Khánh Ly: Tiếng hát hút mọi miền ánh sáng

Có người bảo tiếng hát Khánh Ly liêu trai, ma mị. Người khác lại ví nó nhừa nhựa như một thứ thuốc gây nghiện, đã vướng thì khó lòng bứt ra được. Song, chung nhất, phải khẳng định rằng, giọng Khánh Ly đẹp và buồn.

Cái đẹp của âm vang lồng lộng, đặc sánh mà không chói gắt. Mộc mạc, chân phương như tấm áo nâu của bà, của mẹ quanh quẩn bên khói bếp, rơm rạ. Và cái buồn của kiếp người mong manh.

1. Tôi ngồi rất lâu trước màn hình máy tính. Tắt máy, rồi bật. Rồi lại tắt. Suốt 3 ngày như thế trước đề nghị của một người anh: Viết về cô Khánh Ly. Đây không phải là lần đầu tiên tôi viết chân dung những-người-chưa-gặp-mặt. Thông thường, tôi lắng nghe, tìm đọc tác phẩm của họ. Bởi tôi nghĩ, dù tính cách chúng ta như thế nào, thâm trầm ít nói hay sôi nổi hoạt bát, suy tư, ám ảnh, lo sợ, quan tâm đến điều gì, hời hợt hay sâu sắc, những gì chúng ta làm sẽ phản ánh nó một cách chân thật nhất.

Với người làm nghệ thuật, có gì thú cho bằng ta ngồi đối diện với tác phẩm của họ, hình dung về họ hơn là soi vào con người thật? Bằng những trải nghiệm của riêng mình, tôi tin, khi chúng ta viết hay hát một bài ca, một bài ca khe khẽ ngân giữa bộn bề công việc, muộn màng lo toan là lúc chúng ta sống thật với mình nhất.

Như khi, Trịnh Công Sơn viết: “Có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em/ Rớt nương theo vào đời làm thành nỗi ưu phiền”, ta thấy một tâm hồn mong mảnh, nhiều yêu thương, những yêu thương giản dị, nhạy cảm, thật thanh ngần, trong trẻo. Tôi vẫn tin rằng, đời sống là một sự giản dị mà ở đó hội tụ tất cả vẻ đẹp, âm thanh, ánh sáng, những sắc màu mải miết tạo nên dải lụa bất tận của những-hồn nhiên, trong trẻo.

Và chúng ta cũng mải miết chảy/trôi/cuốn trong cái dòng lụa bất tận như sông ấy bằng cái nhìn của riêng mình. Đâu phải, mọi điều giản đơn đều có thể hiểu?

Khánh Ly: Tiếng hát hút mọi miền ánh sáng - 1

Khánh Ly - người dệt hồn cho những ca khúc nhạc Trịnh

Tiếng hát của Khánh Ly chính là tiếng hát của thứ thang âm tưởng chừng như đơn giản mà không dễ hiểu ấy. Cũng như nhạc Trịnh đời thường, gần gụi mà vẫn bàng bạc tính triết lý sâu trầm. “Khô theo ngày thương nhớ/ Vết buồn khắc trên da/ Em theo đời cơm áo/ Mai ra cùng phố xôn xao/ Bao nhiêu ngày yêu dấu tan theo”. Hai con người, hai tâm hồn giản dị, hồn nhiên bắt được nhau giữa mê lộ cuộc đời, có cuộc gặp nào đẹp hơn thế? Người ta gọi đó là duyên.

Tôi nghe nhiều bày tỏ, nếu không có nhạc Trịnh, sẽ không có Khánh Ly của một ngày hôm nay. Mà quên mất rằng, chính tiếng hát Khánh Ly đã làm vút lên, đã thêu hồn cho những bài ca của Trịnh. Nhạc Trịnh đẹp lời ca nhưng đơn giai điệu. Và chỉ có cái giọng chân phương, mộc mạc của Khánh Ly mới bắt được cái đơn giai điệu tưởng chừng như dễ dàng ấy tỏa sáng. Đôi khi tôi vẫn tự hỏi, nhạc Trịnh nhiều người hát nhưng tại sao vẫn không có ai hát lay động hồn người như Khánh Ly? Phải chăng đó chính là nguyên nhân?

Nàng đã sống qua thời mưa bom lửa đạn, đã đi, đã du ca khắp nẻo cùng ông, lằn ranh giữa cái chết và sự sống mong manh như một hơi thở. Những nỗi buồn, những ám ảnh cô đơn, bấp bênh, neo đậu rồi ký sinh, bắt rễ trong hồn người. Vô hình mà hóa ra hiện hữu.

2. Trở lại chuyện tôi băn khoăn khi viết về Khánh Ly. Không chỉ bởi bà là người nổi tiếng, sự nổi tiếng vượt qua mọi sân si, danh vọng phù phiếm. Mà còn bởi cuộc đời bà được dệt bằng một chuỗi phức tạp, mâu thuẫn, giằng xé. Tôi đọc nhiều bài viết về bà, người khen thì khen hết cỡ, còn người chê thì chê rất mực.

Xưa nay, có sự nổi tiếng nào không đi kèm với thị phi? Nên tôi viết về bà, chính xác hơn là tiếng hát của bà. Vì tôi tin, theo năm tháng, kỷ niệm rồi cũng sẽ tàn phai như ánh chiều tà, như khung cửa sổ rỉ sét theo thời gian, như ô gạch cũ lâm thâm rêu, xanh rì nhung mượt, thì tiếng hát bà vẫn vang vọng, trường tồn cho đến ngày người ta thôi nghe nhạc Trịnh.

Khánh Ly hát hồn nhiên, mê say, tận hiến, hát bất cần ngày mai, hát như không còn kịp, như thể cho vơi đi cái năng lượng lúc nào cũng vấn vít trong nàng. Có lẽ chính cái hồn nhiên ấy tạo nên sức hút riêng, không lẩn khuất cho giọng hát của nàng, khiến người nghe mê mải.

Khánh Ly: Tiếng hát hút mọi miền ánh sáng - 2

Khánh Ly và Trịnh Công Sơn giống như con người và hơi thở, không thể tách rời nhau

Đâu đó giữa một trưa Sài Gòn oi ả, con hẻm vắng bật ra tiếng hát Khánh Ly vang giòn, mà buồn tha thiết ru cả một trưa nồng. Đâu đó trong góc quán cũ kỹ, xập xệ, tiếng hát Khánh Ly phưởng phất hơi khói thuốc, đặc sệt mùi café phin hút mọi chiều ánh sáng về phía chiếc loa viền gỗ bị mọt gặm nhắm một góc. Đâu đó người ta lại thấy hình ảnh một cô gái trong chiếc áo dài giản dị với đôi chân trần, hồn nhiên hát, đắm say ca theo tiếng đàn guitar bập bùng của chàng thanh niên nhỏ nhắn, đeo kiếng cận.

Những bài hát về phận người, về đại bác, bom đạn, về khói lửa, về cửa nhà cháy đỏ, về từng vùng thịt xương, về người chết và người sống, về tình yêu, lòng vị tha, về kiếp sống vô thường. Vương vít nỗi buồn, đau thương mà không bi lụy. Và về cả những ban mai rất xanh, những hy vọng, rạo rực, những ước mong hòa bình.  

Người ta yêu một bài hát, đôi khi không chỉ vì bài hát hay mà còn vì nó gắn liền với kỷ niệm. Có khi là một đêm mưa, một mình nghe đêm thở. Có khi một ngày nắng, rệu rã đôi chân. Cả những điều không thể gọi tên. Thời gian bôi xóa, kỷ niệm đứt quãng, ngân câu hát cũ, ta thấy gì đêm nay?

Còn Khánh Ly, mỗi lần cất tiếng ngân những bài ca xưa chưa bao giờ cũ, nàng nhớ gì? Phải chăng: “Ngồi bên dòng sông, nhớ đời mình/ Một trăm năm sau mãi ngủ yên/ Những người đến không vì mong/ Những người khuất không vì quên”(?)

Khánh Ly với ca khúc Biển nhớ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Phan ([Tên nguồn])
Show Khánh Ly và lùm xùm về tác quyền âm nhạc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN