Khi bầu sô kém cỏi, "cản bước" sao
Khi ngành giải trí đang dần trở thành một ngành công nghiệp giải trí, thì đội ngũ quản lý của nghệ sỹ tại Việt Nam vẫn còn làm việc khá cục bộ, bị động, thiên về cảm tính.
Quản lý là người trong nhà
Lời đồn người nhà á quân The Voice Kids 2013 Phương Mỹ Chi làm quản lý đã "hét giá cát sê" lên tới hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu cho một lần xuất hiện đã được gia đình em xác nhận. Tuy nhiên, người nhà cũng lý giải rằng họ không phải người chuyên nghiệp hay có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Dù đã tham khảo ý kiến từ một số người trong ngành, vẫn không tránh khỏi sai sót, dẫn đến tin đồn "hét giá khủng". Không chỉ vậy, sau khi đoạt giải, Phương Mỹ Chi được săn đón như một ca sỹ chuyên nghiệp tại các sự kiện trong cả nước. Gia đình em phải gác công việc buôn bán, đi theo vừa chăm sóc, vừa làm quản lý cho em. Điều này cho thấy, để có những bước phát triển trong tương lai, Mỹ Chi cần có một người quản lý chuyên nghiệp hơn rất nhiều.
Sự phát triển của ca sỹ đôi khi cũng được nâng bước bởi quản lý.
Trước nay, người quản lý cho giới nghệ sỹ tại Việt Nam đa phần mới chỉ đơn thuần dừng lại ở mức hỗ trợ cho nhau lúc này, lúc khác. Đơn giản chỉ là lên lịch làm việc, nhận sô và ký hợp đồng, ra giá và nhận tiền cát sê, ra mặt trước mỗi cuộc giao lưu với công chúng và báo chí khi cần thiết. Có người trở thành quản lý cho sao chính từ vị trí trưởng nhóm fanclub (nhóm người hâm mộ - PV) của sao. Có nghệ sỹ tìm người quản lý là người thân trong nhà như cha mẹ, anh chị em,... Một bộ phận nghệ sỹ trẻ tại Việt Nam, luôn có xu hướng tìm cho mình đội ngũ quản lý trẻ. Thường là người làm việc trong ngành truyền thông, biên tập viên, hoặc cộng tác viên của các trang web giải trí. Những người trẻ này có ưu thế về mối quan hệ rộng rãi trong giới giải trí, nhanh nhạy với các hoạt động giải trí, có sức sáng tạo, năng nổ, hoạt bát. Tuy nhiên, không phải người trẻ nào cũng trở thành một quản lý giỏi.
Một nhà quản lý nghệ sỹ đòi hỏi vừa phải có chiến lược nghệ thuật, am hiểu các khâu sản xuất cũng như bản chất đời sống của làng giải trí Việt, đồng thời phải có tư duy kinh doanh. Tất cả những yếu tố này, là tiền đề để đưa một nghệ sỹ vượt lên, trở thành ngôi sao và đứng vững ở vị trí này, so với hàng trăm ngàn người chen chân vào bầu trời giải trí như hiện nay. Điều này lý giải tại sao, nhiều ca sỹ Việt Nam có triển vọng, tài năng, từng đoạt giải này, giải khác, nhưng vẫn không thể bứt phá. Bởi họ còn thiếu một cái bóng, một quân sư đắc lực. Họ không tìm được cho mình một người quản lý có tầm, cũng như nhìn ra điểm mạnh, điểm yếu của họ. Với môi trường giải trí nhiều thị phi, đầy tai tiếng, người quản lý còn phải là người có khả năng giải quyết các "khủng hoảng scandal" cho người nghệ sỹ của mình, mà không ảnh hưởng đến hình ảnh của họ. Họ đồng thời cũng là người xây dựng hình ảnh và bảo vệ hình ảnh của người nghệ sỹ mà mình quản lý, làm cho họ khác biệt so với mọi nghệ sỹ khác.
Hiện nay, bên cạnh một người quản lý, trợ lý riêng, thì một số công ty quản lý được thành lập, và không ít nghệ sỹ, ca sỹ, nhóm nhạc đã ra đời từ đó. Điển hình có thể kể đến các công ty đào tạo và quản lý: Cánh chim Việt (nhóm 1080), Tài năng mới (ca sỹ Phi Hùng), H.T Production (ca sỹ Đan Trường), The Music Box (Nam Cường),... Sự quản lý của các công ty này mang tính chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, các ca sỹ thường chỉ gắn bó với công ty lúc đầu, sau đó hầu hết đều tách ra hoạt động riêng khi thấy mình đã đủ trưởng thành, và tìm cho mình một quản lý riêng.
Và trong đội ngũ quản lý nghệ sỹ hùng hậu như hiện nay, chỉ đếm trên đầu ngón tay những người quản lý xuất sắc, tạo nên tên tuổi vững vàng cho các nghệ sỹ như: Đan Trường, Phi Hùng, Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm, Lê Cát Trọng Lý, Văn Mai Hương,... Trong khi rất nhiều nghệ sỹ khác, vẫn còn loay hoay tìm chỗ đứng cho mình, hoặc chỉ ở mức thường thường bậc trung, chưa thể bứt phá. Mà ca sỹ Uyên Linh là một điển hình. Dù cô có xuất phát điểm tốt, thậm chí đoạt giải cao hơn ca sỹ Văn Mai Hương trong cuộc thi Vietnam Idol 2010. Nhưng đến thời điểm này, chính Văn Mai Hương đã trưởng thành vượt hẳn cô, ghi dấu bằng một số ca khúc hit.
Nhạc sỹ Hamlet Trương.
Thiếu những quản lý chuyên nghiệp
Vì quản lý đóng vai trò khá quan trọng trong sự thành công của giới nghệ sỹ, nên để trở thành một người quản lý được các nghệ sỹ nhắm đến đòi hỏi nhiều yếu tố. Chia sẻ vấn đề này nhạc sỹ Miêu Thanh, từng hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc tại Úc cho biết: "Người quản lý ca sỹ có trình độ chuyên sâu về âm nhạc, có tài ăn nói, có tài PR, biết định hình thể loại nhạc, phong cách và thời trang thích hợp nhất cho ca sỹ, tạo nét riêng biệt cho ca sỹ của mình,quan hệ rộng rãi... quen biết nhiều nhạc sỹ sáng tác ca khúc mới và hay. Biết nhiều nhạc sỹ hòa âm và phòng thu hay, quen nhiều báo, đài và trang mạng nhạc online đặc biệt là quen biết nhiều bầu show để có nhiều show diễn cho các ca sỹ. Các nghệ sỹ trong giới khác cũng vậy".
Chính vì người quản lý rất quan trọng nên một số nghệ sỹ thành danh cũng nhờ những người quản lý này. Nhạc sỹ Miêu Thanh phân tích thêm: "Người quản lý đóng vai trò rất quan trọng trong sự thành công của nghệ sỹ. Một người quản lý giỏi giúp nghệ sỹ thành công dễ dàng hơn và nhanh hơn, lấy thí dụ ca sỹ Hồ Ngọc Hà, Thủy Tiên, Văn Mai Hương. Ngược lại người quản lý dở chẳng bao giờ giúp nghệ sỹ thành danh. Tóm lại, người quản lý giỏi là người giúp nghệ sỹ kiếm tiền, tạo nên thương hiệu cho họ, giúp tiết kiệm thời gian và công sức". Còn ca sỹ - nhạc sỹ Hamlet Trương thì chia sẻ: "Khó để nói lắm, còn tùy giữa hai người thỏa thuận thế nào trong công việc với nhau. Riêng tôi thấy quản lý tốt là người được việc và nghĩ đường dài cho nghệ sỹ của mình".
Ở một phương diện nào đó, quản lý sẽ giúp nghệ sỹ nhẹ nhàng hơn trong công việc và có định hướng chắc chắn hơn. Phân tích về những ưu khuyết điểm trong việc có người quản lý, ca sỹ - nhạc sỹ Hamlet Trương chia sẻ: "Ưu điểm của việc có quản lý là nghệ sỹ có thể tập trung cho chuyên môn, không phải lo lắng quá nhiều các khâu khác của nghề. Khuyết điểm hiện tại của nghề này là người ta chưa phân biệt rõ đâu là "quản lý", đâu là "trợ lý" nên dễ xảy ra mâu thuẫn một khi công việc không như ý".
Hiện nay, ở Việt Nam, phần nhiều các nghệ sỹ thích tự lo từ A-Z vì vừa thuận tiện, vừa dễ dàng, mọi việc lại theo ý mình hơn. Tuy nhiên, khi làm một mình ca sỹ cũng phải lo lắng nhiều, phải chủ động trong công việc hơn các nghệ sỹ có người quản lý. Thế nên, cũng tùy vào hoàn cảnh mỗi người mà việc lựa chọn quản lý riêng sao cho phù hợp. Trong công việc nào cũng đòi hỏi sự ăn ý giữa ê kíp làm việc, thế nên quan hệ nghệ sỹ và quản lý cũng nằm trong yếu tố đó. Phân tích sâu hơn về vấn đề này, ca sỹ- nhạc sỹ Hamlet Trương cho biết: "Có quản lý cần nhưng không nhất thiết phải có, nếu người đó hợp ý với mình và hiểu mình thì quá tuyệt, còn nếu nghệ sỹ nào tính cách độc lập quá cao, muốn tự mình quyết định thì chỉ nên tuyển trợ lý. Hiện tại chính tôi cũng tự làm hết mọi việc của mình, và nhiều nghệ sỹ trẻ khác cũng thế".
Hiện nay, có thực tế là nhiều người quản lý nghệ sỹ vẫn có công việc khác cùng lúc, và họ xem nghề này là nghề tay trái để làm, chỉ một số ít làm nghề này một cách chuyên nghiệp thực thụ. Nếu có sự chuyên nghiệp trong quản lý, chắc chắn các nghệ sỹ Việt còn tiến xa hơn nữa.
Sự khác biệt "một trời một vực"
So sánh về sự chuyên nghiệp giữa quản lý nghệ sỹ ở Việt Nam và nước ngoài, nhạc sỹ Miêu Thanh chia sẻ: "Có khác biệt rõ ràng, một là trình độ chuyên sâu về âm nhạc không bằng người tây phương. Ở Việt Nam mình còn nhiều người quản lý ca sỹ không có chuyên môn, kinh nghiệm, đặc biệt nhiều trường hợp cha mẹ anh em bà con bạn bè là người quản lý. Hai là người quản lý của mình gánh quá nhiều việc, trong khi người quản lý tây phương, họ chia ra nhiều người, gánh ít việc và chuyên môn hơn".