"Mua" thần tượng giá bao nhiêu?
Fan sẽ trở thành người nhà của sao nếu cho thần tượng mượn... cún!
Ngày xưa ơi…
Danh từ “thần tượng” có lẽ xuất hiện lần đầu tiên là trong lưu bút hay tự bạch của lứa tuổi cuối 7X đầu 8X của thế kỷ trước. Ngày ấy, dù những Lê Công Tuấn Anh, Việt Trinh hay Diễm Hương trên màn ảnh nhỏ được rất nhiều người yêu mến, thế nhưng âm nhạc mới là phạm trù sản sinh ra nhiều thần tượng nhất.
Những hình ảnh về khán giả Việt một thời
Thần tượng ngày ấy không cần quá đẹp, chỉ cần tài năng, được nhiều người yêu mến và có sức ảnh hưởng sâu rộng. Phương Thanh, Lam Trường, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thu Phương, Đan Trường... chính là những ngôi sao may mắn đầu tiên được hàng triệu người dõi theo và tôn vinh họ với danh xưng là thần tượng.
Phương Thanh là thần tượng của thế hệ 8x.
Phương Thanh thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp.
Chị Chanh ngày ấy sở hữu giọng khàn mạnh mẽ là nhân tố mới lạ và ăn khách vào hàng bậc nhất, “Anh hai” dấn thân vào showbiz bởi ngoại hình dễ thương mà những “bí mật” xung quanh cuộc đời anh chỉ với chi tiết họ Tiêu cũng làm rất nhiều người phải tò mò và truyền miệng. Một Lam xưa cá tính mà không sa đà, một Mỹ Linh nồng nàn tóc ngắn hay một Đan Trưởng điển trai và dễ mến hàng ngày vẫn đốn tim không biết bao nhiêu cô gái chỉ với giọng hát mượt mà và ảnh lịch giăng khắp đường phố… Tất cả dù đã đi qua nhưng với lớp khán giả ngày ấy, đó là hoàng kim, là ký ức, là những trải nghiệm khó quên mà ngay cả thần tượng của họ, giờ đã và đang ở những đỉnh cao, cũng khó lòng tìm lại.
Thời của Phương Thanh không có nhiều phương tiện truyền thông như bây giờ.
Thần tượng ngày xưa là rối bời, bức bối của băng catsét, là hiếm hoi thanh âm trong trẻo đến mê hoặc của đĩa CD, là ngập tràn poster nhòe mờ được cắt ra từ tuần san hay hiếm hoi trên các tạp chí, là những cuối tháng ngóng trông cái gọi là Nhịp cầu âm nhạc, là niềm vui dù ít thôi khi ai đó đã yêu cầu trước bài hát mà bản thân mình và bạn bè hết mực yêu thích, là được hát, được bắt chước, là niềm hạnh phúc khi người mình yêu quý cất cao tiếng hát.
Thời của băng đĩa dán tem thay vì nghe nhạc online.
Với sự hạn hữu của mạng internet, truyền thông hoạt động chưa chuyên nghiệp (và chưa quá tay) đồng thời đĩa compact đang ngự trị và chi phối toàn bộ Vpop, lớp khán giả ngày ấy khi ngẫm lại chắc cũng bật cười khi một thời người ta sung sướng đến nhảy cẫng lên khi được cầm trên tay album đĩa “tem” của thần tượng. Dù với lứa tuổi học sinh sinh viên, cắn răng nhịn đói cả tháng cho một CD giá 35k là điều không tưởng.
Đan Trường trong vòng vây của các fan.
Thế nhưng thực tế cho thấy, tình cảm thiêng liêng của công chúng dành cho những ca sỹ ngày ấy là có thật, và nó hiện hữu không chỉ bằng những CD hay poster cầm trên tay mà trên hết vẫn là danh xưng thần tượng.
Làm thần tượng ngày ấy khó đến dường nào, gặp gỡ và chạm tay vào thần tượng lại càng là điều không tưởng, nhất là khán giả ở các vùng xa xôi. Thế nên, nói không ngoa, người ta xem thần tượng như báu vật trong tủ kính, chỉ được ngắm nhìn và cảm nhận theo cảm quan. Người ta lại càng không hò hét và đuổi theo thần tượng mà chỉ âm thầm nhắc đến trong những trang lưu bút, những dòng tâm sự như một tín đồ trung thành không tên quy phục đế chế âm nhạc mà người họ yêu mến gầy dựng nên.
Đến với người hâm mộ bằng khoảng cách xa xôi không tưởng, thần tượng ngáy đó may mắn nhận được sự quý mến chân thành, rầm rộ trong quy củ mà xúc động đến lạ thường. Nói khác đi, thần tượng ngày ấy là vô giá.
Thế hệ sao Việt đình đám thuở trước.
Đã hết “thần” lẫn “tượng”?
Đan Trường chắc chắn là ca sỹ đầu tiên có được fanclub riêng đông đảo và sớm sủa nhất Vpop. Đan Trường có được may mắn của một ca sỹ giao thoa của cả hai thời kỳ, không sớm cũng chẳng muộn, kích thước và tầm vóc giọng hát ấy cũng được đặt đúng chỗ và tỏa sáng đến không ngờ. Và đó cũng là tiền đề cho những fanclub Vpop sau này hoạt động rầm rộ và ồn ào hơn bao giờ hết.
Nếu ngày xưa fan hâm mộ là người dõi theo và có phần quy phục thần tượng thì ngày nay, công chúng mà đặc biệt là các fanclub luôn là nhân tố quan trọng quyết định sự thành bại và tồn tại của thần tượng trong showbiz. Nó không chỉ đơn thuần là yêu mến và tôn vinh, nó còn bao hàm cả ý nghĩa bảo vệ và tranh đấu.
Tình cảm giữa sao và fan thời xưa có vụ lợi?
Chưa bao giờ fan Vpop được “gần” thần tượng của mình đến thế. Quyền lực và sự phù phiếm cuả công nghệ luôn cập nhật nhanh nhất hình ảnh lẫn các hoạt động của thần tượng. Nếu ngày xưa, fan hâm mộ chỉ biết ngóng chờ và đón nhận các sản phầm của thần tượng trong tâm thế bị động thì với một Vpop hiện đại và được chuyên nghiệp hóa, fan cũng đồng thời trực tiếp tham gia vào các hoạt động của thần tượng từ thu âm, chụp ảnh đến phát hành và quảng bá băng đĩa. Cạnh đó, việc fan “đầu tư tài chính” cho thần tượng như chi phí sản xuất, cho mượn nhà đẹp, xe sang, thậm chí là phục trang hay cả… thú cưng để quay clip cũng không còn là chuyện lạ. Đó là một phần không thể thiếu đối với thần tượng và đời sống Vpop hiện tại.
Nếu ngày xưa, chạm tay vào thần tượng là một giấc mơ thì hôm nay, fan hâm mộ chỉ với tiềm lực tài chính dồi dào, họ không những có thể chạm tay mà còn có thể đưa ra những yêu cầu với thần tượng, từ việc xuất hiện, tham gia hay chung vui ở các bữa tiệc và hát theo yêu cầu của fan. Tùy vào tên tuổi và vị trí của các sao, người hâm mộ rất dễ dàng có được sự hiện diện của họ với giá dao động từ vài chục đến vài trăm triệu theo tính chất và thời gian của sự kiện.
Mr Đàm nhận lời biểu diễn tại một đám cưới.
Cộng hưởng với sự xô bồ đó, showbiz Việt sớm bộc lộ bản chất thực dụng và phù phiếm của một số thần tượng khi việc “mua bán” được thỏa thuận, công thức win- win lại được dịp phát huy hết khả năng, kẻ bán danh, người mua sự xa hoa đồng thời nhu cầu (yêu mến) lại được thỏa mãn.
Lại một lần nữa khẳng định, chưa bao giờ fan gần thần tượng đến vậy! Không kể các thành phố lớn mà ngay cà những vùng miền xa xôi, các sự kiện lớn nhỏ, sân khấu ca nhạc rộng khắp, các phòng trà mọc lên như nấm… luôn là cơ hội để fan tiếp cận và hiểu rõ hơn người mà họ rất yêu mến. Mặt khác, mạng lưới mạng xã hội với sự kết nối diễn ra chóng mặt, thần tượng có thể sẻ chia với công chúng cuộc sống đời thường và hoạt động chuyên môn của mình một cách nhanh chóng và đầy đủ nhất.
Fan cuồng Kpop để lại hình ảnh đáng suy ngẫm.
Thế nhưng, cũng không thể không nhắc đến mặt trái của văn hóa thần tượng khi rất nhiều biến tướng và hệ lụy đã tiêu tốn không ít giấy mực của báo giới. Sự cố hét cátsê, bùng show, hay nghi án nợ nần, tình tiền của rất nhiều ngôi sao là minh chứng thuyết phục cho những biến tướng, toan tính và thị phi của thần tượng nói riêng và showbiz nói chung. Nếu ngày xưa, thần tượng đi lên chính nhờ thực lực thì hôm nay chiêu trò và bão thị phi đang lấn át và phủ sóng mạnh mẽ nền giải trí. Không bàn đến những nguyên nhân, chỉ biết rằng với tinh thần hâm mộ bị thay đổi một cách mau chóng theo thời cuộc, fan cũng góp phần làm “hư hỏng” thần thượng.
"Mua" thần tượng giá bao nhiêu?
Cái “thần” của người nghệ sỹ đã mất đi, cạnh đó “tượng hình” mà họ dày công gầy dựng cũng đã không còn. Khoảng cách và sự dễ dàng tiếp cận thần tượng cũng tỷ lệ thuận với những ồn ào và thị phi dù có qua đi nhưng phần nào làm hoen ố và khiến Vpop không còn long lanh và vô tư như ngày đầu.
Văn hóa thần tượng có thật như chúng ta vẫn thấy?
Người ta cứ mãi đi tìm giải pháp cho vấn đề văn hóa thần tượng, nhưng rủi thay, văn hóa cũng dễ dàng bị tác động và thay đổi bởi hoàn cảnh và ý thức. Thần tượng ở mỗi phạm trù nghệ thuật đều không giống nhau và khó bề so sánh nhưng tựu trung vẫn nằm ở tình cảm yêu mến một cách vô tư và trong sáng. Sự tiết chế và đúng mực trong cách thể hiện sẽ khiến không chỉ fan hâm mộ và cả thần tượng không bị hụt hẫng khi có vấn đề nảy sinh và gây tranh cãi.
Nhìn thần tượng và fan hâm mộ hôm nay mà nhớ tiếc ngày xưa, cái ngày xưa đúng nghĩa vô tư và không toan tính.