Mối tình day dứt giữa Trịnh Công Sơn và cô gái kém 9 tuổi
“Anh nhớ Ánh, nhớ Ánh , nhớ Ánh mà không nói được với ai. Như tiếng kêu của một loài kiến nhỏ. Làm thế nào Ánh nghe thấy... Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh trở về buổi trưa mắt buồn, áo trắng..." - trích thư tình Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh.
Những nghệ sỹ tài danh thường có chuyện tình rất lãng mạn. Những câu chuyện tình ấy, dù có kết thúc như thế nào thì cũng trở thành nguồn cảm hứng để họ thăng hoa hơn trong nghệ thuật. Chuỗi bài Chuyện tình đẹp của 4 cây đại thụ trong nền nhạc Việt sẽ hé mở những câu chuyện tình yêu đầy lãng mạn của những nghệ sỹ nổi tiếng của Việt Nam. |
Trịnh Công Sơn và mối tình kéo dài 4 năm
Có rất nhiều giai nhân bước qua cuộc đời của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn nhưng cô gái Huế Dao Ánh luôn chiếm một vị trí đặc biệt. Bà chính là nguồn cảm hứng để ông viết nên những ca khúc nổi tiếng như Còn tuổi nào cho em, Lặng lẽ nơi này, Mưa hồng, Tuổi đá buồn..
Theo chia sẻ của bà Trịnh Vĩnh Trinh - em gái của Trịnh Công Sơn - thì Dao Ánh là "người gốc Bắc, đẹp, cao, duyên dáng, sang trọng và tính tình rất dịu dàng. Chị không thích ồn ào, không thích đám đông và sống nội tâm, kín đáo, rất hợp với anh Sơn".
Dao Ánh là em gái của Ngô Vũ Bích Diễm - nhân vật chính trong ca khúc Diễm xưa. Khi mối tình Trịnh - Diễm không thành, Dao Ánh đã viết thư động viên Trịnh Công Sơn. Tình cảm chân thành của cô gái 15 tuổi đã khiến cho chàng nhạc sỹ 24 tuổi rung động. Trịnh Công Sơn đã viết thư lại và đó là khởi đầu cho một mối tình kéo dài gần 4 năm giữa họ (từ 1964 - 1967)
Dao Ánh và Trịnh Công Sơn khi còn trẻ.
Khi yêu nhau, Dao Ánh còn đang là cô nữ sinh của trường Đồng Khánh còn Trịnh Công Sơn vừa mới tốt nghiệp trường Sư phạm Quy Nhơn và đang giảng dạy tại thành phố B'lao (nay là Bảo Lộc - Lâm Đồng). Trong thời gian này, Trịnh Công Sơn đã gửi khoảng 300 trăm bức thư tình gửi cho Dao Ánh. Những bức thư tình này lần đầu được công bố vào năm 2013 trong cuốn sách Thư tình gửi một người mà gia đình Trịnh Công Sơn thực hiện nhân kỷ niệm 10 ngày mất của ông.
Trong những bức thư gửi cho Dao Ánh, Trịnh Công Sơn luôn thể hiện nỗi nhớ thương da diết dành cho người yêu bé nhỏ: “Anh nhớ Ánh, nhớ Ánh , nhớ Ánh mà không nói được với ai. Như tiếng kêu của một loài kiến nhỏ. Làm thế nào Ánh nghe thấy... Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh trở về buổi trưa mắt buồn, áo trắng... Rất mong thư Ánh mỗi ngày mỗi giờ mỗi tháng mỗi năm...” (trích bức thư Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh ngày 16/2/1965).
“Anh bây giờ đang có một điều cần nhất là: Yêu Ánh vô cùng. Anh đang nhớ lắm đây. Tình yêu đó bỗng đổi dạng như một phép lạ...” (thư gửi ngày 16/9/1966).
Cũng giống như những mối tình khác, Trịnh Công Sơn và Dao Ánh cũng có những khoảng thời gian giận hờn, trách móc. Dao Ánh đã từng dùng lời một bài hát tiếng Pháp để gửi cho Trịnh: “Em sẽ đợi giông tố và gió mưa về để khóc. Em mãi yêu anh nhưng anh chẳng màng gì tới nỗi buồn của em. Và em sẽ khóc dưới mưa đây”.
Khi nhận lời trách móc đầy yêu thương của người tình bé nhỏ, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn cũng trích dẫn một câu nói tiếng Pháp trong cuốn Khung cửa hẹp của Andre Gide: “Ngày ngày ngọn gió đời vẫn thổi nhưng chưa bao giờ thổi tắt được tình yêu”.
Tuy vậy, sau gần 4 năm gắn bó, Trịnh Công Sơn biết rằng không thể cho Dao Ánh cái cô muốn là một mái ấm gia đình nên ông chủ động chia tay và nhận hết tội lỗi về mình. Trong bức thư chia tay, vị nhạc sỹ họ Trịnh viết: "Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cảm ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được…”
Dao Ánh và Trịnh Công Sơn hội ngộ khi cả hai đã đi qua nhiều thăng trầm của cuộc đời.
Sau cuộc tình đẹp nhưng cũng đầy xót xa với Trịnh Công Sơn, Dao Ánh đã sang Mỹ và lập gia đình. Bà vẫn giữ liên lạc với gia đình người nhạc sỹ này. Vào năm 1989, khi Trịnh Công Sơn đã bước sang tuổi 50 tuổi, ông viết thư gửi người tình cũ với những lời trách nhẹ: “Dao Ánh ơi, lâu lắm mới viết lại tên Ánh trên tờ thư (...) Anh nhớ Ánh như những ngày xưa (...) Những kỷ niệm xưa đã nằm trong những bài hát của anh. Ánh thì chẳng giữ lại gì cả. Thế mà cũng hay. Hãy để một người khác giữ và mình thì đã lãng quên hoặc nhớ trên một văn bản không bao giờ có thực”.
Tuy nhiên, trái ngược với suy đoán của Trịnh Công Sơn, Dao Ánh vẫn giữ từng bức thư mà ông gửi, giữ lại cả những bông lau trên đồi B'lao, những bông hồng còn e ấp mà 45 năm trước Trịnh Công Sơn đã ép và gửi tặng bà.
Vào năm 1993, Dao Ánh trở về Việt Nam và tìm gặp lại người cũ. Trịnh Công Sơn cũng đã viết ca khúc Xin trả nợ người để tặng bà. Sau cuộc tái ngộ này, Dao Ánh đã ly dị chồng.
Những ngày cuối đời nhạc sỹ Trịnh Công Sơn bị ốm nặng, Dao Ánh cũng trở về Việt Nam chăm sóc ông. Bà cũng đã gửi tặng lại gia đình nhạc sỹ này hơn 300 bức thư tình mà ông đã gửi cho bà thuở còn yêu nhau.
Video ca khúc Còn tuổi nào cho em - ca khúc Trịnh Công Sơn viết tặng Dao Ánh qua giọng ca Khánh Ly:
Trích đoạn trong bức thư Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh vào ngày 13/9/1965 "Anh nhớ Ánh lạ lùng đó Ánh. Mà Ánh thì chỉ mong anh chóng đi xa, anh nghĩ thế. Mùa thu hầu như không có trên miền này. Ở đó lá đã bắt đầu vàng chưa Ánh. Những bụi bờ dọc theo những con dốc đất đỏ ở đây anh vừa đi qua ban sáng và thấy lá của hoa mặt trời xanh um. Anh ngắt gửi về Ánh một ngọn. Hoa thì vẫn chưa nở. Có lẽ đợi hôm nào có mặt trời thì hoa mới bắt đầu hiện diện và cũng là mùa mà anh đã gọi là mùa sinh nhật của hướng dương. Anh đang nhớ thầm về những buổi chiều thứ năm ở đó. Chỉ mới có vài ngày mà tưởng chừng như ngàn đời qua đi trên anh. Anh chợt nghĩ rằng cuộc đời buồn bã như thế này sao chúng mình không tha thiết với nhau hơn. Những ai chưa bao giờ đi, chưa bao giờ sống qua nhiều nơi, sống qua những ngày mưa ngày nắng trên bao nhiêu vùng đất khác nhau, chưa bao giờ nhìn sâu vào bên sau của con người thì hẳn mới còn đua đòi vào những hời hợt nhạt nhẽo của đời sống được. Buổi trưa trời âm u và hơi lạnh. Anh vẫn không thể nào không thấy sự lạc lõng của mình nơi đây. Ở trường Đồng Khánh giờ này chắc Ánh đang mài miệt với những bài vở mới. Sân trường đã có những cây hoa vàng, tím mọc nhoi lên trên từng bãi cỏ xanh. Đúng không. E cũng phải mất đến hằng mấy tháng anh mới tạm ổn mình được vào với thành phố này lại. Bây giờ anh không còn làm người gác hải đăng, Ánh cũng thôi làm người mang lửa. Chúng mình làm sao níu cho được tay nhau trong suốt mùa Đông này? Cơn mưa như thác đổ ngoài trời. Đồi trà bây giờ mù mịt không còn thấy gì. Anh đang có Ánh – tuổi – nhỏ trước mặt trong chiếc hộp nhỏ anh mang theo đó. Mưa rất buồn. Như một điệp khúc dai dẳng trong mấy tháng mùa Đông này. Ánh ơi. Nếu còn sự yêu thương và nhớ nhung nào trong Ánh thì hãy gửi làm quà cho anh để anh coi thường những tháng ngày ẩm mục nơi đây Nhớ vô ngần". |
Mời độc giả đón xem kỳ cuối: Chuyện tình của nhạc sỹ Phạm Duy vào sáng mai (ngày 6/9) tại mục CA NHẠC!