"Nghe trực tiếp Richard Clayderman không hay bằng nghe đĩa"
"Nghe trực tiếp không hay bằng nghe đĩa, có lẽ là do chất lượng âm thanh, dù rằng ông cũng mang nhiều thiết bị từ Pháp sang”, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhớ lại hồi đi nghe show Richard năm 1999 ở Sài Gòn.
Dù đây là lần đầu tiên nghệ sĩ dương cầm người Pháp đến Hà Nội biểu diễn, nhưng với công chúng thì cái tên của ông đã trở nên quen thuộc từ những năm 80 của thập kỷ trước qua những chiếc đĩa than hoặc qua sóng radio. Chính vì vậy mà khán giả đến với đêm nhạc của ông không chỉ là để nghe nhạc, gặp gỡ nghệ sĩ mà còn là cách trở về với ký ức, với hoài niệm một thời kỳ đầy gian khó nhưng ăm ắp những giá trị tinh thần đích thực.
Richard Clayderman được đánh giá là nghệ sĩ piano thành công nhất về khán giả và thương mại
Ngay từ khi ra đĩa nhạc đầu tiên của Richard Clayderman được phát hành, nghệ sĩ piano Nguyễn Ánh 9 đã có cơ hội được biết đến. Theo ông, đây không phải là lần đầu nghệ sĩ nổi tiếng người Pháp này đến Việt Nam.
“Từ sau giải phóng, Clayderman đã được mời đến biểu diễn ở Sài Gòn. Vé lúc đó cũng sốt ghê lắm, nhưng không đắt đỏ như bây giờ vì diễn theo diện giao lưu văn hóa. Tôi có may mắn được vào xem là nhờ quen biết với chuyên gia âm thanh của chương trình. Nhưng thay vì vào như một khán giả thì tôi lại phải đến trước đêm diễn 2 giờ đồng hồ như thể một nhân viên lo âm thanh cho đêm nhạc. Nghe trực tiếp không hay bằng nghe đĩa, có lẽ là do chất lượng âm thanh, dù rằng ông cũng mang nhiều thiết bị từ Pháp sang”, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhớ lại.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9
Cũng là một nghệ sĩ piano được đánh giá là tài hoa của Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cho rằng, điều làm nên thành công của Clayderman chỉ gói gọn ở hai chữ: "giản dị". Các tác phẩm âm nhạc cổ điển đỉnh cao qua ngón đàn của Clayderman đã được biến đổi trở nên gần gũi, nhẹ nhàng đến mức dễ dàng đi vào lòng người.
“Clayderman quan niệm, âm nhạc dành cho số đông nên ông đã mang nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng bằng cách đơn giản hóa sự phức tạp của ngôn ngữ âm nhạc đỉnh cao. Chính vì vậy mà Clayderman được ví như nhạc sĩ của mọi người, từ già đến trẻ đều có thể nghe được. Nhạc của ông không cần phải tìm hiểu, nghe là thích rồi, giống như một người bạn đồng hành vậy. Điều đó lý giải vì sao, ông là nghệ sĩ piano bán được nhiều đĩa nhất trên thế giới”, nghệ sĩ Nguyễn Ánh 9 nói.
Nghệ sĩ piano cổ điển Trang Trịnh
Là một nghệ sĩ piano cổ điển tốt nghiệp xuất sắc tại Học viện Hoàng gia Anh, nghệ sĩ Trang Trịnh đánh giá về Richard Clayderman: “Không chỉ ở Việt Nam, Clayderman mới tạo nên cơn sốt như thế này mà ở các nước châu Âu, mỗi khi ông biểu diễn đều tạo nên hiện tượng với số đông công chúng. Ở dòng nhạc đại chúng, có thể nói, Clayderman là người duy nhất tạo nên được sự thành công về thương mại lớn đến thế.
Nhưng ở góc độ âm nhạc cổ điển, đặc biệt là ở châu Âu thì Clayderman gặp không ít những chỉ trích. Bản thân tôi cũng không thích cách chơi của ông, nhưng tôi tôn trọng điều đó vì mỗi người có một phong cách khác nhau. Chẳng hạn như bản "Sonat ánh trăng", tôi không thích cách thể hiện của Clayderman.
Nhưng với khán giả thì họ có cảm nhận khác, vì âm nhạc của ông đã mang đến cho họ sự bình yên, những cảm xúc đẹp và lãng mạn. Hơn nữa, ở Việt Nam, Clayderman còn là người tạo nên một trào lưu nghe nhạc cổ điển lúc bấy giờ. Sách nhạc và đĩa của ông có thể tìm thấy dễ dàng ngoài hiệu sách, cửa hàng băng đĩa hơn là của Mozart hay Bethoven. Sự thân thuộc sau nhiều năm mới được gặp lại chính là lý do để đêm diễn của ông sắp tới ở Việt Nam được nhiều người săn lùng vé đến thế.
Nói về điều tạo nên thành công của Clayderman, nghệ sĩ piano Trang Trịnh cho rằng: Ở góc độ biểu diễn, Clayderman có thể nói là một biểu tượng hoàn hảo: Chọn thể loại nhạc không kén chọn lại rất dễ đi vào lòng người; có đội ngũ phối khí và tạo hình ảnh bài bản. Ngoài ra còn phải tính đến yếu tố tự thân, đó là ở Clayderman có phong cách biểu diễn hấp dẫn và lãng mạn, ngoại hình thu hút…
Nhạc sĩ Phú Quang
Cũng như nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, nhạc sĩ Phú Quang từng có cơ hội nghe Clayderman biểu diễn lần đầu tiên ở Sài Gòn sau giải phóng. Lần này cũng vậy, nhạc sĩ Phú Quang cho biết, ông vẫn tiếp tục làm khán giả của nghệ sĩ nổi tiếng này.
Lý giải về sự thành công của Clayderman, nhạc sĩ Phú Quang cho rằng: Cái hay của nghệ sĩ này là đã giản lược hóa sự phức tạp của nhạc cổ điển để số đông công chúng được tiếp cận dễ dàng. Với công chúng nói chung thì không phải ai cũng nghe được sự phức tạp của nhạc cổ điển nên cách chơi của Clayderman đã khiến nhạc cổ điển trở nên gần gũi, dễ hiểu hơn.
"Nói một cách đơn giản thì ông là người có khả năng tóm lược một cuốn tiểu thuyết dày cộp trở nên dễ đọc hơn. Đó cũng là cái giỏi rất riêng của ông, giản lược mà vẫn hấp dẫn. Nhưng với người nghe và chơi piano đích thực thì tôi tin là họ sẽ không thích lắm đâu. Nó cũng giống như một người thích đọc tiểu thuyết mà cứ bị giản lược đi thì sẽ không được biết những chi tiết xung quanh tác phẩm nữa."
Nhạc sỹ Phú Quang cho biết thêm: "Tôi đã từng nghe ông biểu diễn ở Sài Gòn nhưng quả thực là không thấy “sướng” cho lắm. Vì ông chơi những bài dễ quá. Các tác phẩm của ông thì một đứa trẻ con học về piano cũng có thể chơi được, tất nhiên là không hay bằng thôi. Nhưng nếu so với các “danh thủ” về piano cổ điển của thế giới thì đó là một sự khập khiễng", nhạc sĩ Phú Quang nói.