"KPop là gì mà so với bóng đá"
Kể từ khi cậu sinh viên Vũ Xuân Tiến, người được gọi bằng biệt hiệu “Running Man”, nổi tiếng với vai người hùng trong tour châu Á của đội tuyển Arsenal thì cũng là lúc trên các diễn đàn mạng dậy sóng tranh cãi về chuyện fan cuồng K-Pop và bóng đá.
Rất nhiều ý kiến được chia sẻ trên các diễn đàn, facebook, blog…
Hình ảnh “Running Man” Vũ Xuân Tiến được đem so sánh với những fan nam khóc sướt mướt khi được nhìn thấy nhóm nhạc thần tượng nữ của Hàn Quốc hay cảnh hàng loạt những cô gái chạy theo xe của Super Junior trên đường phố Hà Nội. Nhiều người còn đặt câu hỏi, nếu Vũ Xuân Tiến đang chạy theo một chiếc xe chở ca sỹ K-Pop, liệu anh có được tung hê hay sẽ bị “ném đá”?
"Running Man" Vũ Xuân Tiến được ca ngợi là người hùng
Các fan nữ Việt chạy theo Super Junior trên đường phố đông xe cộ bị la ó
Một bảng so sánh được truyền tay nhau trong cộng đồng facebook. Đó là những gạch đầu dòng liệt kê sự khác biệt giữa K-Pop và Arsenal từ một fan của bóng đá.
Một fan bóng đá đưa ra so sánh Arsenal với K-Pop
Status trên ngay lập tức nhận được nhiều lượt like của các cổ động viên Pháo thủ. "KPop là gì mà đòi so với bóng đá" - lời nói này trở thành câu cửa miệng với các fan Arsenal trong "trận đấu" trên các diễn đàn với fan nhạc Hàn.
Fan K-Pop không chịu ngồi yên. Họ liệt kê những chương trình truyền hình Hàn Quốc tới Việt Nam ghi hình và phát sóng tại Hàn. “Bạn có xem chương trình Running Man được quay ở Việt Nam không? đã bao giờ bạn được xem 1 clip giới thiệu về Ninh Bình đẹp như vậy chưa? do người Việt Nam quay? hay bạn đã xem barefoot friend chưa? những cảnh quay ở Việt Nam luôn làm cho thế giới phải há mồm. Có chương trình nào của VN đã làm được điều đó chưa?” – Một fan K-Pop phản pháo trên mạng.
Fan bóng đá chê fan K-Pop, tôn vinh tính chuyên nghiệp và sự bền bỉ của “Running Man” như một người hùng của cộng đồng fan Việt chân chính. Một bạn bình luận: “Xuân Tiến cuồng nhưng cuồng trên cơ sở văn hóa (chỉ xin chữ ký chụp chung rồi xuống xe) vì thế được xã hội chấp nhận”. “Cuồng nhưng là cuồng nhiệt kiểu fan bóng đá, rất sôi động rất là...nhiệt nhưng không bao giờ đến mức thần tượng đến là fan đổ gục ra rồi ôm nhau khóc giữa sân bay.” - một bạn khác viết.
“Running Man” Vũ Xuân Tiến được ca ngợi vì sự đam mê cuồng nhiệt trên cơ sở văn hóa
Video: Fan Việt phát cuồng vì Running Man sang Việt Nam
Ngập tràn trên các mạng xã hội những ngày qua là những so sánh nhằm tung hê fan bóng đá cổ vũ cuồng nhiệt và chê bai fan cuồng K-Pop có những hành động “hôn ghế, đòi tự tử, chửi cha mẹ, dọa giết người, bán thân…” chỉ vì thần tượng.
Ở đâu cũng có fan cuồng dù là bóng đá hay K-Pop, nhưng xin đừng "vơ đũa cả nắm"
Cộng đồng fan K-Pop chân chính kịch liệt phản đối việc “vơ đũa cả nắm”, khi mô hình chung họ bị coi là thành phần những fan cuồng điên dại. “Con sâu làm rầu nồi canh” – một số bạn fan cuồng K-Pop với những cử chỉ và lời nói thiếu chín chắn khi coi trọng thần tượng hơn cha mẹ đã làm xấu đi hình ảnh của những fan chính nghĩa. K-Pop có thể không có lượng hâm mộ đông như trái bóng tròn nhưng tốc độ phát triển và nổi tiếng của K-Pop là một tấm gương mà nhiều quốc gia khác phải ngưỡng mộ.
Từ một nền âm nhạc thường thường bậc trung mới chính thức bắt đầu thử nghiệm từ năm 1992, đến nay K-Pop đã trở nên thịnh hành khắp thế giới. Sự gia tăng nhanh chóng trong xuất khẩu văn hóa Hàn từ năm 1997 đến năm 2012 với sự phổ biến trên toàn thế giới chủ yếu nhờ vào K-Pop. Kể từ giữa những năm 2000, thị trường nhạc K-Pop đã trải qua tốc độ tăng trưởng 2 con số. Trong nửa đầu của năm 2012 đạt doanh thu gần 3,4 tỷ USD (tương đương hơn 72.000 tỷ VND) và được Tạp chí Time công nhận là “ngành xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc”. Đặc biệt, kể từ khi ca khúc Gangnam Style được phổ biến, K-Pop càng trở thành một lĩnh vực giải trí phát triển mạnh mẽ.
Có rất nhiều nghệ sỹ âm nhạc và những người nổi tiếng là người hâm mộ của K-Pop. Pixie Lott coi mình là một fan hâm mộ trung thành của nhóm Big Bang. Giám đốc sáng tạo của Lady Gaga cũng là một fan của Big Bang và 2NE1. Rapper người Mỹ Snoop Dogg cho rằng K-Pop là niềm vui của mình.
Bạn có thể thấy những nguyên thủ quốc gia ngồi xem những trận bóng đá kinh điển. Bạn cũng sẽ thấy gia đình Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng xem một chương trình có nam ca sỹ Hàn Quốc Psy biểu diễn. Bạn thấy những cầu thủ bóng đá bị chấn thương được đưa lên cán ra ngoài sân. Bạn sẽ thấy những ca sỹ Hàn Quốc tập luyện ngày đêm vắt kiệt sức để hoàn thành một bài nhảy vũ đạo. Ngay cả cái tên “Running Man” mà Arsenal gọi fan Việt Vũ Xuân Tiến cũng khiến những fan K-Pop nhận ra hình bóng của một chương trình truyền hình thực tế hot nhất xứ Hàn.
Tổng thống Mỹ Barack Obama xem ca sỹ Psy Hàn Quốc biểu diễn và bắt tay thân mật
Còn Tổng thống Nga Putin xem bóng đá trong quán cafe
Những tranh cãi ủng hộ thần tượng chắc chắn không bao giờ đặt dấu chấm hết. Bởi fan và thần tượng không chỉ bao gồm sự yêu mến mà còn mang ý nghĩa bảo vệ và tranh đấu.