Hồng Nhung và học trò đang “phá nát” nhạc xưa?

Sự kiện: Giọng Hát Việt

Không ít người cho rằng, Hồng Nhung và học trò The Voice đang “phá nát” những ca khúc vốn đã trở nên kinh điển trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam

Việc HLV Hồng Nhung khuyến khích 4 “chiến binh” của đội mình thoải mái sáng tạo để làm mới những ca khúc nhạc xưa, nhạc dân gian… trong đêm cuối vòng Liveshow của Giọng hát Việt 2013 đã tạo nên nhiều phản ứng trái chiều. Không ít người cho rằng, đây là sự “phá nát” những ca khúc vốn đã trở nên kinh điển trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam.

Hồng Nhung và học trò đang “phá nát” nhạc xưa? - 1

Hà Linh, Khánh Duy (đội Quốc Trung) và Hồng Nhung trước buổi tập.  Ảnh: K.T

Lật ngược cả sự kinh điển

Trong đêm cuối vòng Liveshow của Giọng hát Việt, đội của HLV Hồng Nhung có 4 thí sinh thể hiện ca khúc tiếng Việt và 1 thí sinh thể hiện ca khúc tiếng Anh. Trong 4 ca khúc tiếng Việt, có tới 3 ca khúc thuộc dòng nhạc xưa và 1 ca khúc thuộc thể loại dân ca quan họ Bắc Ninh.

Dù đã xác định ngay từ đầu, việc làm mới những ca khúc kinh điển là rất khó nhưng HLV Hồng Nhung vẫn chọn cho các “chiến binh” đội mình những ca khúc nhạc xưa. Chị muốn họ có sự sáng tạo của riêng mình đồng thời đưa họ vào những thử thách mới. Quan điểm của HLV Hồng Nhung là các thí sinh có quyền nâng niu các tác phẩm âm nhạc có giá trị ở trong quá khứ và mang những tác phẩm đó từ trong quá khứ “chảy” vào đời sống hiện tại. Các thí sinh cũng có quyền hát những tác phẩm đó theo tinh thần, suy nghĩ, ngôn ngữ… riêng của thế hệ mình.

“Nhạc xưa nếu đặt đúng chỗ, được thể hiện một cách chân thật và toát lên được cái hồn của bài hát… thì sẽ không còn vấn đề xưa và nay nữa. Vấn đề hay hay không hay phụ thuộc vào sự chân thành và sự trân trọng của từng người đối với bài hát đó”, Hồng Nhung nói.

Có lẽ để bảo vệ mình trước “búa rìu dư luận”, HLV Hồng Nhung còn tỏ ra khôn khéo khi ra sức bảo vệ thí sinh Hoàng Phúc của đội Quốc Trung khi anh chàng này vừa kết thúc tiết mục của mình với ca khúc “Ai về sông Tương” và bị HLV Đàm Vĩnh Hưng chê “dùng sự dí dỏm của một chàng thanh niên để thả vào một ca khúc nhạc xưa sẽ không được số đông khán giả chấp nhận”.

Vì lẽ đó mà chị đã chọn cho Đỗ Thành Nam ca khúc mang âm hưởng ca trù “Ngẫu hứng sông Hồng”; Âu Bảo Ngân với ca khúc nhạc cách mạng “Cô gái vót chông”; Hoàng Nhật Minh với ca khúc nhạc Trịnh “Em hãy ngủ đi” và Phạm Hà Linh là một ca khúc dân ca quan họ Bắc Ninh rất quen thuộc “Người ở đừng về”. Và có lẽ cũng vì “thấm” được tinh thần của vị HLV lẫn mong muốn được thể hiện những sáng tạo của riêng mình, kể cả chuyện chấp nhận đương đầu với thử thách… các thí sinh đã hoàn toàn lột xác trong từng tiết mục của mình. Một Đỗ Thành Nam tinh tế và đong đầy cảm xúc với hình ảnh của một cậu bé theo cha đi dọc sông Hồng vào mùa đông trắng xóa giá lạnh. Một Âu Bảo Ngân trẻ trung, hồn nhiên và phơi phới niềm tin… tất thắng của một cô gái Tây Nguyên vừa hăng say lao động, vừa hăng say diệt thù. Một Hoàng Nhật Minh điêu luyện, nồng nàn và tinh tế với những tự sự của khúc hát ru tình yêu. Cuối cùng là Phạm Hà Linh đã đẩy đến cao độ cái cá tính âm nhạc đầy táo bạo của mình trong một bài dân ca khiến nó trở thành thành một ca khúc Pop pha màu sắc Wolds music mà người ta không biết nên khen hay chê nữa(?!)

Phá cách hay phá nát?

Thực tế, trong 2 đêm của vòng Liveshow, đội HLV Hồng Nhung vẫn được nhiều người đánh giá là nổi trội hơn cả về cách chọn bài lẫn giọng hát so với 3 đội còn lại. Và cũng chính nhờ những ý tưởng táo bạo của đội này mà đêm cuối vòng Liveshow đã được “cứu” khỏi sự nhàn nhạt và nghèo nàn. Phần lớn khán giả đều tỏ ra thích thú và ủng hộ lối tư duy âm nhạc rất hiện đại và văn minh của HLV Hồng Nhung cũng như cách chị dẫn dắt các thí sinh trong đội mình.

Tuy nhiên, điều khiến một số ít khán giả trở nên “ác cảm” với HLV Hồng Nhung khi đã không tư vấn kỹ cho Phạm Hà Linh trong tiết mục của mình. Họ cho rằng, Phạm Hà Linh diễn tả cảm xúc một bài dân ca nhẹ nhàng theo kiểu quằn quại, gào thét, vật vã… như thế là hơi thái quá. Nó khiến người nghe cảm thấy “mệt tai” và khó tiếp nhận dù đó là bản phối đã được nhạc sỹ Hoài Sa phối lại theo phong cách Pop đương đại pha màu Wolds music.

Hồng Nhung và học trò đang “phá nát” nhạc xưa? - 2

Phạm Hà Linh trong đêm liveshow cuối.

“Phạm Hà Linh “phá nát” ca khúc dân ca chứ không phải “phá cách”. Bởi phá cách là thổi hồn để ca khúc mới nhưng quen, chung nhưng vẫn có cái riêng trong đó. Đằng này, cách cô lấy hơi rồi quằn quại và cả những đoạn lên cao… hoàn toàn không làm ca khúc trở nên mới hơn mà chỉ thêm phần nặng nề” – khán giả Lê Thanh Tiến (48 tuổi) cho biết.

Cá nhân HLV Mỹ Linh khi nhìn nhận tiết mục này cũng cho rằng để tiết mục thực sự nhuần nhuyễn và hợp lý thì Hà Linh cần phải có thời gian tập luyện nhiều hơn nữa. Và bản thân chị cũng không khen Hà Linh hát hay mà khen cô đã có sự tìm tòi một cách rất đặc biệt. Còn HLV Đàm Vĩnh Hưng lại cho rằng, Hà Linh là người bỏ công nhiều nhất cho tiết mục của mình so với tất cả các thí sinh trong đêm thi.

Khách quan nhìn nhận, cách HLV Hồng Nhung truyền tư duy âm nhạc của mình và hướng cho các thí sinh đi theo lối cách tân ấy là điều nên làm, nên có. Tuy nhiên, các thí sinh cũng nên cân nhắc và chọn cho mình một cách tư duy biểu diễn bài hát phù hợp. Giá như Phạm Hà Linh tập luyện “Người ở đừng về” một cách nhuần nhuyễn hơn nữa thì đã tránh được những lỗi không cần thiết về mặt kỹ thuật. Bên cạnh đó, Hà Linh cũng cần biết tiết chế cá tính để phù hợp với một ca khúc Pop đương đại pha màu Wolds music vốn dĩ rất khó nghe.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Toàn (Gia đình xã hội)
Giọng Hát Việt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN