Khi giám khảo gây "sốc"

Sự kiện: Giọng Hát Việt

Lời nói, hành động không hay của các giám khảo - đa phần là người nổi tiếng, sẽ ảnh hưởng xấu đến công chúng, nhất là giới trẻ.

Chương trình truyền hình thực tế bùng nổ, nhiều người nổi tiếng từ các lĩnh vực gồm ca sĩ, người mẫu, diễn viên, đạo diễn, nhạc sĩ... liên tục được mời ngồi “ghế nóng” để tạo sức hút từ khán giả.

Tuy nhiên, vì muốn chương trình trở nên hấp dẫn, họ không ngại giở chiêu trò, kể cả việc “hạ bệ” chương trình đối thủ. Những hành động không đẹp của các vị “cầm cân nảy mực” khiến khán giả ngày càng thất vọng.

Trong đêm gala 3 chung kết Vietnam Idol 2012, diễn ra tối 9/11, hai giám khảo Quốc Trung và Nguyễn Quang Dũng đội tóc giả mái cắt ngang theo phong cách Cleopatra, kính đen, ngồi lẫn hàng ghế khán giả cổ vũ phần biểu diễn của Mỹ Tâm.

Họ lý giải hành động này rằng trong đêm gala 3, Mỹ Tâm được yêu mến với mái tóc dài thẳng nên cũng muốn thử xem có ai yêu họ không. “Tôi ngồi đây mà không thấy ai hú hét, chỉ khi nào Mỹ Tâm hát mới thấy khán giả bùng nổ. Điều này chứng tỏ quần áo, tóc tai không quan trọng bằng giọng hát” - Quốc Trung nói.

Khi giám khảo gây "sốc" - 1

Quốc Trung - Quang Dũng hóa trang giống Mỹ Tâm để ủng hộ Mỹ Tâm biểu diễn trong đêm gala 3 chung kết Vietnam Idol 2012. (Ảnh: Đào Trang)

Phát ngôn này chẳng có gì quá đáng trong điều kiện bình thường. Thế nhưng, ở thời điểm nhạc sĩ Quốc Trung làm giám khảo chương trình truyền hình thực tế đối đầu chương trình khác phát sóng cùng thời điểm, nhất cử nhất động đều có thể mang hàm ý.

Nhiều cư dân mạng cho rằng phát biểu của Quốc Trung chẳng khác nào “đá xéo” nữ giám khảo nổi bật ở chương trình đối thủ. Cô này nổi tiếng ăn mặc thẩm mỹ, được công chúng khen tặng là fashion icon (biểu tượng thời trang).

Trước đó, Quốc Trung từng bị chỉ trích vì “vạ miệng” trong phần nhận xét mang tính phê bình thí sinh đến từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam: “Theo những gì tôi biết thì những sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia chỉ có ca sĩ Tùng Dương là nghe nhạc quốc tế”.

Sau đó, nhạc sĩ này đã trần tình thanh minh về ý kiến của mình nhưng không giúp làm nguôi cơn giận của sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Nếu Vietnam Idol  2012 lùm xùm chuyện phát ngôn thì huấn luyện viên của Giọng hát Việt ngày càng khiến công chúng ngán cảnh nói nhiều và “câu giờ”.

Sẽ thật khập khiễng nếu so sánh chương trình này với The Voice Mỹ nhưng khi cả hai cùng lên sóng truyền hình gần như cùng thời điểm (The Voice Mỹ đang phát sóng trên kênh AXN và Star World, đó là chưa kể những mùa trước đang được phát sóng trên VTV6 và tất cả đều có phụ đề tiếng Việt) thì khán giả không khỏi so sánh.

Huấn luyện viên tây nói ngắn gọn, súc tích cùng với những lựa chọn quyết đoán, còn huấn luyện viên Giọng hát Việt lại nói dài, dai, dở.

Nối dài danh sách những giám khảo đang “tra tấn” khán giả còn phải kể đến đội ngũ “cầm cân nảy mực” ở Vietnam’s next top model 2012. Họ như muốn phô bày bản thân họ hơn việc tuyển chọn, đào luyện một người mẫu có tiềm năng.

Những trách mắng, la hét của Xuân Lan trong chương trình không phải cách làm phù hợp. Và càng thiếu tế nhị khi giám khảo sử dụng những câu tiếng lóng để chỉ trích thí sinh như cách mà chuyên gia trang điểm Nam Trung làm trong chương trình này.

Nhìn chung, khán giả ngán giám khảo Việt chỉ vì họ ưa bàn chuyện “râu ria” mà không tập trung vào chuyên môn. Thậm chí có giám khảo đầu tư thời gian học cách nói chuyện trước công chúng với mong muốn tạo nên một hình ảnh hoàn hảo nhưng lại quên mất việc tích lũy vốn sống để ứng xử tinh tế trước mọi tình huống.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Trang (Người lao động)
Giọng Hát Việt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN