạc một phần cũng bởi cái tôi cực đoan quá lớn của ông, lấn át luôn cả cái bóng của những tác phẩm văn chương kia, cái mà ông đã đồng điệu và thức cảm thổi một luồng gió mới vào nó. “Dệt tầm gai” được tung hô không ngớt bao nhiêu thì album "Thằng Mõ", và nhất là tựa hai ca khúc "Khuyến mại tình dục", "Cái nường 8X" nhận được phản ứng ngược bấy nhiêu. Vì cái bóng, cái tôi của Ngọc Đại quá lớn, nên ngộ thay, người ta giận dữ ném đá và chỉ trích ông mà chẳng mảy may nhớ ra Nguyễn Đình Chính hay Bùi Chát mới là cha đẻ của những tư tưởng cực đoan và đầy kích động kia.
Thu hồi là tất yếu nhưng...
Bên cạnh số đông ầm ầm tẩy chay Ngọc Đại, một bộ phận văn nghệ sỹ cũng bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ với nhạc sỹ “Dệt tầm gai”. Ngọc Đại có được sự ủng hộ và trân trọng đó một phần cũng vì những đóng góp, thể nghiệm táo bạo và tiên phong của ông được giới chuyên môn cũng như nhiều người hoạt động nghệ thuật ghi nhận. Không ít những nhạc sỹ tên tuổi lên tiếng ủng hộ ông.
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, cha của nhạc sỹ Anh Quân, người thân thiết với Ngọc Đại, nhận xét: “Ngọc Đại không giống ai về tư duy âm nhạc. Anh ấy làm âm nhạc cho mình, để mình dùng, không có mục đích nào khác ngoài đam mê. Đĩa vừa rồi càng chứng tỏ con người Ngọc Đại. Từ nhiều năm nay, anh không có vợ con, chỉ còn biết đến âm nhạc”.
Nhạc sỹ Lê Minh Sơn bày tỏ thái độ quý trọng những gì Ngọc Đại làm bởi anh đánh giá Ngọc Đại làm bất cứ thứ gì cũng chỉ xoay quanh âm nhạc. Nhà thơ Phan Huyền Thư cũng cho rằng, CD không phải là một dự án chính thống. Bản thân Ngọc Đại từ lâu đã một mình một cõi, nên để ông được tự do với âm nhạc của mình.
Còn theo nhà sản xuất, phê bình âm nhạc Chu Minh Vũ, thì không nên cổ súy phổ biến những tác phẩm nhạy cảm rộng rãi đến công chúng nhưng nên có cơ chế riêng cho những tác phẩm đó.
Việc cấm phổ biến những tác phẩm nhạy cảm có thể mang lại tác dụng ngược khi tâm lý chung của công chúng là hễ điều gì cấm đoán, ca sỹ nào bị “sờ gáy” thì mức độ quan tâm và săn lùng lại càng cao. Tâm lý tò mò chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Có người khi hỏi, không biết Ngọc Đại là ai, và việc làm đầu tiên với họ là tìm kiếm xem “Thằng Mõ và Cái nường 8X” là gì mà được người ta quan tâm nhiều đến thế.
Là một nghệ sỹ, Ngọc Đại luôn để cho cái tôi của mình thỏa sức bay bổng và lan tỏa. Tuy vậy, đó cũng chính là điều gây nhiều tranh cãi nếu cái tôi ấy vượt qua giới hạn cho phép và có thể gây những phản ứng trái ngược (đôi khi là tiêu cực) trong dư luận, nhất là giới trẻ. Sự thông thoáng, phóng túng không kiểm soát rất dễ gây nên những tiêu cực, đặc biệt là sự lan truyền và ảnh hưởng sâu rộng của nghệ thuật đối với công chúng.
Động thái thu hồi và tiêu hủy album mới nhất của Ngọc Đại xem ra là điều thích hợp và tất yếu khi xã hội và những giá trị văn hóa truyền thống vẫn được xem trọng. Ai đó cũng cho rằng âm nhạc của ông cần nhiều thời gian để thử thách. Thế thì cứ chịu thử thách đi nếu Ngọc Đại là một nghệ sỹ chân chính và thực thụ!