Kpop “gây bão” toàn thế giới
K-Pop là từ viết tắt để chỉ âm nhạc được lưu hành rộng rãi, phổ biến, mang tính đại chúng tại Hàn Quốc. Nó bắt nguồn từ hai từ ghép: Korea và Pop.
Pop vốn là một thể loại nhạc đại chúng phát triển từ châu Âu và khi phát triển ở mỗi quốc gia sẽ được gắn thêm một danh từ riêng vào trước, như T-pop (nhạc thái), C-pop (nhạc Trung), J-Pop (nhạc Nhật)…
Lịch sử K-Pop
Âm nhạc Hàn đã có một lịch sử phát triển đáng nể. Từ những năm 1970 – thời kỳ khởi đầu của K-Pop, đi qua những năm 80, 90 được xem là thời kỳ phát triển rực rỡ và bước vào những năm 2000 với một diện mạo hoàn toàn mới, để sải cánh bay xa ra thị trường thế giới như ngày hôm nay.
Những năm 90 được coi là thời kỳ bùng nổ thị trường đĩa nhạc tại Hàn. Đĩa nhạc Cuộc gặp gỡ sai lầm của nam ca sỹ Kim Gun Mo chỉ trong một ngày đã phá kỷ lục với số lượng bán ra 2.500.000 đĩa.
Cùng lúc đó, nhóm Seo Taiji & Boys, Shin Seung Hoon… cũng đột phá với lượng bán 1 triệu đĩa. Ngoài ra, trong năm 1990, Kim Wan Sun đã trở thành ca sỹ nữ đầu tiên bán được 1 triệu đĩa nhạc tại Hàn.
Trong khi đó, nhóm Seo Taiji & Boys đã viết nên lịch sử thời kỳ đầu của K-Pop. Nhóm ra mắt năm 1992, bắt kịp với sự chuyển hóa âm nhạc đại chúng Hàn.
Khán giả bị lôi cuốn và ấn tượng với phong cách mới của thể loại techno và rap hiện đại.
Bên cạnh đó, nhóm nhạc hai thành viên DEUX cũng rất nổi tiếng trong thời kỳ đầu những năm 90 với thể loại nhạc của Seo Taiji.
Nhóm Seo Taiji & Boys viết nên lịch sử thời kỳ đầu của K-Pop
Bước vào những năm 2000, thị trường đĩa nhạc Hàn đột nhiên bị thu hẹp, lượng đĩa rất khó vượt qua con số 200.000 bản. Tình trạng u ám của thị trường nhạc kéo dài, đồng thời buộc Hàn Quốc từ việc chỉ phát hành đĩa nhạc thực tế phải biến đổi sang một thể thức mới lấy trọng tâm là mạng online.
Từ nửa sau những năm 2000 cho tới nay là sự nổi tiếng ở thế thượng phong của các nhóm nhạc thần tượng.
Nhóm Super Junior được đánh giá là người lãnh đạo của K-Pop đã thể hiện thế lực của mình khi liên tiếp đứng vị trí số 1 suốt 100 tuần liền trên BXH âm nhạc Đài Loan.
Nhóm nhạc nữ Wonder Girls sau khi tuyên bố "Mỹ tiến" với ca khúc Nobody đã trở thành ban nhạc Hàn đầu tiên thâm nhập vị trí số 76 trong Top 100 của Billboard.
Nhóm Super Junior được đánh giá là người lãnh đạo của K-Pop từ nửa sau những năm 2000
Bước vào năm 2010, nhiều nhóm nhạc đã có chiến lược Nhật tiến. SNSD vươn lên vị trí số 1 trong BXH đĩa đơn của Oricon Nhật Bản với bản single Gee. Nhóm KARA cũng tạo nên cơn bão Hallyu ngay trên xứ hoa anh đào.
Năm 2012, nam ca sỹ Psy với MV Gangnam Style đã tiếp tục viết nên lịch sử mới cho K-Pop khi đứng vị trí á quân suốt 6 tuần liền trong Hot 100 của Billboard, Mỹ.
Psy mở ra một lịch sử phát triển vượt bậc của K-Pop trên toàn thế giới
Những con số ấn tượng
Sức ảnh hưởng của K-Pop trên toàn cầu đã thể hiện qua những nhân vật tiêu biểu được fan toàn thế giới mến mộ, qua số lượng đĩa nhạc bán ra và thu nhập khủng của các ca sỹ, nhóm nhạc.
K-Pop có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới, từ Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc đến Châu Phi.
K-Pop nằm trong chiến lược quảng bá văn hóa Hàn được gọi tắt là Hallyu. "Cán cân thương mại" trong ngành công nghiệp sáng tạo này đã tăng nhanh trong những năm trở lại đây.
Năm 2010 xuất khẩu văn hóa thu về 350 triệu đô cho Hàn. Đến năm 2011, con số tăng lên 24,7 tỷ đô.
Một nghiên cứu năm 2011 của Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc báo cáo 83,6% ý kiến người tiêu dùng Châu Á cho rằng Hallyu là một yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn các sản phẩm do Hàn Quốc sản xuất.
Kể từ năm 2007, ngành công nghiệp K-Pop tăng doanh thu tại nước ngoài với tốc độ gần 80%/năm.
Doanh thu xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc tăng nhanh trong những năm gần đây
Bên cạnh con số ấn tượng về doanh thu, K-Pop còn chứng minh sự phổ biến qua lượng người xem các video, clip.
Theo thống kê của You Tube, trong năm 2011, các video K-Pop thu hút gần 2,3 tỷ lượt người xem đến từ 253 quốc gia. Con số tăng gấp gần 3 lần so với năm 2010, cho thấy sự mở rộng và phát triển với tốc độ nhanh, mạnh của nền nhạc Hàn với cộng đồng quốc tế.
Số lượng đĩa nhạc của các ca sỹ, nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc luôn gây bất ngờ với cộng đồng mạng. Tuy hát bằng ngôn ngữ tiếng Hàn - một thứ tiếng mang tính riêng biệt chỉ của một quốc gia nhưng các ngôi sao lại có thể chinh phục được lượng người nghe ở hàng trăm quốc gia khác nhau.
SNSD tiêu biểu cho các nhóm nhạc thần tượng nữ Hàn Quốc
Đơn cử như thành tích ra đĩa của các nhóm nhạc lừng danh xứ kim chi.
SNSD là nhóm nhạc nữ châu Á đầu tiên xếp vị trí số 1 tại Oricon của Nhật với thành tích 80.000 bản đặt trước cho Genie. Album thứ 3 The Boys phát hành tháng 10/2011 của họ đã mở ra một thời kỳ phát triển mạnh mẽ tại Mỹ và châu Âu.
Trong khi đó, tổng doanh số album thứ 6 của Super Junior bán được khoảng 470.000 bản tính đến hết tháng 10/2012, đưa album lên vị trí thứ 3 trên BXH World Albums của Billboard. Đây cũng là thành tích của album thứ 5 Mr. Simple mà trước đó nhóm đã đạt được.
Điển hình nhất về sự ảnh hưởng của K-Pop trên thế giới hiện nay chính là Gangnam Style của Psy.
Kể từ ngày phát hành (15/7/2012) tính đến 11h trưa ngày 22/12/2012 đã có 1.008.286.535 lượt người xem MV này trên You Tube, phá kỷ lục là ca khúc có trên 1 tỷ người xem.
MV này đã thu về lợi nhuận hơn 2 triệu đô cho YouTube chỉ trong 5 tháng. Cộng với phí tải nhạc, các trang nhạc online của Mỹ đã thu ước chừng 500.000 đô chỉ với một ca khúc tiếng Hàn này. Tính chung các trang nhạc Mỹ, bao gồm của Billboard đã thu tới 6 triệu đô từ lợi nhuận phát Gangnam Style trên mạng.
Hiện nay có hàng trăm các trang web quốc tế chuyên về đề tài của K-Pop với hàng triệu fan hâm mộ. Ngay cả các ngôi sao Mỹ cũng phải thừa nhận là fan của K-Pop. Ví như Will Smith - một nam diễn viên nổi tiếng Hollywood cũng chẳng ngại tiết lộ vợ và con gái anh là fan hâm mộ của nhóm Wonder Girls.
Sức ảnh hưởng K-Pop tại Việt Nam rất lớn, đặc biệt đối với thế hệ 9X, 10X tương lai của đất nước
Tại Việt Nam, cơn sốt K-Pop nói chung và Gangnam Style nói riêng cũng không ngoại lệ. Ngay tới một đứa trẻ 2, 3 tuổi người Việt cũng thích điệu nhảy ngựa và chập chững nhảy theo.
Cộng đồng người Việt hâm mộ nhạc Hàn lên tới hàng triệu người với các fansite các nhóm nhạc, ca sỹ Hàn cập nhật tới từng chi tiết nhỏ nhất - từ sự nghiệp, đời tư tới chuyện sinh hoạt của sao.
Khi chuẩn bị bước sang năm 2012, nhiều chuyên gia Hàn đã lo lắng cơn sốt K-Pop sẽ bị giảm nhiệt nhưng thực tế năm nay lại là một năm “ăn nên làm ra” của nhạc Hàn.
Cùng với sức ảnh hưởng như vũ bão của K-Pop, nhiều người lo ngại về "mưu đồ xâm lăng văn hóa" tới thế hệ trẻ của các quốc gia. Bởi ảnh hưởng K-Pop không chỉ gói gọn ở việc thích nghe một bản nhạc mà nó đã phát huy sang khía cạnh ngôn ngữ, đời sống văn hóa, tư duy, nếp nghĩ của thế hệ 9X, 10X ở nhiều quốc gia khác.
Hàn Quốc đã có những chiến thuật gì để đưa K-Pop phát triển mạnh như vũ bão tới vậy? Cùng đón đọc phần 2 của loạt bài viết về để hiểu về nguyên nhân thành công của K-Pop vào 0h sáng Thứ Tư (26/12/2012). |