Liveshow 6 Giọng hát Việt: Bất thường!
Thay vì chú trọng vào giọng hát của từng thí sinh, live show thứ 6 của Giọng hát Việt lại khiến giới chuyên môn nổ tung bởi những tranh luận giữa các huấn luyện viên về dòng nhạc, định hướng, bản quyền. Thêm một bất ổn mà khán giả phải quan tâm chính là kết quả bình chọn thí sinh đi tiếp các liveshow tiếp theo.
Xét góc độ cá nhân 4 huấn luyện viên của Giọng hát Việt năm nay, dù muốn hay không ở những đêm thi trực tiếp, áp lực thuyết phục hàng triệu khán giả và bảo vệ được tên tuổi gây dựng nhiều năm qua có khi còn lớn hơn việc phải đưa thí sinh của mình đến với ngôi vị quán quân.
Cuộc đấu ngầm giữa các huấn luyện viên ẩn chứa trong các nhận xét về các thí sinh. Khi sóng trực tiếp không thể sửa chữa, 4 huấn luyện viên không còn cách nào khác là phải chứng tỏ mình là những nhân vật đủ sức đại diện cho vị thế mà họ đảm nhận trong cuộc thi năm nay.
Tranh luận của HLV Đàm Vĩnh Hưng
Là người sớm đưa ra nhiều lời kêu gọi không chỉ ở Giọng hát Việt, khán giả vẫn còn ấn tượng với giám khảo Quốc Trung trong Thần tượng âm nhạc khi nhắc đến việc “nghe có ý thức”. Anh cũng là người đề cập không ít đến chữ “văn minh” trong âm nhạc. Dù đó là những việc cần và đủ để đẩy nền nhạc nhẹ trong nước phát triển tích cực hơn, nhưng sự nhắc nhớ ấy đã đến mức cực đoan và khiến cho 3 huấn luyện viên còn lại phải thể hiện lý lẽ riêng của mình.
Khán giả sẽ không khó nhận ra cuộc “đụng độ” thật sự giữa những suy nghĩ rất thực tế, thị trường của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khi đánh giá các phần thi trong live show 6. Trong khi đó, nhạc sĩ Quốc Trung lại có thái cực ngược lại. Anh luôn đòi hỏi một chuẩn mực nhất định cho cái gọi là giá trị nghệ thuật, không đơn giản chỉ hay là được.
Trường hợp tiết mục được gắn mác “18+” của Ngọc Trâm – thành viên đội Mr Đàm là một ví dụ. Cuộc “khẩu chiến” trên ghế nóng này đã bộc lộ những quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau trong âm nhạc của họ.
Dù muốn hay không, áp lực từ phía bình chọn của khán giả đã tạo nên sự mâu thuẫn ngay chính trên sân khấu, trong các tuyên bố và định hướng mà nhạc sĩ Quốc Trung cố lèo lái từ đầu đến nay. Anh đánh giá cao sự tự nhiên trong chuẩn mực hơn là phá vỡ một vài quy tắc.
Và NS Quốc Trung nổi cộm trong đêm thi thứ 6
Đêm qua, Hoàng Tôn đã thông minh khi chọn hit của Mỹ Tâm là Chỉ có thể là tình yêu để thể hiện. Dù cũng nằm trong xu hướng nhạc sĩ trẻ sáng tác và hát nhưng Hoàng Tôn không đủ kĩ thuật thanh nhạc để hát bài hát này, dù chỉ là một tác phẩm nhạc nhẹ. Tuy nhiên, khán giả vẫn bình chọn cho Hoàng Tôn.
Hay Hà Linh là giọng hát được đánh giá cao ngay từ đầu cũng mang đến một bài hát đồng sáng tác cùng Phương Hà mang tên “Nước mắt mặt trời”. Và Ngọc Trâm hát một ca khúc được cho là quá tuổi “Những ngày yêu như mơ” đều là 2 tiết mục tạo ra vấn đề bất ổn cho liveshow 6 vừa qua.
Với Ngọc Trâm, nhạc sĩ Quốc Trung đề cập đến ca khúc phù hợp lứa tuổi, định hướng, không nhầm lẫn cho thí sinh từ các huấn luyện viên còn lại. Thêm vào đó, tiết mục của Hà Linh không tô đậm được một phong cách âm nhạc nào, khi có chút dân gian đương đại, khi gào thét gầm rú, khi thì dance như trong một vũ trường... Rõ ràng, nhạc sĩ Quốc Trung đang nói những bất ổn có cơ sở và nó thể hiện ngay trên sân khấu liveshow vừa qua.
Tiết mục 18+ của Ngọc Trâm được cho là quá tuổi
Điều này khán giả vẫn thường thấy trong các cuộc thi âm nhạc và đặc biệt ở Giọng hát Việt. Một sân chơi quá hoành tráng về các tiểu tiết như dàn dựng, trang phục... đã ít nhiều tạo ra bất ổn về mặt tâm lý cho thí sinh. Thay vì cứ hát tự nhiên, thoải mái thì các bạn trẻ phải đứng trong một tổng thể dàn dựng nhiều màu sắc, nhiều tính hấp dẫn hơn là sự thuyết phục đơn thuần là giọng hát.
Ngay cả bài “Vết mưa” của Cát Tường cũng nằm trong xu hướng dàn dựng đó. Khán giả thời gian qua lên án kịch liệt vấn đề ca sĩ thiên về trình diễn nhiều hơn hát, thì ngay ở Giọng hát Việt lại rất đậm phương thức thể hiện như vậy. Duy có một vài thí sinh rất biết tiết chế trên sân khấu đã làm người nghe tạm hài lòng như Hà My.
Cuộc thi đã gần đi đến đoạn kết, chỉ mới mùa thứ 2, Giọng hát Việt đã để bùng nổ quá nhiều vấn đề tranh luận. Nhạc sĩ Quốc Trung dù đóng "vai ác" hay không trong kế hoạch truyền thông của cuộc thi thì anh cũng đã mang đến nhiều quan điểm xét lại từ sân khấu rất hoành tráng này.
Giọng hát Việt đang chú trọng rất nhiều vào dàn dựng sân khấu, phụ họa cho các thí sinh
Thể loại âm nhạc vẫn luôn là vấn đề nhiều ca sĩ nhầm lẫn hiện nay khi không biết rõ thể loại thì làm sao ca sĩ có thể trình bày tốt nhất. Yếu tố dàn dựng có cần thiết không ở một cuộc thi tìm kiếm giọng hát hay? Sự phù hợp giữa độ tuổi và ca khúc cũng là hồi chuông cảnh tỉnh không chỉ giới ca sĩ biểu diễn mà giới sáng tác? Liệu chúng ta đang bỏ ngõ rất nhiều đối tượng khán giả mà chỉ chạy theo bề nổi bên ngoài?